Dự thảo Luật trẻ em sửa đổi: Nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi

11/11/2015 21:07 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp lần này đó là nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi. 

Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này vẫn còn một số ý kiến khác nhau. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em về vấn đề này. 

* Là bác sĩ nhi khoa, đồng thời có nhiều năm nghiên cứu về trẻ em, ông có thể phân tích rõ hơn những bằng chứng khoa học liên quan đến vấn đề nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi là cần thiết? 

- Tiến bộ mới trong công nghệ MRI (chụp cộng hưởng từ) cho thấy, bộ não của con người phát triển chậm hơn nhiều so với quan niệm trước đây. Đặc biệt, thùy trái, thường được gọi là “trung tâm chỉ huy” của não bộ, không phát triển đầy đủ cho đến tuổi 20. Thùy trái kiểm soát việc ra quyết định, phán xét, kiềm chế xung đột và có khả năng đánh giá hậu quả lâu dài hành động của một người. 


Lê Văn Luyện phạm tội giết người cướp của khi chưa đủ 18 tuổi

Vì phần não bộ này vẫn chưa trưởng thành và phát triển đầy đủ, người chưa thành niên vẫn chưa thể đưa ra những quyết định có trách nhiệm và hợp lý, chưa thể sử dụng những phân tích có tính toán, đánh giá rủi ro và kiểm soát cảm xúc của mình. 

Với cơ sở khoa học này, Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác quy định 18 tuổi là độ tuổi thành niên, tuổi trưởng thành để một người có thể chịu trách nhiệm đầy đủ với xã hội. Ở một số ít quốc gia, độ tuổi trưởng thành được quy định là 21 tuổi. 

Như vậy, người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn, chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, đặc biệt về nhận thức xã hội. Vì lý do này, người trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi chưa được coi là người trưởng thành, cần phải được quan tâm đặc biệt từ phía nhà nước, xã hội, cộng đồng và gia đình để các em phát triển lành mạnh, không bị bỏ rơi, sao nhãng và sa vào các hành vi lệch lạc, thậm chí nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật. 

* Tuy nhiên, hiện nay có một số ý kiến cho rằng, việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi sẽ góp phần làm tăng nguy cơ tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? 

- Trước hết, tôi phải khẳng định, quan điểm như vậy là không đúng. Khoa học hình sự đã chứng minh, khi cơ thể con người đã trưởng thành đầy đủ, những hành vi vi phạm pháp luật thường khác so với lứa tuổi chưa thành niên. 

Có một số người cho rằng, trẻ em giờ cao lớn, phổng phao, thông minh và trưởng thành sớm hơn so với trước đây. Song trên thực tế, các em mới chỉ “lớn” về thể xác nhưng vẫn còn non nớt về nhận thức. Đặc biệt, trẻ em ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi thường bồng bột, nông nổi, hiếu thắng, chưa kiểm soát được hết hành vi của bản thân.

Nếu ở độ tuổi này, trẻ em đã bị “chín ép”, coi như đã trưởng thành, thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn, bị đẩy ra ngoài xã hội sẽ rất dễ phạm tội. Vì vậy, khi lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi được công nhận là trẻ em, các em sẽ nhận được sự nuôi dưỡng, quan tâm, chăm sóc, hướng dẫn từ gia đình và cộng đồng một cách đầy đủ, kịp thời và toàn diện hơn, góp phần giảm được nguy cơ sa ngã, phạm tội của các em ở lứa tuổi này. 

* Vậy theo ông, khi Luật công nhận độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi là trẻ em thì lợi ích đem lại cho các em trong độ tuổi này như thế nào? 

- Khi nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi thì trẻ chưa thành niên sẽ được hưởng đầy đủ và toàn diện các quyền của trẻ em được quy định trong Luật và trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Trẻ chưa thành niên sẽ được bảo vệ tốt hơn để không phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, giảm nguy cơ bị xâm hại, bạo lực. 

Bên cạnh đó, trẻ được hưởng các chế độ học tập, vui chơi, khám chữa bệnh, chăm sóc y tế dành cho trẻ em đến khi trưởng thành (đủ 18 tuổi). Quyền vui chơi và tham gia của trẻ em cũng được quan tâm đầy đủ hơn. 

Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh, luật phải luôn song hành cùng thực tiễn đời sống. Mọi quy định được nêu trong luật đều phải được thực thi nghiêm minh, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho trẻ em. 

Vì vậy, khi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, những văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng cần được hoàn thiện nhanh chóng; đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em trong thực tiễn. 

* Xin cảm ơn ông!
Việt Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm