11/08/2017 10:36 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Vấn đề chuyên môn của U22 Việt Nam chúng ta khá yên tâm vào lúc này. Bởi, đây là đại diện lứa cầu thủ chất lượng cao, được đào tạo bài bản, nhiều trụ cột có thời gian dài chơi bóng với nhau. Đấy là tập thể hội tụ hai lứa cầu thủ xuất sắc, từ học viện bóng đá HAGL, cùng một số hảo thủ từng xuất sắc giành quyền tham dự FIFA U20 World Cup 2017. Vậy thì, chẳng có lý do gì để lăn tăn về khả năng vô địch của U22 Việt Nam. HLV Hữu Thắng như thế là sướng, bởi mấy ông thầy nội có được diễm phúc, vinh dự nắm trong tay một đội bóng tốt cả chuyên môn, lẫn tư cách đạo đức, như lứa U22 Việt Nam.
Khi bài toán chuyên môn coi như tạm ổn, vấn đề còn lại, HLV Hữu Thắng phải thật sự xuất sắc để dẫn dắt U22 trở thành một đoàn quân tinh nhuệ, thiện chiến trong việc đánh chiếm mục tiêu Vàng. Trò hay nhưng thầy không giỏi thì cũng dễ “xôi hỏng, bỏng không”. Rất cầu mong Hữu Thắng thực sự có tài!
Nhưng, tôi nghĩ, 2 điều đe dọa đến giấc mơ vàng của U22 Việt Nam, chính là khả năng chịu đựng áp lực (bản lĩnh) và, liệu toàn thể các thành viên của U22 hoàn toàn không bị tác động từ những yếu tố khách quan, để toàn tâm toàn ý bước vào các trận đấu?
SEA Games vẫn là đấu trường lớn, lãnh đạo ngành thể thao sẵn sàng đánh đổi nhiều HCV ở các môn khác để lấy một HCV bóng đá. Áp lực vô cùng lớn. Có thể hơi khắt khe nhưng thú thực, vẫn chưa thấy U22 là một đội bóng đầy bản lĩnh, chưa nói vấn đề hầu như chúng ta đã phơi bày ra hết những bài, vở, “cái chất”, trong quá trình tập huấn, thi đấu giao hữu.
Ở nỗi lo thứ hai, nhưng cơ bản, là khả năng miễn nhiễm với mọi tác động khách quan. Đây là một trong những lần bóng đá Việt Nam quá hy vọng và tin tưởng khả năng vô địch SEA Games. Nhưng nên nhớ rằng, rất nhiều lần người hâm mộ cả nước có cảm giác đó, thì lại nhận "chén đắng" trong ngỡ ngàng và nghi hoặc. “Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, và ngược lại. Câu chuyện những lần ngã trước “cửa thiên đàng” của các đội tuyển, buộc chúng ta phải nhớ, cảnh giác là không thừa.
Bóng đá Đông Nam Á đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, từng được coi là “ổ tiêu cực” khi nhiều đại án liên quan đến bán độ, cá độ, tiêu cực…, được khui ra ở mọi cấp độ, ở nhiều quốc gia. Bóng đá nước ta cũng đã trả giá rất nhiều vụ. SEA Games là sự kiện lớn trong năm, nên chắc chắn bóng đá nam sẽ là “miếng mồi ngon” cho các tín đồ mê đỏ đen với thể thao vua.
Chưa thấy báo chí nhắc đến công tác bảo vệ an ninh cho U22 Việt Nam ở mức độ nào, có khác biệt so với các kỳ SEA Games (và AFF Cup) trước?. Thiết nghĩ, ngoài việc cán bộ an ninh theo đội cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, đội tuyển U22 Việt Nam cần được bảo vệ một cách tuyệt đối từ xa. Để, thầy trò HLV Hữu Thắng không chịu bất cứ tác động nào, không thành phần xấu nào có thể chạm được đến một “sợi tóc” của họ, phải là đội tuyển “đạn bắn không thủng”. Làm được thế, khả năng vô địch của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 là cực cao.
Ai “gác đền” cho U22 Việt Nam? Đừng để như bao lần thất bại dư luận lại sống trong tâm trạng “một mất, mười ngờ”, còn người có trách nhiệm cùng lắm là “thí tốt”, như giải pháp cách chức ông Lê Thế Thọ (Trưởng đoàn) sau vụ nhóm cầu thủ bán độ tại SEA Games 23.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất