24/05/2018 08:06 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - "Tiếng súng", thậm chí là các "quả bom nổ chậm" ở thượng tầng VPF và cao hơn là VFF trước thềm Đại hội khoá VIII vẫn chưa có biểu hiện dịu xuống, khiến người ta không khỏi liên tưởng đến trái bóng tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chẳng khác nào đang lăn trong tâm bão. Hỏi, chúng có thể “về đích an toàn” như mong mỏi không?
Sức ép buộc Phó Chủ tịch HĐQT VPF, ông Trần Mạnh Hùng, phải đệ đơn từ chức; trong khi, “vua áo đen” phải nhảy điệu “hoang mang” thực sự khi các sếp mải đấu đá và đứng trước nhiều nghi kị.
Gà cùng một mẹ
Khi VFF chủ động điều người của mình qua VPF, kể từ sau khi bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên - người sáng lập VPF, vướng vòng lao lý), về lý thuyết là hỗ trợ Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tổ chức các giải đấu, tức là tạo cơ chế phối hợp. Song có cảm giác như một ngày qua đi, VPF bị đồng hoá bởi chính VFF và người ta không còn thấy cơ chế phối hợp nào với các CLB. Cuộc chơi đáng ra thuộc về các CLB, thì nhiều mùa giải, nó như trở lại cơ chế cũ, khi VFF còn nắm quyền tổ chức các giải đấu. Hàng loạt các chiếc ghế quan trọng ở VPF, được nắm bởi người của VFF...
Sau khi bầu Thắng (chủ tịch Võ Quốc Thắng) rút lui, ông Trần Anh Tú - Uỷ viên Thường trực VFF phụ trách các vấn đề về futsal được cử qua ngồi ghế Chủ tịch HĐQT, VFF gần như đã thu hồi lại quyền tổ chức, dù về lý thuyết, VPF vẫn còn một năm trong thoả thuận đứng ra đăng cai. Tuy nhiên, sau những diễn biến không lường từ vụ giải tán BTC, thành lập Ban điều hành, đến cho thôi việc Phó TGĐ - nguyên Trưởng BTC V-League Nguyễn Minh Ngọc, rồi từ chối hợp tác với Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền..., cơ chế phối hợp bị phá vỡ. VFF thậm chí không thể kiểm soát chính người của mình nữa rồi.
Mâu thuẫn hay tranh biện, về lý thuyết tạo động lực phát triển, nhưng khi “gà nhà” đấu tố nhau, hạ bệ nhau, vì quyền lợi, chắc chắn sẽ đi ngược lại với lợi ích của nền bóng đá, cũng như các giải đấu. “Cháy nhà ra mặt chuột”, tuy nhiên, người trong cuộc (các CLB) lại kỳ vọng “trong hoạ có phúc”. Khi cuộc loạn đả giữa các bên tham chiến diễn ra, những tiêu cực sẽ phơi bày và từ đó bị triệt tiêu, để một lần thương đau, làm sạch bộ máy tổ chức. Đây cũng là mong mỏi của người hâm mộ bóng đá Việt Nam chân chính. Họ không chấp nhận thoả hiệp với bao tồn tại đã diễn ra từ nhiều năm qua.
Nên nhớ, bóng đá Việt Nam mới chỉ hừng lên sau kỳ tích Thường Châu - hiệu ứng mà đội tuyển U23 Việt Nam mang lại. Vì lý do gì đi chẳng nữa mà đi ngược lại với lợi ích của nền bóng đá, cũng đều mang tội. Bóng đá Việt Nam không thiếu những nhà điều hành có tâm, và cả tầm, không tin, các vị cứ từ chức hết đi và... có khi lại hay.
Cao thủ không bằng tranh thủ
Trở lại với giải đấu cao nhất dải đất hình chữ S, Hà Nội FC được đánh giá cao hơn tất thảy, cả về lực lượng lẫn sự ổn định - yếu tố quan trọng hàng đầu với các đội bóng giàu tham vọng và thực tế họ cũng đã bứt đi rất nhanh, sau 8 lượt trận đầu tiên. Khoảng cách 6-7 điểm so với tốp bám đuổi, tạo hệ số an toàn, trước khi các đội bóng khác có được sự ổn định. “Điều may mắn với Hà Nội FC lúc này là các cầu thủ chưa dính chấn thương hay thẻ phạt. Chúng tôi phải tranh thủ tích luỹ điểm số trước lượt về, bởi cuộc đua càng về sau càng quyết liệt”, HLV Chu Đình Nghiêm chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.
Ở vòng 9, Hà Nội FC sẽ được tiếp lửa trong cuộc đón tiếp đối thủ cạnh tranh trực tiếp là FLC Thanh Hoá. Đây là trận-cầu-6-điểm và sân Hàng Đẫy một lần nữa mở hội, khi người ta dự báo rằng, CĐV xứ Thanh sẽ nhuộm vàng chảo lửa này, như bao mùa giải trước đây. Các trận đấu giữa Hà Nội và Thanh Hoá, hay Hà Nội - SLNA, hoặc Hà Nội - Hải Phòng, hay Hà Nội - HAGL luôn nóng từ khán đài xuống từng mét vuông mặt cỏ Hàng Đẫy. Đấy mới là bóng đá, mới là điều mà tất cả mong đợi, mới là tương lai, chứ không phải các cuộc đấu đá ở thượng tầng, hòng giành giật những cái ghế.
Người người tranh thủ, nhà nhà tranh thủ đấy là bức tranh toàn cảnh nền bóng đá Việt Nam. Có cả những tranh thủ tích cực lẫn tiêu cực, bởi thế mới có câu nói vui rằng, đôi khi cao thủ không bằng biết... tranh thủ là vì thế. Lại thêm một năm đầy sóng gió nữa và khó kỳ vọng một đích đến an toàn cho tất cả.
6 Sau vòng 8 V-League 2018, CLB Hà Nội đã bỏ lại đội xếp thứ hai trên bảng xếp hạng là Than Quang Ninh với số điểm tương đương với 2 trận thắng (20 so với 14). Thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm tiếp tục kéo dài chuỗi trận bất bại tại V.League lên con số 8, ghi được nhiều bàn nhất (21), lọt lưới ít nhất (3). 3 Cũng sau 8 vòng đấu, bất ngờ lớn nhất là sự trở lại ấn tượng của cựu vương B. Bình Dương. Thay máu bằng 1 loạt cầu thủ trẻ và được dẫn dắt bởi cựu danh thủ Trần Minh Chiến, đội bóng đất Thủ mới chỉ thua một trận, thắng 3 và hòa 4, vươn lên tạm đứng thứ ba. 1 Trận thắng đầu tiên của tân HLV trưởng Đức Thắng cùng CLB FLC Thanh Hóa tại V-League 2018 khá ấn tượng khi vượt qua Than Quảng Ninh với tỷ số 3-1 ngay tại Cẩm Phả. Nhưng vòng đấu thứ 9 mới thực sự là thách thức cho ông Thắng và đội bóng xứ Thanh khi phải làm khách trên sân Hà Nội. |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất