(giaidauscholar.com) - Nghỉ hưu được gần một năm, “người hùng” trên cây cầu Chương Dương ngày nào giờ sống nhàn tản, tận hưởng tuổi già. Ngày ngày, những niềm vui nho nhỏ vẫn đến với ông khi những tài xế vẫn tươi cười chào ông khi vô tình bắt gặp ông đi trên đường. Với ông, sự trân trọng của người dân Hà Nội là phần thưởng lớn nhất sau 40 năm công tác.
Thượng tá Lê Đức Đoàn, người đứng chốt phía Nam cầu Chương Dương gần 20 năm, cứu gần 40 người tự tử và gieo vào lòng người dân Thủ đô hình ảnh đẹp của người cảnh sát giao thông.
Đừng ngợi ca tôi bằng nhiều mỹ từ...
“Ai trong tình cảnh của tôi cũng đều làm vậy. Đừng ngợi ca tôi bằng nhiều mỹ từ bởi hành động của tôi là hành động bình thường của “một tấm lòng trong vạn tấm lòng” - Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Về hưu được gần một năm, không thích kể lại những chiến công mà người Hà Nội luôn ghi nhớ song khi nói về nghề, thượng tá Lê Đức Đoàn say mê lạ. Trong cuộc phỏng vấn chừng một tiếng, Thượng tá Đoàn nhắc lại nhiều lần câu: “Lịch sử chọn tôi làm người lính. Và tôi đam mê với nghề nghiệp vất vả và nguy hiểm này”.
Chính cái đam mê đặc biệt ấy đã đặt ông vào không ít nghịch cảnh. Đơn cử như câu chuyện hơn 10 năm về trước ở Sóc Sơn. Lúc đó, ông Lê Đức Đoàn thấy một người phụ nữ đi trên đường bị một toán côn đồ tấn công. Một mình trước tình huống bất ngờ lại không mang các thiết bị nghiệp vụ song ông Đoàn vẫn nhảy ra trước toán côn đồ, che chở cho người phụ nữ và đáp trả những kẻ du côn.
Song, nhóm côn đồ quá đông, ông Đoàn chỉ kịp kháng cự cho người phụ nữ chạy, còn ông bị chúng giáng những đòn thù khủng khiếp. Tuy nhiên, trong lúc chúng rút chạy, ông Đoàn vẫn kịp dùng hết sức bình sinh để khống chế được một tên cướp. Vừa lúc ấy, đồng đội của ông xuất hiện. Từ tên cướp bắt được, Công an Thành phố đã điều tra, bắt trọn cả băng cướp. Vì thương tích trong lần bắt cướp ấy, ông Lê Đức Đoàn trở thành thương binh hạng 3/4.
Câu chuyện sâu kín này ít được nhắc đến nhiều trên truyền thông khi nói về ông. Những lần cứu người tự tử, những nụ cười với những người tham gia giao thông trong những giờ ách tắc cao điểm đã khiến người Hà Nội hình dung ông như một người luôn an lạc. Song, có những ngày mưa phùn gió bấc, đằng sau nụ cười của ông Đoàn là nỗi đau buốt xương của vết thương cũ ngày trở trời.
Cố gắng sống tốt, Hà Nội sẽ đẹp
Là người Ý Yên (Nam Định) song thượng tá Đoàn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông gắn bó với Hà Nội đủ dài để ông hiểu tâm tính người Hà Nội, trong những đêm trăng sáng thơ mộng hay trong những giờ tan tầm người - xe láo nháo.
Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ: “Trong ca trực cuối cùng trước khi về hưu, nhiều người Hà Nội đã ra tận cầu bắt tay và chào tôi. Tôi vui vì được mọi người ghi nhận nhưng tôi cũng thấy bùi ngùi. Tôi thuộc nhiều khuôn mặt hay đi qua cây cầu này, quen từng mố cầu trên cây cầu này nên ngày rời xa cảm giác rất bâng khuâng”.
Ông Đoàn cho hay, ông đã chứng kiến bao đứa trẻ ngồi sau xe bố mẹ đưa qua cầu. Tới lúc họ trưởng thành, họ hẹn hò bạn đời trên cây cầu Chương Dương. Rồi, họ chở gia đình nhỏ trên ô tô và kéo kính ra chào người gác cầu thân quen với gương mặt mãn nguyện. Và ông thấy mình như là thành viên của các gia đình, như được dự phần vào niềm hạnh phúc trong dòng thời gian đằng đẵng ấy của các thân phận những người Hà Nội.
“Câu hỏi cuối trong cuộc phỏng vấn: Trong những ngày nghỉ hưu này, ông có “dự án” hay kế hoạch gì để làm tiếp những việc tử tế như những việc đã làm trên cầu Chương Dương?”- Tôi hỏi.
Thượng tá Lê Đức Đoàn đáp: “Hiện tại, ngày ngày, tôi sống cuộc sống bình yên của người lính già về hưu. “Dự án” trọn đời của tôi là một người công dân tốt, có ích cho cộng đồng nói chung và người Hà Nội nói riêng. Tôi gắng sống tốt, anh gắng sống tốt, Hà Nội mình sẽ đẹp”.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa