Thu Minh: Diva đến muộn

01/02/2013 16:04 GMT+7 | Âm nhạc

18/6/2012 là một ngày đáng nhớ của Thu Minh. Sáng chị tham gia họp kiểm điểm về sự cố ăn mặc phản cảm - Chiều ngồi ghế HLV "Giọng hát Việt" quay hình Vòng giấu mặt buổi đầu tiên.

Lúc ấy, không ai - kể cả chính Thu Minh - ngờ rằng đây lại là một ngày đáng nhớ đến thế. Nó làm thay đổi rất nhiều hình ảnh của Thu Minh ngày hôm nay, và thậm chí không chỉ thay đổi mà còn chuyển thái cực từ không thích/chưa thích, không phục/chưa phục sang thích và phục.

Cuộc phỏng vấn này diễn ra khi Thu Minh vừa dời ghế HLV trong sự tiếc nuối của nhiều người theo dõi "Giọng hát Việt".


Đã đến lúc hy sinh mọi thứ cho gia đình

* Chị cảm thấy thú vị chứ, khi thấy thái độ tiếc nuối của mọi người khi chị dời ghế HLV?

- Tôi vừa buồn vừa vui. Buồn vì tôi rất tâm huyết với cuộc thi này, như mọi người đã thấy. Vui vì tôi thấy tình cảm cũng như đánh giá của những người tổ chức chương trình và khán giả dành cho mình. Thông qua đó, tôi hiểu được mình đã không phung phí nhiệt huyết của mình nhiều tháng qua. Thú thực, trong suốt quá trình làm chương trình này, tôi cũng chịu nhiều áp lực về thời gian, tình cảm khi cứ phải cố gắng chỉ dạy, thuyết phục các em tin tưởng vào chuyên môn cũng như chiến lược của tôi. Để có được thành công trong mùa đầu tiên của "Giọng hát Việt", gần như mọi dự án và công việc riêng của tôi đều bị gác lại.

* Lý do chị chia tay chương trình thì ai cũng biết rồi - vì gia đình. Nhưng quả thực, với chiến thắng của Hương Tràm, chị ra đi là nước cờ cao!

- Ồ, tôi lại không nghĩ xa như anh nói đâu. Lịch làm việc trong năm 2012 của tôi gắn với "The Voice" hơn nửa năm và tôi phải dành hầu hết thời gian của mình cho nó. Chương trình lên sóng một buổi mỗi tuần nhưng tôi và các em thí sinh phải làm việc với nhau vài buổi trong tuần... Tôi phải cảm ơn ông xã đã hy sinh một năm để đồng hành cùng tôi. Và bây giờ là lúc phải hy sinh mọi thứ để dành cho gia đình và hạnh phúc riêng của mình.

* Chị có tiếc chiếc ghế mình vừa bỏ lại không?

- Tiếc chứ! Nhưng tôi đâu có nói mình không bao giờ quay trở lại. Rồi một thời điểm nào đó, nếu mọi người cần, tôi lại cống hiến hết mình như ngày đầu. Nghệ sĩ càng lâu năm kinh nghiệm tích lũy càng nhiều, mà đó lại là điều còn thiếu ở các tài năng trẻ. 5 hay 10 năm nữa chẳng hạn, có thể tôi còn chín chắn hơn nữa trong vai trò HLV của mình.

* Ai cũng nhận xét năm nay chị quá "lộc" cả đường duyên và nghiệp?

- Xin cảm ơn mọi người đã dành những lời tốt đẹp cho tôi. Chính tôi cũng cảm nhận mình được nhiều. Và tôi hạnh phúc khi đón nhận những điều ấy. Từ trước đến giờ tôi vẫn luôn tự nhắc nhở mình phải sống sao để có được như ngày hôm nay và giữ được nó lâu dài.

Tôi hiểu dư luận có sức mạnh của họ

* Nào, giờ nhìn lại một chút về chặng đường 2012 của chị nhé. Scandal trang phục biểu diễn của chị được coi là "mở hàng" của một năm showbiz Việt đầy rẫy thị phi và scandal (trên trời rớt xuống có, tự tung ra cũng có)?

- Đó chỉ là một sự cố và một kinh nghiệm lớn khi biểu diễn mà tôi không bao giờ muốn lặp lại. Và cũng chẳng thích thú gì khi cứ bị nhắc đi, nhắc lại sự cố này. Tôi muốn chính thời gian sẽ trả lời cho những ý thức nghề nghiệp và cái tâm của tôi. Anh thấy đấy, tôi đã nhấn mạnh nhiều lần về câu chuyện "ăn mặc". Thứ nhất, xấu đẹp phụ thuộc vào nhận thức về thời trang và cái đẹp của từng người, và không thể áp đặt được rằng nhận xét của tất cả mọi người phải như nhau. Thứ hai, trang phục biểu diễn của tôi là phục vụ cho từng giai đoạn nghề nghiệp và phong cách âm nhạc tôi trình diễn. Năm qua cũng đánh dấu một sự thay đổi hình ảnh của tôi và tôi cảm thấy vui vì đã thấy có nhiều nhận xét tích cực. Tôi vẫn sẽ còn thay đổi để hướng tới những điều mới mẻ, cập nhật sự phát triển của âm nhạc khi so nó với bên ngoài Việt Nam.

* Vâng. Đúng là khi càng kín đáo thì chị càng đẹp và lôi cuốn mọi người?

- Tôi không bình luận ý kiến của anh. Nhưng đa phần gần đây mọi người chỉ nhìn thấy những trang phục khi tôi ngồi ghế HLV. Với vị trí đó, tôi cần có sự chững chạc nhất định trước các thí sinh và học trò. Không thể đem một bộ trang phục biểu diễn trong vũ trường so sánh với một trang phục ngồi ghế giám khảo hay đi dự event tiệc tối được. Làm sao tôi có thể thoải mái hát, di chuyển và thể hiện các động tác vũ đạo trong các bộ trang phục như thế?

* Nhưng những trang phục của chị gần đây toàn những thương hiệu đắt tiền... Chị chịu chơi quá!

- Tôi quan niệm quần áo, giày dép phụ kiện chỉ là những vật dụng trong cuộc sống hàng ngày mà thôi, nó chẳng thể hiện đẳng cấp của một con người hay một HLV. Tôi sẽ chẳng thấy vui nếu mọi người khen ngợi hay chỉ toàn nói về những thứ đó, trong khi vấn đề chuyên môn thì chẳng ai quan tâm cả. Làm đẹp bản thân cũng là một cách tôn trọng khán giả và giá trị của chương trình nên mỗi tuần tôi đều có hứng thú để chưng diện hơn một chút. Vậy thôi!

* Chị có nghĩ đến một bước phát triển mới, khi đã được nhận xét là mặc đẹp thì sẽ tiếp tục khẳng định như một người tạo xu hướng (trend-setter) về ăn mặc không?

- Tại sao không? Đã có lúc tôi chỉ chú tâm vào việc làm nghề, làm âm nhạc, tìm những con đường mà mình có thể phô diễn hết năng lực và tạo một dấu ấn... kiểu như cứ lo làm tốt phần gỗ mà bỏ quên phần nước sơn vậy. Giờ phần nào con đường âm nhạc ấy đã được mọi người ghi nhận, nhiều ca sĩ trẻ cũng thích thú và học hỏi, thì cũng đến lúc nghĩ nhiều hơn về một giá trị tổng thể, về trình diễn, thời trang... Một thương hiệu hoàn hảo đúng là bao giờ cả phần gỗ và phần nước sơn cũng phải tốt, nhỉ?

* Chị đánh giá thế nào về vai trò của dư luận? Tôi nhìn thấy chính chị có cách ứng xử với dư luận hay đấy chứ. Chấp nhận (một cách vừa phải) nhận xét, thay đổi tích cực từng bước và đẩy dư luận từ chê đến khen, không thích đến thích... một cách nhanh chóng!

- Đương nhiên, tôi hiểu dư luận có sức mạnh của họ, đó là sức mạnh của đám đông. Trong khi đó nghệ sĩ là một cá thể độc lập và luôn cố khẳng định cái tôi độc đáo của riêng mình. Khi người nghệ sĩ có sức mạnh thuyết phục công chúng, thì may ra mới đi ngược chiều đám đông được... Ví dụ cô Madonna hay Lady Gaga luôn mặc những trang phục không dành cho đám đông, nhưng họ có sức hút để đứng vững trước dư luận như một sự sáng tạo mạnh mẽ... Tôi nghĩ, ở vị trí của mình, khi trưởng thành hơn, được xã hội và dư luận công nhận như một nghệ sĩ thực thụ - một người có tâm huyết trong việc sáng tạo âm nhạc và hình ảnh, thì mọi thử nghiệm (nếu có) cũng sẽ dễ dàng hơn. Bản chất tôi là một người cứng đầu, nhưng lại chịu khó lắng nghe.

Những gì tôi có đều do tự học hỏi

* Quay trở lại vấn đề âm nhạc nhé. Đoạn clip 41 phút trên youtube "hậu The Voice" ghi lại hình ảnh chị dạy dỗ Hương Tràm đã thực sự thuyết phục công chúng về khả năng chuyên môn của chị. Qua đó người ta hiểu những gì Hương Tràm có đều từ chị truyền dạy!

- Cảm ơn mọi người đã quá ưu ái tôi. Tôi nghĩ, không chỉ tôi mà cả 4 HLV khi được mời tham gia thì vấn đề chuyên môn đã được những người làm chương trình công nhận rồi. Chiến thắng của Hương Tràm khiến tôi vô cùng tự hào vì trước đây, tôi vẫn tự cho rằng mình không có kỹ năng sư phạm. Những gì tôi có cũng đều do tự học hỏi từ quá trình làm nghề, lắng nghe và chịu khó xem các đỉnh cao âm nhạc thế giới trình diễn mà có... Hương Tràm là một thí sinh có bản năng tốt, nhưng để đứng lâu em cần thêm thời gian học hỏi kỹ thuật trường lớp lẫn kinh nghiệm trình diễn của các anh chị đi trước cả trong nước lẫn quốc tế.

Tôi thuộc dạng rất kỹ tính trong chuyên môn nên hơn ai hết, tôi hiểu có nhiều ca khúc muốn thể hiện được cần có sự trải nghiệm trong cuộc sống, văn hóa kiến thức cơ bản về từng bài hát. Rồi đến tư duy âm nhạc, màu sắc và cảm xúc ra sao để hát cho đúng chất. Sau đó kết hợp với kỹ thuật thanh nhạc thì mới bật ra được cái hay cái đẹp của bài hát. Đa số các bài hát mang tính đẳng cấp về kỹ thuật và đòi hỏi sự tinh tế trong trình diễn đều có tuổi đời lớn hơn các em, thậm chí hơn cả tôi nữa. Tôi đã hướng dẫn các em đừng làm hỏng bài hát hoặc hát như một con vẹt trong khi chẳng hiểu gì, mà chỉ vay mượn cảm xúc... Hát thế thì làm sao khán giả bị chinh phục được? Tôi có quá ít thời gian giúp Hương Tràm thấm được điều đó để em có thể tự đứng bằng cảm xúc và tư duy của riêng mình. Nên tạm thời, tôi chọn cách đưa ra công thức, xây dựng cấu trúc bài sẵn và cách thể hiện hiệu quả nhất cho em tập theo. Khi đã nhuyễn, em có thể tự đưa xúc cảm của riêng mình vào bài hát.

* Chị có ngại không, khi bây giờ sẽ có nhiều đàn em và đồng nghiệp khác cũng xem và học hỏi đoạn clip đó? Thậm chí họ có thể bắt bài được chị?

- Ủa, vậy anh nghĩ Thu Minh chỉ có bấy nhiêu đó? Nếu sợ thì tôi đâu truyền dạy hết cho Hương Tràm? Trong nghệ thuật, bản năng và kỹ thuật đều chỉ là những nguyên liệu ban đầu. Kỹ thuật trường lớp dạy tất cả các sinh viên thanh nhạc là như nhau... Chỉ có cá tính và nỗ lực cá nhân mới giúp những bản năng được phát huy và kỹ thuật thành sắc bén, từ đó tạo được dấu ấn riêng cho từng nghệ sĩ... Kể cả Hương Tràm, tôi luôn dặn dò em, đừng bao giờ cố để thật giống Thu Minh hay ai đó.

* Nhưng nếu người ta vẫn nói Thu Minh giống Whitney Houston hay Mariah Carey thì sao...?

- Cụ thể là giống thế nào hay chỉ là giống những điều được coi là chuẩn mực của toàn thế giới. Những nghệ sĩ đẳng cấp, họ đặt dấu ấn tiên phong vào âm nhạc, và điều đó làm cho họ bất tử... Bây giờ nghệ sĩ pop nào hát 3 quãng tám chẳng bị coi là bắt chước Mariah Carey? Bởi đó là những dấu ấn quá nổi bật và bất tử. Nếu bất cứ ai đánh đổ được những tượng đài thế giới này, quả là tài năng!

* Vâng. Tôi công nhận điều đó với chị. Ngay cả trong nhạc nhẹ Việt Nam bây giờ, hầu hết các ngôi sao đều thần tượng Whitney Houston và học hỏi từng chút kỹ thuật của bà!

- Tôi cũng thần tượng Whitney. Tôi còn nhớ cái thời 16 - 17 tuổi, mới vào nghề hát và không biết tìm kiếm hướng đi nào cho nghề nghiệp. Một buổi tối rất khuya, vô tình tôi nghe một bài hát trong phim đang chiếu trên ti vi, giọng hát như rút ra từ con tim đang yêu nồng nàn "I will always love you...". Tôi hoàn toàn bị thu hút và tìm đến giọng ca này, nghe toàn bộ những gì cô ấy hát. Và tôi đã học được bài học đầu tiên, trước tất thảy những kỹ thuật thanh nhạc tuyệt đỉnh, đó chính là hát bằng con tim... Tôi nghe nhạc quốc tế nhiều, bất cứ giọng ca nào của thế giới nếu thuyết phục tôi đều đi tìm những gì căn bản nhất trong giọng ca và phong cách của họ để học hỏi... Sau này, nhiều người thấy tôi giống Mariah Carey vì vài sự tương đồng trong chất giọng chứ thực ra tôi mê nhiều lắm, từ Whitney Houston, Mariah Carey, Celine Dion... thậm chí là sau này còn có Madonna, Beyonce... Ai tôi cũng học hỏi hết!

* Và kết quả là bây giờ Thu Minh được coi là một ca sĩ Tây hóa, hấp dẫn nhất chính bởi phong thái rất Tây... kể cả khi hát những bài nhạc đỏ, nhạc xưa thuần Việt?

- Cái đó người ta gọi là phong cách riêng, đúng không nào? Tôi còn nhớ như in ngày tôi được mời tham gia "Con đường âm nhạc" của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Lúc đó tôi được giao hai bài "Chảy đi sông ơi" hát với Tùng Dương và bài đơn ca "Khoảng trống". Bản thân tôi rất sốc vì ít khi hát nhạc mang màu sắc dân gian, còn nhạc sĩ Phó Đức Phương thì cực lực phản đối. Nhưng tôi coi đây là một thách thức nghề nghiệp, ngay cả lúc tập chương trình trước mặt nhạc sĩ tôi vẫn cố mềm và luyến láy rất "văn bản" để nhạc sĩ hài lòng. Nhưng khi trình diễn trực tiếp thì tôi biểu diễn hoàn toàn khác, khán giả vô cùng sốc vì lần đầu tiên họ nghe "Chảy đi sông ơi" kiểu của Thu Minh. Còn nhạc sĩ Phó Đức Phương thì nhảy lên vỗ tay và chạy lên sân khấu ôm chúc mừng cùng bó hoa to nhất của ông, rồi nhất định mời tôi... đi nhậu. Sau này, tôi có truyền đạt lại kinh nghiệm này khi dựng bài "Trên đỉnh Phù Vân" cho Hương Tràm, để tránh những gì mà người đi trước đã đóng đinh vào bài hát. Đôi khi người nghe thường cố gò mình vào một phong cách thành công của ca khúc, nhưng nghệ sĩ cần có sự dũng cảm, phá bỏ những rào cản đó để khẳng định cái tôi của mình.

Tôi hiểu một điều, cái gì đến sẽ đến

* Bây giờ người ta gọi chị là diva rồi. Hay thật. Đầu năm khi "Giọng hát Việt" tôn vinh chị là diva nhiều người còn gièm pha, nhưng kết thúc chương trình thì hầu như khán giả khẳng định "diva là đây chứ ai nữa!"

- Được khán giả công nhận, đối với tôi là một vinh dự và một món quà vô giá. Đôi khi báo chí hay giới chuyên môn có khẳng định mà dư luận không công nhận thì cũng khổ lắm hoặc ngược lại. Chẳng hiểu ở Việt Nam mình, cái ngôi vị không ngai này thế nào mà "nóng" vô cùng, lúc nào cũng bị gièm pha và tranh cãi đến mức ai được nhắc đến đều thấy e ngại... Có lúc tôi cũng sợ, có lúc lại thấy nó cũng làm mình hưng phấn... Nhưng tôi hiểu một điều, cái gì đến sẽ đến. Làm ca sĩ, trước hết là phải cố gắng hát hay cái đã, trông mong gì cái danh hiệu "hữu danh vô thực". Thôi cứ "hữu xạ tự nhiên hương" đi!

* Ở nước ngoài người ta cởi mở hơn chị nhỉ? Kể cả những giọng ca trẻ như Beyonce, Shakira, Adele... sau này cũng được gọi là diva. Việt Nam thì cứ cố giữ 4 cái ghế.

- Biết nói sao giờ?!

* Có thể kết luận thế này, nếu lấy thời điểm 16 tuổi chị giành giải Nhất Tiếng hát Truyền hình và vào nghề ca hát, như vậy là gần 20 năm dành cho việc tìm kiếm, khẳng định. Và cũng gần 20 năm chị mới bước lên đến đỉnh của sự thành công. Hành trình tìm kiếm của chị vất vả quá!

- Tôi nghĩ mỗi người đều có một vận mệnh. Bước vào nghề tôi cũng có nhiều ước mơ, tham vọng... Tôi được đánh giá tốt về triển vọng, giọng ca, hình thức... nhưng với mỗi giai đoạn nghề nghiệp cái tư duy của riêng tôi nó khác người. Thời điểm các ca sĩ cùng lứa với tôi ào ào làm đĩa nhạc và live show để lăng xê mình thì tôi vẫn cứ cần mẫn và hài lòng với việc hát tụ điểm. Lúc đó tôi thích hát nhạc Tây, cảm thấy vui với việc mình có thể kiếm tiền tốt hàng ngày và an phận với cuộc sống. Tôi đến với nghề sớm, nhưng thành công muộn - nhìn nhận lại mới thấy cũng có cái để vui. Hóa ra tôi cũng là một người bền bỉ với cái nghề hát vốn luôn khắc nghiệt này... Showbiz không phải một nơi an toàn mà ngược lại, ở đó có quá nhiều sự cạnh tranh và đào thải.

* Nhưng chị có bất ngờ vì khoảng ba năm nay, chị mới chính thức bước vào danh sách những ngôi sao hạng A?

- Tôi không bất ngờ. Nhớ lại khi tôi thực hiện xong dự án "Thiên đàng" với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Lúc ấy thể loại nhạc electro-dance còn quá mới mẻ, giới chuyên môn công nhận nhưng với thị trường thì chưa. Cần phải thêm một bước nữa để tiếp cận thị trường. Tôi làm tiếp "Body Language" với Nguyễn Hải Phong. Cậu ấy trẻ hơn, nên thuyết phục giới chuyên môn thì không dễ nhưng tiếp cận khán giả lại thuận lợi. Và đúng như thế, sau album này khán giả đã đón nhận tôi nhiều hơn... Giới chuyên môn và khán giả luôn có những sự khác biệt, và phải có thời gian, từng bước chinh phục...

* Và bây giờ, diva - nữ hoàng nhạc dance Thu Minh.Tuyệt đấy chứ?

- Vâng, xin cảm ơn các anh Hoài Sa, Võ Thiện Thanh và Nguyễn Hải Phong đã giúp tôi có ngày hôm nay... Nhưng sắp tới sẽ là Dada, Dương Khắc Linh... Tôi vẫn còn mong muốn nhiều hơn thế nữa!

* Nghe nói live show của chị sẽ hoành tráng và đầu tư lớn lắm?

- Tôi tạm gác lại kế hoạch này vì thời gian của chương trình "Giọng hát Việt" dài quá. Kế hoạch năm nay tôi cũng tạm dành cho gia đình nên chưa biết khi nào sẽ khởi động tiếp live show.

* Xin nhắc lại một chuyện nãy giờ chị chưa nói. Phải cảm ơn sự im ắng của album "sến kiểu Thu Minh" - "Giác quan thứ sáu". Suýt nữa chúng tôi đã mất chị...

- (Cười). Thôi, tôi cũng không nhắc chuyện này nhé. Cái gì cũng có giá trị của nó. Mà này, nhiều bài trong album đó được thích lắm đấy nhé. Nói chung, tôi chưa bao giờ ân hận khi nhìn lại những gì mình đã đi qua... Tôi tin, bất cứ sản phẩm âm nhạc nào của tôi cũng có một dấu ấn Thu Minh xuyên suốt!

* Cảm ơn chị, và chúc chị hạnh phúc, trước mắt là kỳ lễ Valentine sắp tới, và trong suốt con đường của chị sau này!

Theo Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm