22/08/2017 10:41 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Đội tuyển U22 Việt Nam đã trải qua 3 chiến thắng đậm liên tiếp tại SEA Games 29, chiến công sau thuyết phục hơn chiến công trước, và về cơ bản, quân ông Thắng mang lại những tín hiệu tích cực. Nhưng binh pháp có lời răn: Binh kiêu tất bại. Làm sao và như thế nào để giữ đôi chân của những người trẻ trên mặt đất không đơn giản.
Công Phượng và đồng đội đang chơi tốt, chiến thuật hợp lý, từ khâu tiếp cận đến dịch chuyển – hiệu đính cả về mặt con người, rất khá hài hoà. Song, cũng phải thừa nhận rằng, U22 Timor Leste, Campuchia và Philippines chưa phải các đối thủ cứng cựa. Ở tầm ĐTQG, Philippines có thể đang chiếm lợi thế cả về thứ hạng lẫn lịch sử đối đầu trong vài ba năm đổ lại, nhưng nếu khái niệm “đẳng cấp” có tồn tại ở khu vực Đông Nam Á, thì nền bóng đá của họ vẫn dưới chúng ta một bậc.
Trận đấu mới đây, đã có ít nhất 2 tình huống (đều diễn ra trong hiệp 1), U22 Philippines đã phá vỡ cấu trúc phòng ngự của U22 Việt Nam, một ở hành lang cánh trái, một cánh phải, khi các hậu vệ biên và trung vệ phối hợp không tốt, bị họ qua người và đe doạ mành lưới của Phí Minh Long. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì đối thủ này có thể làm được, phần còn lại, họ không chiếm bất cứ ưu thế nào cả về thế trận, thời lượng kiểm soát bóng, các cơ hội ăn và bàn thắng được tạo ra.
Nhưng, U22 Indonesia và Thái Lan là những khái niệm rất khác, mà lịch sử đối đầu tại các kỳ SEA Games cũng như AFF Cup đã cho thấy điều đó. Vào thời điểm hiện tại, chúng ta không nắm bất cứ lợi thế nào so với 2 “ông kẹ” ở bảng B này, ngoại trừ 3 chiến thắng làm vốn và sự tự tin có vẻ đang lên cao. Tự tin là tốt, nhưng đặt giả thuyết nhiều khả năng xảy ra (dù không ai muốn), là nếu đối thủ không cho chúng ta chơi thứ bóng đá của mình, hay nói thẳng là vào trận với tư tưởng phá lối chơi, thì sao nhỉ?
Chung kết SEA Games 2009, Malaysia đã thực hiện điều ấy và thành công, trước khi học trò HLV Calisto "tự bắn vào chân mình". Các trận bán kết AFF Cup với người Mã 1 năm sau đó, rồi SEA Games 2011 Jakarta, Indonesia, cũng xảy ra điều tương tự. Các bài học kéo dài đến tận AFF Cup 2016, với chính HLV Hữu Thắng và một số đáng kể các cầu thủ vẫn còn trong đội hình bây giờ. Khi lúng túng, chúng ta thiếu các giải pháp, dẫn đến "loạn đao pháp" và trở thành bại quân của họ.
Công Phượng đang thăng hoa, nhưng nếu anh bị “bắt chết” ở khu vực gần cầu môn, có nên kéo Phượng ra biên không, và người đứng trong khu vực 16m50 của đối thủ lúc này là ai? Dùng Duy Mạnh cho vị trí trung vệ là sự phí phạm, đẩy Mạnh lên vị trí “mỏ neo”, không những áp lực lên bộ đôi trung vệ và cầu môn sẽ giảm, mà một tỷ lệ bóng đều đặn còn có thể được đảm bảo cho tuyến trên, với Xuân Trường, Tuấn Anh, Quang Hải, Văn Toàn, Công Phượng và cả Đức Chinh (hoặc Tuấn Tài).
Rõ ràng là HLV Nguyễn Hữu Thắng, cũng như các cầu thủ chưa gặp một đối trọng thực sự, và điều người hâm mộ đang chờ, đấy là chúng ta phải bảo lưu được quyền của "người phán xử" ở bảng đấu này. Nó không chỉ đến bởi những hào nhoáng đã qua, những lời hay ý đẹp, sự tự tin được tạo dựng, mà được quyết định bởi hành vi – hành động ở trên sân.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất