09/05/2014 13:28 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Sau buổi làm việc kéo dài gần 10 giờ đồng hồ với lãnh đạo LĐBĐVN, HLV Toshiya Miura người Nhật Bản đã chính thức đồng ý đảm nhiệm cương vị HLV trưởng ĐTQG và ĐT Olympic QG trong thời gian 2 năm”.
20 năm, 8 ông thày ngoại và... 11 lần xài!
3 con số trên đã đủ để nói lên "tốc độ xài" thày ngoại đến chóng mặt, nếu không muốn nói là kỷ lục của bóng đá Việt Nam. Thậm chí nếu làm 1 phép chia số học đơn giản, chỉ chưa đầy 2 năm chúng ta lại "xài" một ông thày ngoại! Cái mức mà có lẽ... quần áo, giày dép cũng... chào thua! chứ nói gì đến HLV bóng đá.
Ngày 24-11-1994, Edson Tavares ký vào bản hợp đồng 1 năm để trở thành ông thày ngoại đầu tiên của bóng đá Việt Nam và "cái lò thiêu" LV nước ngoài bắt đầu đỏ lửa. Chỉ sau đúng... 45 ngày với kỳ tích khi đưa cả 2 đội tuyển Việt Nam vào bán kết Cúp Độc Lập trên sân Thống Nhất (TP.HCM), vị HLV người Brazil đầy cá tính này đã phá ngang hợp đồng để ra đi vì va chạm với Liên đoàn.
Giai đoạn 1995 đến 1997, bóng đá Việt Nam gắn bó với 1 người quen cũ - Karl Heiz Weigang, HLV đã từng đưa đội tuyển miền Nam Việt Nam đến chức vô địch Merdeka Cup. Và ông thày người Đức đã làm nên kỳ tích lớn với tấm HCB SEA Games Chiang Mai 1995 cùng tấm HCĐ tại Tiger Cup lần đầu tiên được tổ chức ở Singapore bằng một thế hệ Vàng với những: Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Đỗ Khải, Hữu Thắng... nhưng cũng tới năm 1997, sau thất bại tan nát tại Dunhill Cup (Malaysia), tới lượt Weigang ra đi, khi xung đột với VFF kể từ Tiger Cup 1996 bị đẩy lên đỉnh điểm.
Ngày 12-7-1997, Colin Murphy đến và đây là ông thày ngoại có thời gian gắn bó ngắn nhất với bóng đá Việt Nam khi chỉ dẫn dắt đội tuyển nam quốc gia trong vòng chưa đầy 3 tháng, tuy nhiên vẫn tạo được ấn tượng riêng với tấm HCĐ SEA Games 19. Đầu năm 1998, lấy lý do chuyện gia đình, Murphy trở về Anh để tiếp tục sự nghiệp HLV của mình, nhưng theo giới thạo tin, áp lực từ VFF lên ông thày ngoại này là quá lớn.
Và để chuẩn bị cho Tiger Cup lần thứ 2 năm 1998 tổ chức ngay trên sân nhà, Alfred Riedl trở thành ông thày ngoại thứ 4 dẫn dắt đội tuyển nam quốc gia và đây cũng chính là vị HLV nước ngoài gắn bó lâu nhất, có nhiều thành tích nhất với bóng đá Việt Nam.
Chia thành 3 giai đoạn là 1998-2000; 2003 và 2005-2007, đáng chú ý là chẳng ở giai đoạn nào là cựu danh thủ người Áo này không có được thành tích trên các sân đấu quốc tế. Thế nhưng, những thất bại đầy cay đắng trong các trận chung kết cũng khiến ông thày ngoại từng giành Chiếc giày đồng châu Âu này bị gắn với cái biệt danh "Mr. Bạc" cũng 3 lần "khăn gói quả mướp" mà ra đi dù từng đưa ĐTVN vào đến ASIAN Cup 2007.
Nếu cần phải tìm hình ảnh trái ngược với Riedl thì đó chính là Henrique Calisto, người đàn ông Bồ Đào Nha có 10 năm gắn bó và mang về cho bóng đá Việt Nam kỳ tích lớn nhất cũng như nhiều sự tranh cãi nhất. Năm 2002, "tận dụng" lực lượng còn sót lại của thế hệ Vàng và kết hợp với những cầu thủ có phong độ cao ở các CLB, Calisto đã giúp Tuyển Việt Nam giành tấm HCĐ Tiger Cup. Đặc biệt là năm 2008, trong lần trở lại thứ 2, Calisto xứng danh là "phù thuỷ" nhờ biến giấc mơ Vàng thành hiện thực khi giúp Tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup. Tiếc là Calisto cũng không chịu nổi thứ áp lực thành tích quá lớn khi phải ra đi sau 2 thất bại liên tiếp tại SEA Games 25 và AFF Cup 2010.
Xem kẽ trong khoảng thời gian này là 2 ông thày ngoại khác và cũng là 2 nỗi thất vọng lớn khác, đó là Edson Silva Dido (Brazil) và Christian Letard (Pháp). Dido là nỗi thất vọng lớn với kỳ SEA Games 2001 trên đất Malaysia khi U23 Việt Nam không qua nổi vòng bảng và ông thày đến từ xứ Samba này còn bị nghi là "hoang tưởng" khi nói trên mặt báo mình nhận tin nhắn CĐV dọa... ám sát!
Riêng Letard là nỗi ám ảnh lớn nhất cho dù được sự giới thiệu từ Aime Jacques, HLV từng dẫn dắt đội tuyển Pháp đến chức vô địch World Cup 1998. Letard chỉ có 6 tháng hợp đồng (từ tháng 2 đến tháng 8/2002) và sớm bị phát hiện ra là kém cỏi về chuyên môn, nhưng lại giỏi việc kiện cáo mà đỉnh điểm là VFF bị Tòa án thể thao của FIFA bắt phạt hơn 200.000 USD vì đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Ông thày ngoại gần nhất là Falko Goetz với bản CV không thể hoành tráng hơn. Từng giành UEFA Cup với Bayer Leverkusen, từng dẫn dắt những CLB danh tiếng như: Hertha BSC Berlin; 1860 Munich... nhưng thất bại cay đắng trước Myanmar trong trận tranh HCĐ SEA Games 2011 tại Indonesia cũng đánh đắm tất cả.
Đến ông thày thứ 9
Sau Falko Goetz, bóng đá Việt Nam từng tuyên bố sẽ quay trở lại với nguồn nội lực mà cụ thể là "xài thày nội". Thày nội giỏi giang đến đâu thì có lẽ chính các nhà chuyên môn cũng... không giải thích nổi, mà lý do chủ yếu là từ ánh mắt "thèm muốn" nhìn sang nhà hàng xóm Malaysia thành công với nguồn lực này để thống lĩnh khu vực.
Nhưng thất bại liên tiếp của những Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc cùng cái cảnh chẳng ông thày nội nào muốn ngồi lên ghế nóng khiến cuộc tìm kiếm thày ngoại của bóng đá Việt Nam lại bắt đầu vòng quay mới. Có lẽ khác, chỉ là thái độ cương quyết xài... thày Nhật theo giá "rau muống" của VFF mà thôi.
20 năm, 9 ông thày ngoại... thành công hay không thì chả ai trả lời nổi. Kể cả vào lúc này... bởi đơn giản, bóng đá Việt Nam đã có quá đủ những"nạn nhân" của giấc mơ Vàng!
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất