01/02/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Vào đúng ngày bước vào tuổi “lục thập hoa giáp” (8/1/2022), nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đã hoàn thành việc lựa chọn cho báo Xuân Thể thao và Văn hóa một bộ ảnh đặc biệt của anh về Hà Nội.
Chủ đề bộ ảnh mà báo “đặt hàng” anh khá rộng mở: chỉ cần có một chút gì đó về Hà Nội, nhiều hoài niệm một chút và… xanh xanh một chút nữa càng hay. Cũng bởi vì cuộc thi Hà Nội mát xanh do Thể thao và Văn hóa phát động (có anh trong thành phần Ban giám khảo) sẽ kết thúc và trao giải vào tháng 7 tới và đang rất cần được quảng bá.
Vẫn biết rằng, đằng sau bề ngoài lãng tử, hào hoa kia là một Dương Minh Long cực kỳ tỉ mỉ, kỹ tính; nhưng tôi vẫn phải kinh ngạc trước sự công phu, cầu toàn của anh. Chỉ là một bộ ảnh đăng báo thôi (chắc nhiều người cũng nghĩ vậy), nhưng từ khâu lên ý tưởng để tuyển chọn ảnh trong kho phim đồ sộ của mình, đến khâu xử lý những vết xước trên phim do thời gian, và cả những yêu cầu về thiết kế trang báo và in ấn..., đều khiến anh phải thao thức! Sự cầu toàn tương tự, tôi mới chỉ bắt gặp khi trao đổi với Thomas Billhardt vào hồi tháng 10/2021 khi có ý định in ấn và trưng bày một số tác phẩm nhân dịp cuốn Hà Nội 1967 - 1975 của ông được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2021.
“Nhớ về Hà Nội nhớ nhất vẫn là nhớ người. Người trong phố. Người phố trong lòng mình. Nhớ phố Hà Nội nhớ nhất vẫn là nhớ cây. Cây trong phố. Cây phố trong lòng người. Vẻ đẹp cây Hà Nội là vẻ đẹp của cây ký ức… Cây trước cửa nhà, cây hẹn hò đầu ô, cây ngả bóng ven hồ, cây sũng mưa kỷ niệm, cây bóng mát tuổi học trò…” - anh viết về những bức ảnh này như thế. Tôi có cảm tưởng như người đàn ông trong những ngày rập rạp bước sang tuổi 60 này đã đắm chìm rất lâu vào ký ức Hà Nội khi nhìn lại những bức ảnh vừa được chọn ra. Khi đọc lại, tôi thấy đó chính là một bài thơ.
Không phải ai cũng có thể hiểu chính xác về cách “thực hành nhiếp ảnh” của Dương Minh Long. Có chim, hoa, cá gái; có cái dịu dàng của thiên nhiên; có cái lấm lem đời thường gợi nhiều thương nhớ; nhưng xuyên suốt, và được sắp xếp cực kỳ hệ thống trong gia tài nhiếp ảnh của anh chính là toàn bộ cuộc sống này với các lớp lang của nó đã được anh “dữ liệu hóa” một cách có chủ ý.
Nói đơn giản thế này, nếu tình cờ xem một bức ảnh Hà Nội của Dương Minh Long được anh đưa lên mạng, người ta vẫn thường ồ lên bởi bức ảnh hay quá, quý giá quá, đúng chất Hà Nội quá, bởi nó rất đơn sơ mà lại cực kỳ điển hình cho khung cảnh Hà Nội của một thời đã qua.
Ta đặt câu hỏi: Có phải anh may mắn nên chụp được khung cảnh ấy và giữ lại được đến hôm nay? Sự thực thì không có cái gì “may mắn” hay “vô tình” đi vào ống kính của anh cả. Từ hàng chục năm nay, anh đã kiên trì và nhất quán với triết lý “nhiếp ảnh tư liệu”, để biến mỗi bức ảnh của mình thành một trang “biên niên sử” của cuộc sống.
Trong thời đại mà Big Data (dữ liệu lớn) là cốt lõi làm nên cuộc cách mạng 4.0, trong thời đại mà dữ liệu lên ngôi đến mức có thể trở thành “Dữ liệu giáo” (chữ của Y. N. Harari trong cuốn sách nổi tiếng và thời thượng Homo Dues – Lược sử tương lai) thì ai nắm được dữ liệu người đó sẽ chiến thắng.
Nguyễn Mỹ - Ảnh: Dương Minh Long
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất