Brazil: Tiến thoái lưỡng nan

30/06/2013 19:42 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(giaidauscholar.com) - Các chi phí leo thang trong việc tổ chức các giải đấu mùa hè, bao gồm Confederations Cup hè này và World Cup hè sang năm, đã làm dấy lên một cuộc cách mạng xã hội ở Brazil, đẩy những quan chức bóng đá nước này và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.



Biểu tình đang đe dọa World Cup ở Brazil

“Bạo lực ngoài tầm kiểm soát”, báo O Dia của Brazil giật tít. Đó là một chủ đề được đề cập trên các phương tiện truyền thông ở Rio gần như hàng ngày, sau cuộc biểu tình khổng lồ thu hút hơn một triệu người ở 100 thành phố khắp Brazil nổ ra thứ Năm tuần trước. Cảnh sát đã dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán hơn 300.000 người tuần hành tại Rio. Bạo lực khiến ít nhất một người thiệt mạng. Ở Sao Paulo, một cuộc tuần hành hòa bình cũng đã biến thành xung đột vũ lực.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã hủy một chuyến công du nước ngoài để ưu tiên giải quyết cuộc khủng hoảng. Bà từng trao đổi với FIFA về khả năng hoãn Confederations Cup, nhưng rồi giải vẫn diễn ra. Trong khi nhà chức trách đang làm hết sức để đảm bảo các giải đấu diễn ra đúng dự kiến, sự bất bình từ người dân Brazil không phải là vô lý.

Chỉ xem 30 giây của một kênh tin tức của Brazil, bạn sẽ đi đến kết luận rằng an ninh không được đảm bảo ở quốc gia này. Khả năng kiểm soát bạo lực của nhà chức trách, với nguồn lực đã căng ra trên gần khắp các mặt trận, là đáng ngờ ở World Cup sắp tới, nếu như các cuộc biểu tình lại nổ ra. Các mối đe dọa an ninh thể hiện ngay ở Confederations Cup với thậm chí là những đội dự giải. Sáu cầu thủ Tây Ban Nha bị trộm đột nhập vào phòng trong khách sạn khi họ gặp Uruguay ở Recife. Vợ của thủ môn Brazil Julio Cesar bị cướp bằng súng ở Fortaleza.

Làn sóng biểu tình lớn nhất Brazil trong 20 năm qua bắt đầu từ việc tăng giá vé xe buýt vào đầu tháng này và nhanh chóng trở thành cuộc phản đối Confederations Cup và World Cup. Những người biểu tình cho rằng chi phí cho World Cup, ước tính khoảng 15,5 tỉ USD, là quá cao, và những ưu tiên của việc giải ngân là quá bất công. “Sân bóng của thế giới thứ nhất, trường học và bệnh viên của thế giới thứ ba”, một biểu ngữ giăng lên trong cuộc biểu tình ở Rio. Những người biểu tình đổ lỗi cho FIFA và chính phủ Brazil vì chi phí leo thang của việc xây dựng 12 sân vận động cho World Cup và sự thất bại trong thu hút đầu tư tư nhân như dự kiến ban đầu.

“FIFA đến đây hô hào về các sân vận động mới, nhưng những gì họ đang làm là làm chậm lại sự thay đổi của Brazil từ “đang phát triển” đến “phát triển””, một người biểu tình nói trong cuộc diễu hành ở Rio. “Đây là một đất nước 190 triệu dân, nhưng ai được hưởng lợi từ World Cup? FIFA và những kẻ giàu có. Các ưu tiên đều sai lệch”.

Brazil là quốc gia cuồng bóng đá nhất trên thế giới. Bất cứ nơi nào bạn đi, mọi người đang đá bóng hoặc mặc áo đấu (xịn hoặc giả) của các ngôi sao tập trung quanh ti-vi xem một trận đấu trong một quán cà-phê. “Tuy nhiên, tình hình đã tệ đến mức người hâm mộ phản đối cả World Cup, giải đấu lớn nhất hành tinh”, một giám đốc doanh nghiệp giấu tên ở Sao Paulo lắc đầu ngán ngẩm. “Tôi đã nói chuyện với những công nhân xây dựng kiếm được 15 USD ít ỏi mỗi ngày, họ không được hưởng bất kỳ lợi ích từ giải đấu”. Với những sân vận động xây bằng tiền ngân sách đầy lỗi và nghi ngờ tham nhũng, sự phẫn nộ của dân chúng là điều không đáng ngạc nhiên.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, người đã rời Brazil trong Confederations Cup để tham dự World Cup U20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, từng nói về sức mạnh của bóng đá làm thay đổi xã hội. Ông hẳn không có ý nói những thay đổi đó đang gây ra tình cảnh hỗn loạn ở Brazil, nhưng tình hình đang diễn biến như thế. FIFA ở trong vị thế phải nói đi nói lại về những sân vận động hoành tráng và lờ đi khoảng cách lớn về giàu nghèo ở Brazil. Nhưng giờ thì không ai có thể ngoảnh mặt làm ngơ nữa, khi hàng triệu người đã lên tiếng.


Nhật Nguyễn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm