Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Tác giả 'Hà Nội, một chốn rong chơi': Người Hà Nội nên lo lắng vì cây xanh đang mất đi

14:27:00 21/08/2014

(giaidauscholar.com) - Theo Martin Rama, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, trong mắt người nước ngoài, con đường Phan Đình Phùng lãng mạn hay những gánh hàng hoa di động mới là hình ảnh đẹp nhất của Hà Nội, chứ không phải những tòa cao ốc.

Cuốn sách nghiên cứu Hà Nội, một chốn rong chơi của Martin Rama (người Uruguay), do Nguyễn Văn Tùng dịch, được đề cử hạng mục Tác phẩm của giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2014. Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với tác giả.

Sự tương phản nghèo kinh tế - giàu văn hóa

* Trong phần cảm ơn của cuốn sách, ông nhắc đến Bùi Xuân Phái. Ông biết về Bùi Xuân Phái từ bao giờ và nhờ đâu ông có một bức tranh của ông ấy?

- Lần đầu đến Việt Nam từ hơn 15 năm trước, tôi ấn tượng trước sự tương phản lớn: đất nước này còn rất nghèo về kinh tế nhưng lại rất giàu về văn hóa, theo nghĩa rất rộng gồm đồ gốm, ẩm thực, kiến trúc và tất nhiên có cả hội họa. Mỗi khi đến thăm Hà Nội, tôi luôn tới các phòng tranh. Tôi bị quyến rũ bởi phong cách tối giản hài hước của Lê Thiết Cương, hay bộ tranh Những đồ vật của con người của Đặng Xuân Hòa. Và trên tất cả, tôi bị thôi miên bởi nỗi sầu muộn sâu lắng trong tranh về phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái.

Tôi chuyển đến Hà Nội làm việc vào năm 2002, khi Ngân hàng Thế giới mở trụ sở ở gần Nhà hát Lớn. Gần đó là một phòng tranh nhỏ với rất nhiều tranh và ký họa của Bùi Xuân Phái. Người chủ phòng tranh là một người phụ nữ trẻ, cô ta dẫn tôi đi khắp phòng tranh, kể cho tôi những câu chuyện hay về các bức vẽ.

Cuối cùng, tôi mua một bức vẽ nhỏ bằng bút chì của Bùi Xuân Phái. Đó là bức tranh một phụ nữ trẻ đang ngủ, khỏa thân, rất bình yên. Dải băng trên tóc cho thấy cô là người dân tộc thiểu số. Chi tiết duy nhất có màu trên bức tranh là mảnh vải vắt ngang người cô gái, khiến cô trông càng thanh tao.

* Ông thích thứ gì nhất ở Hà Nội, ngoài phở? Người yêu Hà Nội như ông phải tìm ra thứ gì khác chứ?

- Tôi yêu phở, đúng rồi. Nhưng cuốn sách này không viết về phở, cũng không nói tôi yêu Hà Nội vì phở. Tôi dùng hình tượng phở để cấu trúc cuốn sách.

Hình tượng phở đại diện cho Hà Nội. Hà Nội như một món ăn đặc biệt và cuốn sách là công thức chế biến. Vài nguyên liệu có thể chẳng liên quan gì đến nhau, như thịt bò và hành tăm vậy. Vài chương trong cuốn sách nói về kiến trúc, vài chương lại nói về cuộc sống thường nhật, vài chương lại về thời tiết. Và vì sự không kết nối đó, chúng có thể được đề cập một cách ngẫu nhiên, thậm chí hơi bừa bộn. Đó chính là cảm giác khi bạn bước đi trên đường phố Hà Nội: từ những con đường đông đúc qua các ngôi chùa yên tĩnh, từ những ngôi nhà kiểu Pháp sang Khu tập thể. Nhưng nếu bạn đi lang thang, mọi thứ sẽ hòa trộn với nhau trong đầu bạn, mang đến cho bạn “vị ngon” độc nhất vô nhị và rất tuyệt vời của Hà Nội.


Bìa cuốn Hà Nội, một chốn rong chơi

Yêu sự hỗn độn và chật hẹp của Hà Nội

* Ông viết Hà Nội là một thành phố xanh hơn so với các thành phố lớn khác của Đông Á. Nhưng “thành phố xanh” này đang gặp nhiều thách thức. Gần đây, người ta chuẩn bị chặt hàng cây cổ thụ ven hồ Thủ Lệ cho dự án tàu điện Metro đầu tiên. Người Hà Nội có nên lo lắng?

- Trong sách của tôi, có chương Vườn và công viên, vẽ lại lịch sử khu phố Pháp của Hà Nội do Ernest Hebrar thiết kế, dựa theo tầm nhìn của cựu Thống chế thuộc địa Hubert Lyautay, một người muốn biến Hà Nội thành “thành phố vườn”. Nhưng vài con đường nằm trong bản thiết kế đó vẫn còn những hàng cây tuyệt đẹp. Hãy nghĩ về đường Phan Đình Phùng lãng mạn tuyệt vời! Và cả những gánh hàng hoa trên xe đạp. Đó là những hình ảnh đẹp nhất của thành phố.

Nhưng tôi cũng bàn về cuộc đấu tranh của Hà Nội trước những kế hoạch phát triển lạc lối. Tôi nhớ dự án thất bại về việc xây khách sạn 5 sao và trung tâm mua sắm trên đất của Công viên Thống Nhất, một trong những không gian xanh của Hà Nội. Hiện đại hóa mang đến những vỉa hè thay cho cây xanh và những bãi cỏ. Vì thế, đúng, người Hà Nội nên lo lắng vì sự phát triển này. Nhưng tôi hy vọng những thứ tốt đẹp sẽ được giữ lại.

* Đầu cuốn sách, ông viết Hà Nội “hỗn độn”. Điều đó có gì khác với các thành phố như Thượng Hải, Bangkok? Sao Hà Nội có thể vừa hỗn độn vừa bình yên?

- Cảm giác hỗn độn là có thực khi đến thăm các thành phố lớn ở Đông Á. Nhưng nét hỗn độn của Hà Nội cũng là thứ làm nó quyến rũ. Có lẽ đó là do cách thành phố này lớn lên qua thời gian. Những thành phố khác phát triển từ những đống đổ nát và các công trình xây dựng mới, lớp mới thay thế lớp cũ. Hà Nội không như vậy, những lớp cũ dần dần được nhấn chìm. Khu phố Pháp được bảo tồn. Những ngôi làng cổ trở thành vùng lân cận nhưng không biến mất. Điều đó giải thích việc bạn có thể từ một con phố ồn ào rẽ vào một ngôi chùa yên tĩnh, hay bên bờ hồ có cả trẻ con chơi đùa lẫn những người câu cá.

Có một thứ khác khiến Hà Nội vừa hỗn độn vừa đẹp đẽ, đó là mật độ dân cư dày đặc bất thường. Người dân sống trong những không gian quá chật hẹp, nhiều hoạt động thường ngày diễn ra ngoài đường. Người Hà Nội ăn trên lối đi, chơi bóng chuyền ở các quảng trường, đốt vàng mã cho tổ tiên bên lề đường… Người trẻ ôm nhau trên yên xe máy mỗi buổi tối, còn người già luyện nhảy đầm bên hồ lúc bình minh. Nếu có điều gì tôi yêu nhất về Hà Nội, thì chính là điều đó.


Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)