Đang sống tại Pháp, ông Đinh Trọng Hiếu từng là nhà nghiên cứu và giảng viên về văn hóa VN trong thời gian 1975 – 2002 tại ĐH Paris VII. Trong cuộc triển lãm Hà Nội sắc màu 1914- 1917 vừa qua, ông cùng GS Sử học người Pháp Emmanuel Poisson đã tham gia biên soạn, chú giải và giới thiệu kho ảnh cổ độc đáo của Leon Bussy với người xem Hà Nội.
GS Hiếu cho biết:
- Từ lâu, chúng tôi đã rất tâm đắc với ý tưởng đưa một số bức ảnh của Leon Busy về triển lãm tại Hà Nội. Không có lý gì để giải thích cho việc những bức ảnh này chụp xong chỉ để đặt tại Bảo tàng – trong khi con cháu hay đồng bào của những người đã từng xuất hiện trong ảnh lại không được biết đến những tác phẩm về ông cha và quê hương của mình. Tôi tin, nếu biết điều ấy, tác giả Leon Busy và cả Albert Kahn – người khởi xướng dự án chụp ảnh với giấc mơ "thế giới đại đồng bằng cách hiểu nhau hơn" – đều rất hài lòng.
* Được biết, nhóm biên soạn đã mất 14 tháng để chọn lựa ra 60 bức ảnh từ kho sưu tập 1400 tấm và chú thích tường tận. Đây hẳn là một công việc rất phức tạp?
- Chúng tôi đặt ra một số nguyên tắc khi làm việc này. Trước hết, ngoài sự hấp dẫn về nghệ thuật, những bức ảnh được chọn còn phải có đóng góp cho việc tìm hiểu đời sống văn minh, văn hóa của người Việt. Bởi vậy, chúng tôi gạt sang một bên tất cả những gì không phù hợp với tôn chỉ ấy. Chẳng hạn, Leon Busy đã dành đa số ảnh chụp của ông cho những người phụ nữ VN đủ kiểu đủ dáng. Có mỹ nhân đứng khoèo chân, có mỹ nhân hở hang chỉ mặc yếm, ưỡn người ở nơi công cộng, chúng tôi cũng nhất thiết gạt ra, hoặc là không quên nhắc nhủ sự việc này trong lời bình, kẻo thiên hạ lại tưởng là con gái Việt Nam ai cũng vậy (cười).
Nhìn chung, Leon Busy đã sống tại miền Bắc VN hàng chục năm, nhưng cũng không thể yêu cầu ông hiểu hết lòng người, tập tục và môi trường VN. Ông đã hàng chục lần chụp cây gạo lúc ra hoa, nhưng lúc không ra hoa thì ông lại gọi đấy là “cây đa to”; bà cụ già ở trần ngồi bắt ốc, ông tưởng nhầm là một cụ ông... Nhưng, khó khăn lớn nhất mà chúng tôi thường gặp là muốn chú thích một bức ảnh, nhưng ảnh lại không rõ chi tiết mà chỉ to bằng một chiếc vỏ bao thuốc lá, màu sắc cũng không giống màu thật.
* Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Tôi đã từng được xem một số ảnh của Léon Busy trước đó, nhưng cũng khá hạn chế về mặt lựa chọn. Do vậy, khi được xem toàn bộ kho sưu tập, chúng tôi như người kiếm củi được vào tận trong rừng. Tuy nhiên, vì lý do bảo mật, những nghiên cứu viên chỉ được tiếp cận với những hình ảnh đã được số hóa với độ phân giải thấp để tránh nạn ăn cắp bản quyền. Cho nên, nói chúng tôi một phần xem và ba phần đoán cũng không sai.
Cũng phải kể thêm tới những khiếm khuyết khác trong công việc chú thích hình ảnh, đòi hỏi nhiều hiểu biết về nước ta, ngày xưa và ngày nay.Chúng tôi rất cám ơn nếu được tất cả độc giả cùng góp sức quan tâm và chỉ dẫn nếu phát hiện sai sót gì. Nhân đây, tôi cũng xin phép được chia sẻ những lời đánh giá rất cao về các nghiên cứu cơ bản của giáo sư Emmanuel Poisson, người thông thạo nói, viết tiếng Việt, biết chữ Hán, chữ nôm, và đã có những cống hiến nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, văn học VN. Trong 14 tháng làm việc, GS Poisson đã rất công phu đọc, dịch lại một số thư tịch cổ của Lê Quý Đôn để phục vụ công việc này.
* Cuối cùng, xin GS chia sẻ một chút thông tin về công việc cá nhân, cũng như những kỉ niệm về Hà Nội của mình?
- Tôi hiện đã 78 cái xuân xanh, nhưng sức khỏe vẫn còn tạm tốt. Trọng tâm nghiên cứu của tôi xoáy vào quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên, xin hẹn một ngày nào đó sẽ kể chi tiết hơn. Còn Hà Nội thời tôi niên thiếu thì có vẻ bề ngoài khác nhiều với một Hà Nội bây giờ. Khi ấy, tôi ngồi với mẹ tôi, ăn bánh tôm Hồ Tây, ở đường Thanh niên phía hồ Trúc Bạch trông sang Ngũ Xã, lúc bấy giờ chung quanh không một bóng người. Ngày hè, các bạn tôi và tôi, đạp xe đến Láng, hoặc đến Voi Phục, ngồi đọc sách hay câu cá trên cành cây sanh vươn trên mặt nước. Những chú thích về kho ảnh cổ của Leon Busy, tôi chỉ việc lấy ra từ quá vãng theo cách ấy....
Qua báo Thể thao & Văn hóa, tôi xin được gửi mấy dòng hỏi thăm tới những bạn bè cũ, nay vẫn sống ở Hà Nội. Nhà tôi ở góc phố Thợ Nhuộm, gần đền Bích Lưu, trước nhà, bên kia đường là một nhà chứa, nơi lai vãng của lính mũ xanh, mũ đỏ, mũ đen, mũ chào mào, nhưng không vì vậy mà chúng tôi trở thành hư đốn. Có đêm, nhìn qua cửa sổ, thấy một tên lính tây đâm anh lính pác-ti-dăng (tức lính ta) một nhát dao. Anh kia giãy đành đạch, thiên hạ chạy hết. Duy có một cô gái điếm đến gần vuốt mắt anh ta, bất kể tiếng còi hú của xe quân cảnh, xe hiến binh. Tình đời, tình người Hà Nội nó như thế đấy...
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa