Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán: Trăm năm trọn nghĩa với Thủ đô

07:02:00 28/08/2014

(giaidauscholar.com) - Ông giờ nói rất khó khăn. Đôi chân từng lang thang điền dã khắp các di tích, di chỉ Hà Thành nay cũng mỏi. Đã có lúc bi quan, ông làm bài thơ cuối như tổng kết cuộc đời. Song ở tuổi 100, ông vẫn dùng kính lúp để soi từng câu chữ để học hỏi, nghiên cứu, đính chính và trên hết là truyền lửa cho đám hậu bối nghiên cứu về Hà Nội.

1. Trong thư phòng nhỏ ở số nhà 44, ngõ 116 phố Đại Từ (Hà Nội), nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán tỉ mẩn đọc bài viết này để kiểm chứng lại thông tin. Đọc xong, mặt ông nghiêm lại: “Cậu khen tôi nhiều quá. Tôi vẫn phải làm nhiều hơn nữa”.

Thư phòng ông vẫn dùng để đọc sách nằm trong khuôn viên đại gia đình với những ngôi nhà không quá cao, xây quanh ngôi nhà cổ (nơi Vũ Tuân Sán vẫn dùng để “biệt lập” nghiên cứu suốt nhiều năm) kết hợp với nhiều khoảng không gian xanh, cùng những hàng hoa dọc các đường. Con cháu sống trong khu nhà thường tới chào bố mỗi sang, gợi nhớ về một lối sống quần tụ, nề nếp mà thanh lịch của người Hà Nội xưa.

Chậm rãi gắng nói rõ từng từ, Vũ Tuân Sán tâm sự: “Tôi vẫn đọc sách, nghiên cứu tư liệu, hiệu đính sách. Nhưng đi lại khó quá. Buồn lắm”. Không buồn sao được, bởi dù tiếng Pháp, tiếng Hán sử dụng thành thạo, vốn kiến thức uyên thâm song sự nghiệp nghiên cứu của Vũ Tuân Sán gắn liền với những chuyến đi điền dã triền miên khắp các di chỉ, di sản của Hà Nội.

GS-TS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, chia sẻ về nỗ lực đặc biệt này của nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán: "Với một chiếc xe đạp, cụ Vũ suốt mấy chục năm điền dã, khảo sát tại chỗ, và từ đó phát hiện ra từ trong dân dã, từ trong bia đá, câu đối, truyền thuyết, văn bản…biết bao điều mà nếu chỉ ngồi nhà phán đoán thì sẽ không thể nào có được. Những khảo luận của cụ về Hà Nội xưa và nay - mỗi công trình là một khám phá, một bổ sung, một khẳng định tin cậy”.

2. Đồng quan điểm với GS-TS Mai Vũ Liên, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam nhớ lại: Tôi biết cụ Tảo Trang Vũ Tuân Sán từ năm 1956, khi cụ công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội. Trong hơn 30 năm, cụ đi khảo sát hầu khắp các di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô. Tôi đi đến đâu trong đất Hà Nội đều được các cụ già, các cán bộ văn hóa địa phương cho biết cụ Vũ Tuân Sán đã về đây và đã đọc, sưu tầm, nghiên cứu về các di tích trên quê hương của họ. Cụ làm công việc khảo sát điền dã không chỉ với tư cách một nhà nghiên cứu khoa học. Nhiều lần tìm thấy tư liệu mới, cụ đến nhà tôi trao đổi và có lúc rủ tôi cùng GS Trần Quốc Vượng đi đến tận nơi để cùng thẩm định.

Ngoài một số công trình đã xuất bản thành sách như Hà Nội nghìn xưa (đồng tác giả), Danh nhân Hà Nội (đồng tác giả)... Vũ Tuân Sán còn viết hàng chục báo cáo khoa học và luận văn, bài báo công bố trên các tạp chí khoa học về nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu Hán Nôm, nghiên cứu Phật học, nghiên cứu văn học và nhiều báo hàng ngày, hàng tuần. Mỗi bài viết của ông đều có những tìm tòi, khám phá về bóng dáng Hà Nội xưa.


Bìa cuốn sách Hà Nội xưa và nay, một trong những công trình được đánh giá cao của nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán

Ông cũng đã dày công nghiên cứu về việc định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, về thành Thăng Long - Hà Nội cùng với một loạt địa danh lịch sử như núi Nùng, núi Sưa, bến Đông Bộ Đầu, Mười ba trại... và các di tích như miếu Đồng Cổ, chùa Hàm Long, đền Ngọc Sơn, miếu Trung Hiền. Đặc biệt, từ những tư liệu thu thập được, ông đã xác định được địa điểm của Hoàng cung thời Lý Trần cách đây vài thập kỷ. Điều này được xác nhận là chính xác với những phát hiện khảo cổ học gần đây.

Vũ Tuân Sán còn có một loạt bài nghiên cứu về các sự kiện nhân vật lịch sử Hà Nội như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc đại phá quân Thanh, các nhân vật Phạm Tu, Chu Văn An, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hữu Liêu, Nguyễn Quý Đức, Bùi Huy Bích, Phạm Đình Hổ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trọng Hợp, Bùi Liêm...

Trong những công trình về Hà Nội của Vũ Tuân Sán, đáng ghi nhận hơn cả là cuốn Hà Nội xưa và nay. Cuốn sách dày 980 trang tập hợp lại 77 bài viết, công trình của ông được chia thành các phần: Hà Nội sử địa; Hà Nội di tích; Hà Nội danh nhân; Hà Nội văn học; Hà Nội văn nghệ dân gian, nghề truyền thống.

3. Sở dĩ nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán cho ra đời khối lượng công trình lớn đến vậy cũng bởi vì ông hội tụ đủ yếu tố: sự uyên bác Nho giáo, tầm nhìn của tri thức Tây học và sự tận tâm, nhiệt huyết với khoa học và di sản ông cha. Dù trải qua những giai đoạn cam go nhất khi di sản của đất kinh kỳ ngàn năm văn vật bị xem nhẹ, Vũ Tuân Sán vẫn âm thầm, quyết liệt tìm tòi, khai phá, “mở” ra những hướng đi cho nghiên cứu Hà Nội.   

Nhà văn hóa Hữu Ngọc, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Việt Nam- Thụy Điển, Huân chương Cành cọ Hàn Lâm của Pháp, cho biết: "Tìm hiểu cuộc đời và sự đóng góp của anh Vũ Tuân Sán, ta nên đặt trong hoàn cảnh biến diện của tri thức Việt Nam, từ khi đất nước bị xâm chiếm. Năm 1884, Pháp chính thức hoàn thành việc thuộc địa hóa nước ta. Từ đó bắt đầu việc "hiện đại hóa", tức là "Tây phương hóa" Việt Nam. Cú "sốc" giữa hai nền văn hóa khoa học kỹ thuật phương Tây và văn hóa truyền thống nặng về Khổng học của ta bắt đầu. Dần dần, đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhất là với sự phổ biến chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, văn hóa phương Tây đã thắng lợi hoàn toàn”.

Việc "hiện đại hóa" của trí thức Việt Nam trải qua nhiều thế hệ. Vũ Tuân Sán (sinh năm 1915) thuộc thế hệ trí thức thứ ba trong quá trình hiện đại hóa (Tây Phương hóa) văn hóa. Nghĩa là vào giai đoạn khuynh hướng văn hóa ngự trị xã hội Việt Nam sùng Pháp và coi thường văn hóa Việt. Chính trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Vũ Tuân Sán, tuy tốt nghiệp đại học Pháp vẫn thiết tha với quốc học, từ thời trai trẻ cho đến tuổi già. Khi đi dạy học, ông chọn dạy Việt văn, trong khi học sinh coi thường một môn không phải thi, dù ông dư sức dạy tiếng Pháp vốn được trọng dụng.

Ông Ngọc nhận định: “Vũ Tuân Sán say mê, âm thầm làm việc nên ít nổi danh. Chỉ tiếc là ông quá đi sâu nghiên cứu theo kiểu "tờ A, tờ B" của cụ Nguyễn Văn Tố nên không chú trọng đến công trình tổng hợp, điều mà ông có khả năng làm”.

Dẫu vậy, với việc “khơi những nguồn chưa ai khơi”, những công trình của Vũ Tuân Sán có tầm ảnh hưởng rất lớn tới các nhà nghiên cứu Hà thành thế hệ sau. Ông xứng đáng là nhà Hà Nội học của những nhà Hà Nội học, pho từ điển sống về đất kinh kỳ ngàn năm.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)