V-League học K-League hay bóng đá phủi

19/11/2015 18:24 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Vấn đề quan trọng nhất với bóng đá Việt Nam là phải lấp bớt những khoảng trống khán đài sân bóng, và xét ở góc độ này thì VPF có nên đi học bóng đá Hàn Quốc hay đi học bóng đá phủi? Cuộc trò chuyện của ông chủ quán cà phê với nhà báo Phạm Tấn.

+ Ông chủ quán:Các nhà điều hành bóng đá Việt chuẩn bị đi Hàn Quốc để học K-League, nhưng người ta nói cái giải phủi ở Hà Nội lại luôn đón hàng ngàn khán giả quây kín sân để xem mới là chỗ cần đến. Ở cái giải phủi ấy, đa phần là các cầu thủ vô danh, và đôi khi có các cầu thủ đang chơi ở V-League tham dự như Thành Lương, Ngọc Duy... và có cả những người đã từng là ngôi sao treo giày như Văn Quyến, Quốc Vượng.

Nhà báo Phạm Tấn: Đó có thể là một cách nói hàm ý mỉa mai thông minh, nhưng để coi đó là một cách làm mà những người làm bóng đá chuyên nghiệp phải học hỏi và áp dụng toàn bộ thì không. Việc một giải phủi được công chúng đông đảo đón nhận, hưởng ứng là thành công của những người tổ chức giải đấu ấy, nhưng giữa bóng đá chuyên nghiệp và bóng đá phong trào khác nhau rất nhiều. Nếu cho rằng khán giả là thước đo thì các giải vô địch sinh viên trước kia cũng xứng đáng được mổ xẻ.

Ai đã từng xem những trận đấu ở sân Bách Khoa, Đại học Nông nghiệp và thậm chí xem trận Đại học Kinh tế đấu với Đại học Xây dựng ở sân Hàng Đẫy sẽ rất khó quên cảnh tượng gần 3 vạn người ngồi kín và bầu không khí thì như chảo lửa. Ngay ở thời điểm đó (những năm đầu 2000), các trận đấu ở V-League khi bóng đá Hà Nội vẫn còn Thể Công, Công An Hà Nội cũng không thể tạo nên cảnh tượng như vậy.


VPF tiến hành khảo sát điều kiện sân bãi trước mùa giải 2016. Ảnh: VPF

+ Tại sao người ta lại thích phong trào hơn chuyên nghiệp?

Vì chuyên nghiệp chúng ta chưa chuyên nghiệp, còn kia lại là đỉnh cao của phong trào.HPL rõ ràng là đỉnh cao của phủi ở miền Bắc. V-League là thứ chuyên nghiệp nửa vời, từ cầu thủ cho tới cách tổ chức CLB và một trận thi đấu. Chẳng hạn, Văn Quyến đá cho Ninh Bình, Cần Thơ không ai xem vì anh ấy không còn đủ đẳng cấp của một cầu thủ chuyên nghiệp, chơi trên sân 11 người đòi hỏi đầy đủ các yếu tố thể lực và đặc biệt là tinh thần cống hiến. Nhưng rời sân cỏ chuyên nghiệp thì Văn Quyến lại rất vừa vặn với bóng đá phong trào, chạy ít hơn, đòi hỏi tập luyện không cao. Nó cũng như một ca sĩ hết thời vậy, không thể lên sân khấu lớn nhưng vẫn tỏa sáng ở một chầu Karaoke. Quốc Vượng hay nhiều người khác cũng thuộc dạng này.

Một trận bóng đá ở V-League chưa đạt những tiêu chuẩn giải trí đẳng cấp cần thiết, trong khi người xem kỳ vọng rằng đây là giải chuyên nghiệp và các trận đấu phải là những bữa tiệc giải trí đỉnh cao.  Chuẩn mực của bóng đá đỉnh cao phải là bóng lăn chừng 60-65 phút trong quãng thời gian hai hiệp 90 phút. Nhưng các trận đấu ở V-League bóng sống thường ít hơn bóng chế hoặc cùng lắm là nhỉnh hơn một chút. Các trận đấu có tính cống hiến không nhiều, và thậm chí ở một số sân là không có.

+ Nhưng có một số cầu thủ không phải là chuyên nghiệp hết thời. Như Thành Lương đang ở độ chín của sự nghiệp, và chơi đỉnh cao thoải mái. Nhưng tại sao anh ấy đá cho HN T&T thì không nhiều người xem, cònlúc đá phủi thì lại rất đông fan hâm mộ.

Có thể là vì tò mò. Có thể là vì Thành Lương hay, nhưng chưa phải là hay nhất ở Hà Nội T&T. Tuy vậy, vấn đề của các CLB ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội T&T là khi họ mới thành lập thì mọi nỗ lực của các ông bầu là làm sao để đánh bóng cái thương hiệu doanh nghiệp của mình, và vì điều này người ta nghĩ đó là một đội bóng doanh nghiệp chứ không phải là đội bóng của cộng đồng. Hòa Phát Hà Nội hay HN ACB cũng đều như thế.

VPF du học K-League: Vừa làm, vừa học

VPF du học K-League: Vừa làm, vừa học

Ngay sau khi công bố danh tính tân TGĐ, ông Cao Văn Chóng, VPF cũng thông báo về chuyến du học đến K-League (giải nhà nghề Hàn Quốc) cho vài chục thành viên.


Những nỗ lực thay đổi bề ngoài hay thực chất bên trong muốn gây dựng cho bóng đá địa phương sau đó đều cần thời gian, và rất khó xóa bỏ định kiến. Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức được hâm mộ, tạo nên cơn sốt trong dư luận là bởi vì họ đã khéo léo gắn được cái mác đào tạo thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh là để phục vụ cho bóng đá Việt Nam, cho những khát vọng đổi đời ở khu vực và châu lục.

+ Vậy thì vẫn nên đi học Hàn Quốc chứ không đi học bóng đá phủi?

Cái mà bóng đá phủi có thể trở thành bài học là sự cống hiến, là niềm vui chơi bóng lan truyền tới người xem có niềm vui thưởng thức. Nhưng cần có bóng đá chuyên nghiệp chuẩn mực mới giúp bóng đá Việt Nam. Chẳng hạn, nơi để người ta tới thưởng thức, giải trí đỉnh cao không thể là cầm báo lót ghế ngồi cho khỏi bẩn, không thể là không dám đi vệ sinh vì cái toilet quá hôi hám và nhơ nhuốc, không thể là một sân bóng mà người xem bị nhốt ở đó cho tới phút 75 mới có bảo vệ mở cổng cho về.

Nơi để các cầu thủ có thể chơi thứ bóng đá đỉnh cao không thể là sân bóng lồi lõm và cỏ lởm chởm mọc. Nó cũng không thể là sự thoải mái nếu các trận đấu cứ phải bắt đầu lúc chiều nắng thay vì đến tối trời mát mẻ. Giải trí đỉnh cao cũng không thể là những trận đấu đầy nghi vấn. Giải đấu hấp dẫn không thể những trận đấu thủ tục. Thế nên đi học luôn là điều tốt, vấn đề chỉ là học được cái gì và áp dụng nó ra sao. 


Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm