05/04/2023 18:42 GMT+7 | Văn hoá
Hồng Nga là một trong số ít nữ nghệ sĩ cải lương thành danh từ trước 1975, được công chúng thân thương đặt cho biệt danh "quái kiệt". Bởi khi bà đóng vai bi thì người xem khóc nức nở, còn đóng vai hài thì người xem cười nghiêng ngả. Còn khi hóa thân vào vai ác, người xem ghét cay ghét đắng. Cả hành trình dài hơn 50 năm, bà nhận đủ vinh quang mà tổ nghiệp ban tặng.
Thế nhưng, ở hiện tại, nghệ sĩ Hồng Nga bị chứng bệnh lẫn của người già, dù trong lòng bà vẫn còn khát khao được hát, được đứng dưới ánh đèn sân khấu, được nhìn thấy nụ cười và giọt nước mắt của khán giả thân thương.
Vẫn nhớ sân khấu da diết
Cách đây hơn 1 năm, người thân và chính nghệ sĩ Hồng Nga đã nhận ra trí nhớ của mình giảm sút. Lúc ấy, ngay sau mùa dịch, ông bầu trẻ Gia Bảo tổ chức cho bà một mini live show tại TP.HCM. Bản thân bà không còn tự tin mình có thể nhớ hết lời ca, còn ông bầu trẻ Gia Bảo thì rất hồi hộp.
Ấy vậy mà, khi ánh đèn sân khấu bật sáng, tiếng nhạc nổi lên cùng tiếng vỗ tay của khán giả, tâm trí bà như bừng tỉnh, trở lại tinh anh. Đêm ấy, bà đã cháy hết mình và nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả. Thế rồi, chỉ vài tháng sau nữa, chứng đãng trí bùng phát. Bà vẫn trò chuyện rổn rảng và vui nhộn, nhưng đó là những lát cắt ký ức, không đầu, không đuôi.
Chúng tôi đến thăm nghệ sĩ Hồng Nga vào buổi chiều, thành phố nắng và nóng hầm hập. Bà ở nhà với chị Bảy, người trợ lý không có bà con dòng họ, nhưng đã sát cánh bên nhau hơn 20 năm qua. Thấy chúng tôi đến, bà đang nằm trên giường liền ngồi bật dậy. Tóc bà bạc trắng, màu da vẫn sáng và cái miệng vẫn rất duyên. Nhìn bề ngoài bà hoàn toàn khỏe mạnh.
Ngay lập tức, bà nói liến thoắng hết câu này, đến câu khác, nhưng không ai hiểu bà đang nói cụ thể về điều gì. Bà nói một lúc, rồi bà hát mấy câu vọng cổ. Trong lúc hát, thần thái bà khác hẳn, chất giọng vẫn rất ngọt ngào.
Người có mặt có cảm giác rằng bà đang tưởng mình đang đứng trên sân khấu, trước mắt khán giả. Tôi hỏi: "Má Nga giờ lớn tuổi rồi, chắc không còn tổ chức live show được nữa". Bà trả lời: "Không, má vẫn còn phải hát chứ, đã chuẩn bị cho 10 live show kế tiếp rồi".
Mọi người lặng yên một lúc. Ca sĩ Vỹ Khang, con trai nuôi - một trong ba người thân cận nhất của bà trong hiện tại - kể: "Mấy tháng trước má hỏi tôi, ủa sao lâu quá, không thấy ai mời má đi hát hết vậy? Tôi trả lời rằng dịch bệnh mới vừa qua, nên hoạt động còn ít. Rồi hôm NSƯT Vũ Linh qua đời, một bạn diễn viên đến mời má đi đám tang, nhưng má tưởng bạn ấy mời má đi hát. Má đến nơi, thắp nhang chia buồn, nhưng khi về nhà, vẫn không nhớ là Vũ Linh đã qua đời. Chính vì vậy, dù má hát rất nhiều và ăn ý với NSND Diệp Lang, nhưng chúng tôi không đưa má đến dự lễ tang. Đến giờ má vẫn không biết chú Diệp Lang đã về cõi Phật".
Dẫu cách nói chuyện của nghệ sĩ Hồng Nga không dễ hiểu, nhưng đâu đó, trong lời kể của bà, người đối diện hiểu rằng bà là người rất nghiêm túc và chuyên nghiệp. Bà luôn thuộc tuồng chắc như đinh đóng cột trước khi bước ra sàn diễn. Những bạn diễn nào diễn chung mà không thuộc thoại, bà chửi rất rát, bằng những lời lẽ rất có duyên.
Điều này thì tất cả đồng nghiệp của bà đều ghi nhận. Vì thuộc tuồng, thuộc thoại, mà bà hiểu tâm lý nhân vật một cách tinh tế. Nhờ vậy, chỉ cần một câu thoại hay, một ánh mắt, bà có thể khiến người ta khóc ngất, nhưng ngay sau đó, chỉ một câu nói tưởng như rất bình thường, bà làm người ta bật cười. Điều này thì nghệ sĩ thế hệ bà cho đến hiện tại, hiếm có ai làm được.
Thương yêu hậu bối
Riêng trong lĩnh vực hài, bà từng dạy hậu bối rằng muốn nói một câu khiến cho người ta cười, ngoài cái duyên trời phú, còn phải nghiền ngẫm kỹ tình huống và từ ngữ. Tình huống hợp lý và từ ngữ độc đáo là thứ mà nghệ sĩ hài cần phải trau dồi để làm vốn sống. Vậy nên có nhiều tiểu phẩm, bà chỉ cần đổi một hai câu thoại, thì không khí sàn diễn đã sôi động hẳn lên.
Hồng Nga rất thương thế hệ hậu bối. Trong nghệ thuật, việc một diễn viên trẻ diễn tay đôi với một nghệ sĩ gạo cội thường bị khớp tâm lý. Nhiều trường hợp, các bạn nghệ sĩ trẻ diễn với Hồng Nga bị quên thoại, lúng túng. Bà đã rất lanh trí và khéo léo vừa diễn, vừa nhắc thoại. Nhưng vô cánh gà, bà sẽ la rầy rất nghiêm khắc. Xong rồi lại cười xề xòa và hoan hỉ. Bởi vì, bà luôn cho rằng trong nghệ thuật, sóng sau phải xô sóng trước.
Thế hệ trước có kinh nghiệm, nhưng thế hệ trẻ có thanh và sắc. Họ chỉ cần được chỉ dạy nghiêm khắc, tận tình sẽ nhanh chóng trở thành những người giỏi. Những hậu bối nào được bà chỉ bảo mà thành công, bà vui hơn cả việc bà được tán thưởng. Đối với những ngôi sao trẻ đương thời, bà ứng xử đúng cách, hòa nhã.
Tài sản lớn nhất là những bộ phục trang
Chị Bảy, người kề cận bên bà hơn 20 năm qua, vốn dĩ không có quan hệ bà con thân thuộc. Chồng chị chết, chị không vướn bận gia đình, được người quen giới thiệu lên phụ giúp nghệ sĩ Hồng Nga, chị nhận lời. Tưởng rằng chỉ làm công việc vài năm nhưng thời gian trôi, nghệ sĩ Hồng Nga xem chị như cháu ruột. Vậy là chị vừa là quản gia, vừa là trợ lý cho bà tại sân khấu. Thời gian bà qua Mỹ lưu diễn, bà giao căn nhà ở Lái Thiêu cho chị giữ. Hàng tháng, bà gửi tiền về cho chị chi phí.
Theo chị Bảy, Hồng Nga là người ăn uống dễ dãi, không cầu kỳ, nhưng tuyệt đối rất ít ăn thịt. Tính tình bà phóng khoáng như đàn ông, thương người, thân thiện và vui nhộn. Bà càng thương ai, càng chửi người nấy, dù chửi thề cũng thấy mắc cười.
Bà lo cho các con bà chu đáo, nhưng vẫn giao một phần tiền cho chị Bảy giữ riêng. Số tiền ấy, bà thường xuyên kêu chị Bảy mang đến ủng hộ cho nghệ sĩ trong viện dưỡng lão vào những ngày rằm trong tháng. Bà gửi tiền ủng hộ cho các đồng nghiệp già neo đơn, bất hạnh, nhưng không tiết lộ danh tánh. Ngoài ra, bà cũng yêu cầu chị Bảy gửi tiền giúp cho các trẻ em nghèo.
Trong hơn 50 năm ca hát, bao nhiêu tiền bạc bà lo cho con cái. Hiện tại, bà có một người con gái ở Áo, một người con gái khác đang ở Mỹ, một người con trai ruột đang ở TP.HCM. Tất cả các con bà đều có cuộc sống ổn định. Bà dành nhiều tiền cho từ thiện, nhưng hình như không dành phần nào cho cá nhân mình. Giờ đây, chi phí sinh hoạt hằng ngày của bà do các con lo liệu.
Tài sản vật chất lớn nhất của bà giờ đây có lẽ là những bộ phục trang. Bà có 3 tủ phục trang lớn, với đủ loại kiểu dáng, từ xưa đến hiện đại. Bà là người yêu nghề, nên phục trang là thứ quan trọng, không thể thiếu. Khi nhận kịch bản, bà xem qua tiểu sử và tính cách nhân vật. Rồi tự lựa phục trang phù hợp, nếu như đoàn không đặt phục trang riêng.
Trong rất nhiều trường hợp, đạo diễn thấy phục trang bà tự chọn hợp lý hơn phục trang mà đoàn dự kiến, thế là cho bà tự quyết định. Một kỷ vật còn lại là chiếc xe gắn máy hiệu Chaly. Chiếc xe nhỏ nhắn này đã đưa bà đi khắp mọi nẻo đường trong mấy chục năm. Giờ đây, bà đã già yếu, nhưng chiếc xe vẫn còn rất tốt, vì bà giữ gìn cẩn thận. Tiếc là bây giờ, bà đã không còn sức để sử dụng nó nữa.
Nghệ sĩ Hồng Nga vào tuổi 77, có được sự chăm sóc của con cái, có được tình yêu của khán giả. Nhìn lại hành trình bà đã qua, người ta thấy rõ rất nhiều thăng trầm. Bà là một tài năng lớn, rất danh tiếng, nhưng hoàn toàn không may mắn trong hôn nhân. Giờ đây, dù bà khao khát được hát, nhưng chứng bệnh đãng trí đã khiến cho niềm vui ấy xem như xếp lại.
Nhiều người thương bà, nghĩ người nghệ sĩ không được hát sẽ rất buồn, nên kêu gọi người thân đến thăm và trò chuyện cùng bà.
Rõ ràng bà có buồn, nhưng lời kêu gọi này vô tình khiến cho các TikToker và YouTuber đến làm phiền bà. Gia đình e rằng với chứng đãng trí người già, bà sẽ có những câu nói khó hiểu, người biết chuyện sẽ nhìn vấn đề theo một góc cạnh khác, nhưng người cố tình giật tít, câu view sẽ hướng câu chuyện đi theo một hướng tệ hại, làm tổn thương hình ảnh mà bà đã tạo dựng bấy nhiêu năm. Chính vì vậy, những ai thật sự đến thăm bà, đều là những người thực sự hiểu bà. Họ chính là những khán giả tri kỷ của Hồng Nga. Xem ra như thế cũng đủ rồi.
Hát tân nhạc lắng đọng không kém gì cải lương
Hồng Nga khởi đầu từ cải lương. Bà có giọng ca rất mùi trong vai bi. Bên cạnh đó, bà hát nhạc bolero cũng chạm rất sâu vào cảm xúc người nghe. Bà hát nhạc rất chuyên nghiệp, theo phong cách tân nhạc, chứ không bị lẫn hơi hướm cải lương. Nhưng bà ít cho các bầu show biết thế mạnh ấy. Bà xem như đó là một tài lẻ để dành riêng cho mình. Bà chỉ hát vào những dịp tụ họp bạn bè.
Có bầu show biết bà ca nhạc hay, mời bà hát, bà nói thẳng rằng hát tân nhạc chỉ để vui chơi thôi. Nhưng người ta vẫn yêu cầu bà hát, trong nhiều show cải lương tại hải ngoại, bà đã hát những tình khúc bolero. Cảm xúc mà bà mang lại trong tân nhạc lắng đọng không kém gì cải lương. Khi bà hát những ca khúc về quê hương, về người mẹ, rất nhiều kiều bào bước lên sân khấu, ôm bà khóc ngất. Bà đã làm cho nỗi nhớ quê của họ càng thêm dào dạt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất