Liên tiếp thực hiện hai chương trình âm nhạc cổ điển: một với nhóm hoà tấu, diễn ra vào ngày 19.5 tại học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; một với dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker nổi tiếng thế giới của Đức, tại nhà hát lớn vào trung tuần tháng 7.2012, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy chia sẻ: “Tôi đang tràn đầy cảm hứng với công việc!”
Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy. Ảnh: tư liệu
* Khán giả sẽ có được những cảm giác khác lạ từ hai chương trình gắn “mác” Bùi Công Duy sắp tới chứ?
- Với nhóm hoà tấu (bao gồm từ 5 – 10 nhạc công) thì đây là chương trình thứ ba trong hơn một năm qua. Đương nhiên, chúng tôi vẫn theo đuổi mục tiêu ban đầu là không quá dài, không quá chuyên sâu, tiết mục phong phú, màu sắc sôi động, và dễ nghe, dễ cảm. Số tới sẽ có những tác phẩm mang âm hưởng đồng quê, những bản tango rộn rã… ít quen thuộc với khán giả Việt Nam. Có thể, sẽ phần nào phá vỡ định kiến: nhạc cổ điển khó nghe, khó cảm.
Với 66 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker thì sẽ là ba đêm hoành tráng, mang tính chất tổng hợp tinh hoa của âm nhạc cổ điển châu Âu. Rất kinh điển nhưng cũng rất dễ nghe, và đậm tính chất xã hội hoá ở khía cạnh: hướng đến đại chúng. Mỗi đêm, chúng tôi sẽ đem đến cho khán giả một màu sắc, một phong cách âm nhạc hoàn toàn khác nhau. Chương trình kiểu này chưa từng có ở Việt Nam.
* Kiêm nhiệm cả khâu tổ chức biểu diễn, anh đang khiến nhiều người thắc mắc: vì sao một Bùi Công Duy quen được bao bọc bởi âm nhạc lại dấn thân vào việc dàn dựng chương trình?
- Vì tôi nghĩ, nếu như bằng cách đó có thể triển khai được nhanh hơn ý tưởng của mình thì tại sao không dấn thân? Ai cũng biết, với tư cách cá nhân, mời một dàn nhạc nổi tiếng thế giới sang Việt Nam là điều không tưởng, chưa kể đến thù lao cho nghệ sĩ, vé máy bay, trang thiết bị… toàn những con số khổng lồ. Thế nên, có được ba đêm diễn sắp tới, ngoài mối quan hệ cá nhân với nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng Berliner, tôi cần phải cảm ơn những người bạn đã đồng hành cùng tôi suốt gần hai năm qua, để biến ý tưởng này thành hiện thực. Họ không thuộc giới chuyên môn, chỉ là những khán giả bình thường. Thế mới biết, vẫn có rất nhiều cá nhân quan tâm và chịu đầu tư vào âm nhạc cổ điển.
* Ở khía cạnh nào đó, doanh thu gần như là thước đo của thành công. Vậy con số thu được sau hai chương trình đầu tiên khả quan chứ?
- Hai chương trình đầu tiên, giá vé chỉ ở mức tượng trưng nhằm thu hút công chúng và “đo” cảm hứng của khán giả. Và đều cháy vé! Chương trình hoà tấu vào ngày 19.5 này, giá vé sẽ cao hơn một chút, nhưng cũng không đến mức cao hơn mặt bằng chung, chỉ 200.000 đồng/vé thôi.
* Nhìn lại, đã hơn năm năm trôi qua kể từ khi anh trở về quê hương. Mọi sự vẫn đang diễn ra thuận lợi theo ý anh chứ?
- Ngày đầu tiên trở lại, tôi đã xác định, mình được cái này thì phải chấp nhận mất cái kia. Bây giờ vẫn thế. Dồn thời gian cho học trò thì thời gian biểu diễn phải ít đi. Nhưng, tôi đang rất hứng thú với công việc, thấy mình làm được nhiều hơn, không chỉ biểu diễn, mà còn giảng dạy, tổ chức chương trình nữa.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị