04/12/2017 06:26 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Hôm qua (3/12), Đại hội cổ đông Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã bầu ra các thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017 – 2020, trong đó, ông Trần Anh Tú và ông Trần Mạnh Hùng lần lượt được bầu làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF.
Bước ngoặt của “ông Tú futsal”
Ông Trần Anh Tú hiện đang là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM và Ủy viên Thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Tuy nhiên, thông tin ông trở thành Chủ tịch VPF đã rò rỉ từ khá sớm.
Chia sẻ về điều này, bầu Tú nói: “Các cổ đông ở các CLB đã đề xuất tôi vào vị trí này. Ban đầu tôi rất ngại tuy nhiên sau này nghĩ lại, mình có trách nhiệm với bóng đá và nó cũng là đam mê của bản thân nên tôi đã nhận lời”.
Ông Tú nhận lại vị trí từ người tiền nhiệm Võ Quốc Thắng và với kinh nghiệm làm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM cùng trải nghiệm trên cương vị Uỷ viên Thường trực VFF, bầu Tú được tín nhiệm sẽ đưa VPF tạo nên nhiều đột phá trong công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vào thời gian tới.
“V-League đang bị xói mòn niềm tin rất nhiều. Chúng tôi là người mới tại VPF phải làm thật tốt để lấy lại niềm tin cho bóng đá Việt Nam”, ông Tú nói tiếp.
Tân Chủ tịch HĐQT VPF nói sâu hơn về điều ông cảm thấy lăn tăn nhất: “Bản thân chúng tôi cũng đã nghĩ đến phương án đề xuất Ban Kỷ luật và Ban Trọng tài trở thành một tiểu ban trong BTC giải bóng đá chuyên nghiệp. Chúng tôi khi đó sẽ nắm được án kỷ luật, làm cho nó công minh, kịp thời. Đồng thời, vấn đề trọng tài cũng sẽ được kiểm soát.
Trước đây, những bộ phận này không thuộc BTC. BTC cũng không kiểm soát được nhiều án kỷ luật và các trọng tài. Dĩ nhiên, chúng tôi không có quyền biến các ban này nằm dưới sự giám sát ngay mà phải thông qua BCH VFF. Đề xuất này tôi nghĩ nó cũng theo quy luật của các giải đấu quốc tế khi mà tiểu ban kỷ luật, trọng tài đều thuộc BTC”.
Bất ngờ cho đất Cảng
Còn ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, cũng bày tỏ thái độ đồng tình rất cao với quan điểm do ông Tú đưa ra. Bên cạnh đó, ông Hùng khẳng định nhiệm kỳ này “rất khó khăn”, bởi lẽ nhà tài trợ chính của V-League là Toyota đã kết thúc hợp đồng tài trợ 3 năm cho giải đấu. Chính vì vậy, việc tìm kiếm nhà tài trợ mới là rất cấp bách trong bối cảnh chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là V-League 2018 sẽ khởi tranh.
Việc Chủ tịch CLB Hải Phòng trở thành nhân vật quyền lực thứ hai tại VPF gây ra khá nhiều bất ngờ vì trước đó ông Hùng từng nhiều lần tranh luận gay gắt, hoặc tỏ ra bất đồng quan điểm với lãnh đạo VPF ở nhiệm kỳ trước trong các Đại hội cổ đông.
Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định: “Tôi là một cổ đông và đủ tiêu chí ngồi vào vị trí này. Bên cạnh đó, tôi muốn đóng góp công sức để phát triển bóng đá Việt Nam chứ không chỉ tranh luận như trước. Ngồi vào vị trí này không có nghĩa là tôi không tranh luận nữa mà thậm chí tôi tranh luận còn hăng hái hơn”.
Ngoài 2 vị trí kể trên, các thành viên nòng cốt của Hội đồng quản trị VPF còn 6 thành viên là ông Lê Hoài Anh (Tổng thư ký VFF), bà Đinh Thị Thu Trang (Kế toán trưởng VFF), ông Lê Nguyên Hồng (Chủ tịch CLB Quảng Nam), ông Phạm Thanh Hùng (Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh), ông Nguyễn Hồng Thanh (GĐĐH CLB SLNA), ông Trần Lâm Vũ. 3 thành viên trong Ban Kiểm soát là ông Lê Hồng Cường, bà Nguyễn Thị Thanh Hương và ông Huỳnh Mau.
Việc ông Tú trở thành Chủ tịch VPF được xem là lựa chọn tốt nhất vào thời điểm hiện tại, bởi sau khi ông Võ Quốc Thắng từ nhiệm thì bóng đá Việt Nam ở cấp độ quản lý không có nhiều nhân vật được xem là ứng viên thích hợp cho vị trí cực kỳ quan trọng này.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng lại là một người nổi tiếng với những phát biểu mang tính phản biện rất cao, và với tính cách đặc trưng “ăn sóng nói gió” của người dân thành phố biển Hải Phòng, ông Hùng được kỳ vọng sẽ mang lại bầu không khí mới cho bộ máy lãnh đạo VPF.
3. Trong 8 thành viên của Hội đồng quản trị VPF nhiệm kỳ 2017-2020, có 3 thành viên xuất phát từ VFF là ông Trần Anh Tú, ông Lê Hoài Anh và bà Đinh Thị Thu Trang. 1. Thách thức đầu tiên của bộ máy lãnh đạo VPF nhiệm kỳ mới là phải tìm được nhà tài trợ mới cho V-League để thay thế Toyota vừa nói lời chia tay sau 3 năm hợp tác. 6. Tính từ khi được thành lập vào cuối năm 2011 cho đến nay, VPF đã có 6 năm hoạt động liên tục. |
Hoàng Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất