Đề án Bức tường danh nhân của tác giả Nguyễn Trọng Văn (Đài PTTH Hà Nội) đã được đăng ký quyền tác giả lần đầu vào ngày 13/7/2009. Sau khi bản đề xuất về ý tưởng này được gửi lên thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng, tác giả đã nhận được “Thư phúc đáp” và ghi nhận. Tuy nhiên, cho đến nay “giấc mơ” về “pho sử” ngoài trời cho Hà Nội vẫn chưa thành hiện thực.
Tác giả cho biết: Hình thức Bức tường danh nhân này không hoàn toàn mới, mà một số địa phương cũng đã có bia ghi danh những người con của quê hương mình, chẳng hạn như các bia liệt sĩ. Một số quốc gia cũng có các hình thức lưu danh những cá nhân tiêu biểu của quốc gia họ. Đất nước ta có truyền thống dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm và có biết bao người con ưu tú của dân tộc, bằng trí tuệ và máu xương đã xây dựng nên sự nghiệp này, chúng ta phải ghi danh họ vì đấy là “giá trị Việt Nam”.
Tác giả đề xuất sử dụng đoạn tường thành cổ (phía Tây), có thể bắt đầu từ cổng Tây hiện nay kéo dài xuôi về phía Nam đến Cổng Đoan Môn, có chiều dài chừng 100 mét, đối diện với đường Bắc Sơn và Đài liệt sĩ Bắc Sơn để làm "Bức tường danh nhân".
Vị trí tường Thành cổ đề xuất đặt Bức tường danh nhân
(Đề cử) Như vậy "Bức tường danh nhân" sẽ tận dụng gần như nguyên trạng của bức tường hiện nay được xây bằng gạch, có gia cố để tăng tính bền vững cho bức tường. Tường có gờ mái che làm theo nguyên mẫu mái che của đoạn tường còn sót lại ở hai bên cổng Tây. Dưới chân bức tường sẽ có xây dựng chân đế phù hợp với kiểu dáng và chiều cao của bức tường, tạo nền sân cho du khách có thể đứng để đọc các thông tin về danh nhân được khắc trên các phiến đá ốp vào tường.
Vậy những ai sẽ được ghi danh vào bức tường này và lựa chọn như thế nào? Tác giả cho rằng không khó để lựa chọn những nhân tài kiệt xuất từng làm nên lịch sử. Đó là: Những người có công trong việc lập nước, dựng nước, mở nước, giữ nước. Những người có công lập nên một triều đại, một vương triều, một chính thể. Những đấng minh quân tuy không là người sáng lập triều đại, nhưng thời kỳ các vị ấy trị vì là thời kỳ phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa, có nhiều chiến công hiển hách. Đó là các anh hùng dân tộc mà chiến công của họ mang tính quyết định đến thắng lợi của công cuộc giữ nước, các nhà văn hóa, nhà khoa học lớn của dân tộc... Việc lựa chọn, vinh danh những người con ưu tú này sẽ do một Hội đồng cấp nhà nước tuyển chọn. Việc lựa chọn theo trình tự thời gian, không bỏ sót bất cứ giai đoạn, thời đại nào. Việc lưu danh sẽ thể hiện bằng việc khắc lên mặt đá ốp trên bức tường với ô chữ có kích cỡ thống nhất.
Điều khiến tác giả chọn Hà Nội chứ không phải một thành phố lớn nào khác để đề nghị xây dựng Bức tường danh nhân đơn giản vì Hà Nội là thủ đô, là trái tim của cả nước và là nơi giao lưu quốc tế. Hà Nội chính là đại diện cho Việt Nam.
Tác giả cho rằng, nếu "Bức tường danh nhân" được xây dựng tại vị trí trên, thì chúng ta sẽ có thêm một công trình tôn thêm quần thể di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, bao gồm: Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, Nhà Quốc hội, Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn... Quần thể di tích này được liên kết với cụm quần thể di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long - Thành cổ Hà Nội, cùng nhiều di tích lịch sử - văn hóa khác hiện có ở đây. Chúng ta sẽ có một “tour” tham quan và chiêm bái khá đồng bộ và du khách có cái nhìn đầy đủ hơn về một nước Việt Nam anh hùng và văn hiến.
Thu Thủy