Vì sao U23 Việt Nam thành 'bệnh viện dã chiến'?

11/12/2015 11:23 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Trả lời câu hỏi tại sao và như thế nào, danh sách chấn thương ở U23 Việt Nam ngày một dài, HLV Toshiya Miura ra cho rằng vấn đề y tế ở CLB khá cẩu thả?! “Nhiều cầu thủ trước khi lên tập trung các ĐTQG đã có tiền sử chấn thương hoặc đang chấn thương”, HLV trưởng người Nhật Bản chia sẻ.

Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Cũng đã có những giả thiết về giáo án tập luyện của thầy ngoại chưa thật phù hợp với cơ địa cầu thủ Việt Nam, hoặc nữa, chất lượng mặt cỏ - sân bãi tập luyện quá tệ…, xem chừng mới là nguyên nhân chính.

Mặt sân quá tệ

Các ĐTQG dưới thời HLV Toshiya Miura chủ yếu tập luyện trên sân tập của Trung tâm đào tạo trẻ VFF, xen kẽ đó là các buổi tập ở Trung tâm Viettel. Trước đó, trong các chuyến tập huấn phía Nam, VFF thường “chọn” Bình Dương làm điểm đến. So về chất lượng mặt cỏ, Trung tâm Viettel có vẻ ổn hơn nhiều so với Trung tâm của VFF hay B.Bình Dương. Trong khi B.Bình Dương miễn phí hoàn toàn cho ĐTQG, thì Trung tâm VFF do chưa biết sử dụng vào mục đích gì cho hiệu quả, nên tạm thời được chọn là nơi hội quân của ĐT. Nhưng cái gì cũng có giá của nó.

Trong số các hạng mục cơ sở hạ tầng, đồng bộ với sự phát triển của bóng đá, thì hệ thống – chất lượng mặt cỏ sân tập và sân thi đấu giữ vai trò chủ đạo, bên cạnh phòng tập gym, hồ bơi, bể tắm thuỷ lực, các chế độ massage hồi phục… Nếu một đội bóng chỉ tập luyện, rồi thi đấu trên hệ thống các sân bóng như mặt ruộng, chúng ta khó thể tìm thấy một thứ bóng đá tử tế, đẳng cấp. Và ngoài ra, nó còn tiềm ẩn mối nguy hại rất lớn: Các ca chấn thương. Từ Trung tâm Huấn luyện TTQG Nhổn, đến Mỹ Đình, VFF,… các ĐTQG đã phải “sống chung với lũ” vì thế.

Các ca chấn thương là điều không ai muốn, nhưng lại khó tránh trong thi đấu, vì bóng đá vốn là môn nặng tính đối kháng. Nhưng nếu nó xảy ra trong tập luyện, bởi hệ thống sân bãi quá tệ hoặc các chế độ chăm sóc sức khoẻ VĐV chưa tốt, thì điều này thật đáng trách.

Sân tập của VFF vốn dĩ đã và đang ở tình trạng quá tải, nhiều chỗ cỏ không kịp mọc, ổ gà - ổ voi nhan nhản, hỏi có đủ tốt cho ĐTQG tập luyện không? Nói đến đây, lại nhớ đến sân Lạch Tray của Hải Phòng, mùa đông đất trơ ra như đám ruộng nhưng vẫn… đạt chuẩn.

U23 Việt Nam: Cựu binh kém hơn tân binh?

U23 Việt Nam: Cựu binh kém hơn tân binh?

HLV Toshiya Miura đã gọi 7 tân binh lên U23 Việt Nam trong đợt tập trung này. Chỉ duy nhất Lâm Ti Phông đang dính chấn thương.


Cải thiện hoặc không gì cả

Đã và luôn cần những so sánh để thấy sự khác biệt. Và người Thái luôn khác biệt so với chúng ta, từ những điều tưởng chừng rất đơn giản mà nếu bắt chước được thì tốt quá. “Tôi không rành về chuyên môn lắm, nhưng bạn thấy mặt cỏ sân thi đấu chính và hệ thống 6 sân tập của SCG Muang Thong United rồi đấy. Tất cả phải đạt chuẩn, rồi mới hy vọng có thể đem lại thứ bóng đá đẳng cấp. Tập luyện ở Trung tâm Kirin Valley của chúng tôi, các ĐTQG Thái Lan không có bất cứ phàn nàn nào cả”, Phó GĐ phụ trách truyền thông của SCG, Chaitath Tongsalee, chia sẻ.

Trên thực tế, các ĐTQG Thái Lan không chỉ có mỗi Trung tâm Kirin Valley để rèn quân, họ vẫn thường xuyên chọn Phayao và Ratchasima ở miền Bắc, nơi có núi non và khí hậu mát mẻ, đóng quân. “Chúng tôi có những địa điểm lý tưởng để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho đội bóng tập luyện. Ưu tiên số 1 phải là chất lượng sân bãi, bởi nó sẽ hạn chế đáng kể các ca chấn thương và nếu bạn tập trên mặt cỏ tốt, sẽ dễ dàng triển khai các ý đồ về chiến thuật hơn, đường bóng chính xác hơn”, trợ lý HLV số 2 của Kiatisuk Senamuang tại U23 Thái, Apisit Kaikaew, nói.

Ngoài ra, Supachalasai, SVĐ QG cũ của Thái Lan, cũng là địa chỉ quen thuộc để các ĐTQG Thái Lan tập trận (2 sân tập và 1 sân thi đấu), bên cạnh sân đấu chính Rajamangala. Cơ sở hạ tầng phục vụ các ĐTQG Việt Nam tuy chưa thể so với chúng bạn, nhưng như thế cũng là khá hoàn thiện rồi. Vấn đề còn lại với VFF là cải thiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ và phục vụ, mới hy vọng bóng đá phát triển, bằng không thì…


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm