18/09/2018 07:19 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - V-League đang nóng, nóng về chất lượng chuyên môn trong cuộc đua huy chương hay tránh xuống hạng thì đã đành. Đằng này nóng thêm câu chuyện cũ, năm nào cũng vào đận này, khi giải đấu đang đi vào hồi kết, đấy là chuyện trọng tài.
1. Đầu mùa giải 2018, Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi từng nói rằng ở thời điểm hiện nay, sân chơi V-League không thiếu trọng tài giỏi, nhưng vì sao những vấn đề lùm xùm của các vị “vua sân cỏ” vẫn cứ tiếp diễn? Chính ông Mùi cũng đã thừa nhận, khi áp lực đè nặng, đội ngũ cầm còi, cầm cờ đã có những sai sót. “Chúng tôi luôn nhắc nhở anh em phải trau dồi chuyên môn, bản lĩnh cần phải được nâng cao. Đồng thời phải thật sự ý thức về nghề của mình, cũng như thật sự chuyên nghiệp, để vượt qua sức ép hoàn thành nhiệm vụ. Đó mới là quyết tâm của những người điều hành công tác trọng tài, còn thực tế đôi khi không được như mong muốn”.
Để ý trong vài mùa giải gần đây, không mùa nào công tác trọng tài không gặp vấn đề. Cũng đã có kỷ luật được đưa ra theo từng cấp độ. Đẩy xuống bắt hạng Nhất, tạm thời không làm nhiệm vụ, nặng hơn thì “treo còi” vĩnh viễn. Thế nhưng, sai sót vẫn như cơm bữa, sai sót từ năng lực chuyên môn đơn thuần hay từ tư tưởng. Mọi thứ vẫn chưa bao giờ được khắc phục một cách căn cơ.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã từng lên tiếng: “Nếu không nhìn nhận nghiêm túc, đánh giá vấn đề công tâm trên tinh thần khách quan. Xử lý rốt ráo đúng người, đúng việc, đúng luật. Bên cạnh đó phải tìm ra giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng thì tình hình sẽ khó được cải thiện. Chỉ có làm triệt để, mới mong thanh lọc và lớn mạnh đội ngũ trọng tài được”.
Chúng ta hay gọi trọng tài là “vua sân cỏ”, vua đồng nghĩa với quyền uy tối thượng. Nhưng trong bối cảnh đầy rẫy nhưng góc khuất lúc này của bóng đá Việt, thì trọng tài đôi lúc cũng chỉ là người “thân bất vô kỷ”, làm những việc mình không muốn. Khi có sai sót, câu đầu tiên vẫn hay được nghe: “Lỗi do nhận định”. Nhận định sai khi năng lực còn kém, hay đến từ đâu trong những hồ nghi về chuyện: “Đè cờ, bẻ còi” vì lý do nào đó.
Trọng tài đơn giản cũng là con người, không thể không sai sót. Vấn đề cái sai đó lặp đi lặp lại theo kiểu: “Biết rồi khổ lắm nói mãi”, sẽ để lại những lăn tăn. Chính vì thế, chuyện "một mất mười ngờ" không thể tránh khỏi. Cũng cần nhìn lại, bao lâu nay cái uy chưa đủ độ nghiêm và phán quyết chưa thật minh của nhiều ông vua sân cỏ, đã không làm cầu thủ tôn trọng. Quan trọng hơn là nhận được sự tâm phục từ tất cả. Chỉ có bản lĩnh thật cứng thì mới mong đương đầu với những hành vi xấu hay đứng vững trước những cám dỗ thường ngày. Chính mỗi bản thân trọng tài mới tạo ra những hàng rào miễn nhiễm, để bảo vệ mình. Điều đó, không gì hơn phải xây dựng trên năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
2. Thời gian gần đây, giải pháp mời trọng tài ngoại sang cầm còi cũng đã được thực hiện. Suy cho cũng cũng chỉ là chuyện "hớt ngọn" và cố gắng tạo ra cảm giác yên tâm cho các bên. Bởi chưa hẳn, trình độ và năng lực của họ là hơn trọng tài trong nước. Cái được lớn nhất khi trọng tài nước ngoài sang ta, đó là sẽ đánh thức tự trọng của vua sân cỏ trong nước. Bởi lâu nay nhiều hình ảnh, điều tiếng không hay về trọng tài, đã làm tất cả có cái nhìn không mấy thiện cảm. Bụt chùa nhà không thiêng là chỗ đấy.
Đã từng có cái câu: “Bóng đá nào, trọng tài nấy” nghe như có lý. Nó có lý trong bối cảnh mà tất cả đã không tạo ra môi trường thật sự chuyên nghiệp của các cơ quan chủ quản. Đồng thời cũng phản ánh rất thật câu chuyện học hỏi, trau dồi, lắng nghe và cầu thị của trọng tài sân cỏ Việt.
Trọng tài bẻ còi hay tiếng còi đôi lúc méo mó là điều có thật. Nguy hiểm hơn, nhiều khi họ bị người khác “quay” chiếc còi và tiếng còi của mình.
Và nguy hiểm hơn trọng tài bị bóc mẽ, trở thành đối tượng để một số CLB, cầu thủ, trút trách nhiệm khi V-League đã ngã ngũ, chuyện thật giả khôn lường.
Hồng Đào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất