29/12/2019 07:31 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Từ nhiều năm nay, mỗi khi một năm mới mở ra, giai điệu quen thuộc, có thể gắn kết hầu như mọi người trên thế giới với nhau hẳn là Happy New Year của ABBA. Ca khúc phát hành năm 1980 và giữ vị trí vững chắc trong văn hóa pop mà hiện nay chưa gì vượt qua. Thế nhưng, trước nó, cũng từng có một “tiền bối” đáng gờm là Auld Lang Syne.
Thực tế, hiện nay, dù Happy New Year phổ biến hơn, nhưng Auld Lang Syne vẫn được ưu ái tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở các quốc gia nói tiếng Anh, bởi ở nó có những trầm tích sâu lắng mà chỉ thời gian xưa cũ mới tạo nên được.
Tại Việt Nam, trẻ con thập niên 1960, 1970 rất quen thuộc với câu hát dí dỏm “Tò te ma le đánh đu, thằng cu nhảy dù, cao bồi bắn súng…” là phiên bản lời Việt của bài hát Auld Lang Syne…Nó cũng là bài hát được cất lên để chia tay nhau khi kết thúc một cuộc vui: “Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày lại còn gặp nhau”.
Cả một dân tộc viết nên
Câu chuyện về ca khúc Auld Lang Syne bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 với nhà thơ người Scotland Robert Burns, một người gắn bó sâu sắc với đời sống thôn quê. Ông thích ngao du khắp đất nước để thu thập những ca khúc dân gian cho hậu thế. Ông cũng thích cải biên lại- hay “vá” chúng, như ông nói.
Năm 1788, Burns gửi bài thơ Auld Lang Syne cho một người bạn và viết: “Trong bài thơ có nhiều lửa thiên tài hơn là trong nửa tá gã Anh say bét đương đại”. Ông sau đó cũng hiến nó cho Bảo tàng Âm nhạc Scots. 5 năm sau, Burns viết cho James Johnson, người đang làm một hợp tuyển các ca khúc xưa của Scotland: “Ca khúc dưới đây, một ca khúc cũ, về một thời xưa, chưa từng được in ra, thậm chí chưa từng được viết ra cho tới khi tôi chép lại được từ một cụ già”.
Không rõ Burns có “vá” lại ít nhiều Auld Lang Syne như thói thường của ông không, bởi lần đầu tiên khi nó được in ra, trong tập 5 bộ sách của Johnson vào năm 1796) thì nhà thơ đã qua đời. Ông không bao giờ biết rằng những ca từ tình cờ chép từ miệng một người già lại mang đến sự bất tử của chính ông trong văn hóa thế giới. Ca từ quen thuộc ngày nay có khác chút ít so với bản in của Johnson.
Theo đó, bài thơ được viết bằng tiếng Scotland với “auld lang syne” tạm dịch là “vì những ngày xưa cũ”. Cả bài là về những những người bạn cũ nâng ly nhớ lại bao kỷ niệm đã qua, khi cùng nhau chạy lên sườn núi hái hoa cúc, khi cùng nhau chèo thuyền từ sáng tới đêm, không biết mỏi mệt. Không có tài liệu tham khảo nào nói về năm mới cả.
Những vần thơ tương tự đã tồn tại từ trước thời của Burns. Ngài Robert Ayton, qua đời năm 1638, từng viết Old Long Syne, lần đầu được xuất bản năm 1711 và đôi khi được coi là nguồn cảm hứng cho Burns. Nhà thơ người Scotland Allan Ramsay vào năm 1720 cũng xuất bản một bài thơ có mở đầu tương tự Auld Lang Syne.
Phần giai điệu cũng có từ trước khi Burns “khai quật” được bài thơ. Nhà soạn nhạc người Anh William Shield đã sử dụng giai điệu tương tự trong vở opera Rosina của mình, lần đầu diễn vào năm 1782. Một phiên bản tương tự khác được phát hành trong tập 4 do Johnson biên soạn, phát hành năm 1792 nhưng với ca từ hoàn toàn khác với Auld Lang Syne. Phải mãi tới năm 1799, ca từ và giai điệu quen thuộc như ngày nay mới lần đầu cùng xuất hiện trong một hợp tuyển ca khúc Scotland do George Thomson xuất bản. Trong thế kỷ 19, ca khúc này nhiều lần được tái bản và cuối cùng trở thành một phần không thể thiếu trong lễ mừng năm mới của Scotland.
Vào thời khắc thiêng liêng này, người Scotland đứng thành vòng tròn, nắm tay nhau, rồi bắt đầu bằng phiên khúc cuối (“Và đây là bàn tay của người bạn tin cẩn”), rồi sau đó họ cùng bắt chéo tay, tay phải nắm lấy tay người đứng bên trái còn tay trái nắm lấy tay người đứng bên phải. Khi bài hát kết thúc, mọi người lao vào giữa, vẫn nắm tay nhau và cùng cười vang.
Như vậy, chẳng thể biết được về tác giả chính thức của Auld Lang Syne. Chỉ có thể nói rằng nó đã được bồi đắp qua nhiều thế hệ của người Scotland và tồn tại tới ngày nay nhờ giai điệu hoài niệm và ca từ đáng nâng ly về những kỷ niệm xưa.
Chúc tụng những điều xưa cũ
Chỉ huy gốc Canada Guy Lombardo là người giúp phổ biến Auld Lang Syne trong đêm Giao thừa ở Bắc Mỹ. Ca khúc, do nhóm nhạc của ông là Royal Canadians biểu diễn, được phát trên nhiều kênh phát thanh phổ biến (và sau đó là truyền hình) vào ngay thời điểm năm mới gõ cửa.
Ngày nay, Auld Lang Syne đã chu du và ngấm vào văn hóa trên toàn thế giới. Ca khúc được viết lại và hát bằng hơn 40 thứ tiếng, từ Tây sang Đông, ở nhiều thể loại khác nhau, từ dân gian tới rock. Nó là ca khúc được biểu diễn nhiều nhất thế giới chỉ sau Happy Birthday. Nếu Burns còn sống, Auld Lang Syne có thể đưa ông vào hàng những người giàu nhất thế giới.
Khởi đầu là một ca khúc về những người bạn cũ nâng ly về bao kỷ niệm xưa, Auld Lang Syne đã trở thành nhạc phẩm “đóng đinh” vào đêm giao thừa ở nhiều quốc gia vào thế kỷ 20. Ngày nay, nó còn được coi là biểu tượng của “kết thúc/khởi đầu mới”, xuất hiện trong những buổi từ biệt, tang lễ (hay những lễ tưởng niệm), tốt nghiệp, bầu chính phủ mới… thậm chí là nhạc “đuổi khách” ở các siêu thị.
Ngoài ra, ở Hà Lan, nó từng được coi là “thánh ca” môn túc cầu; ở Nhật Bản, nó lại là ca khúc truyền thống về đom đóm; ở Mỹ, nó là bài ca kêu gọi kết thúc chiến tranh hay giải phóng nô lệ; ở Hàn Quốc, nó từng là quốc ca…Ở Việt Nam, từ trước năm 1945, Auld Lang Syne đã được Thế Lữ “Việt hóa” thành Bài ca tạm biệt thường dùng để hát vào cuối những buổi sinh hoạt tập thể hay trại hè.
Nhưng dù ở thể loại, mục đích hay ngôn ngữ nào - hoặc thậm chí người nghe có thể chẳng hiểu nổi lấy một ca từ - Auld Lang Syne vẫn luôn mang tới một cảm giác về hoài niệm. Và cũng như Happy New Year của ABBA, nó chưa bao giờ diễn tả nỗi niềm hân hoan chào đón năm mới, mà thay vào đó, là chào tạm biệt cái cũ với nhiều nỗi man mác.
Nhưng hạnh phúc mới có thể được xây dựng trên chiếc bệ nào vững chãi hơn là những kỷ niệm buồn? “Những tình yêu vô vọng không trôi đi mất” như Sando Marai viết, ký ức buồn luôn là cái ở lại lâu nhất, là động lực để trưởng thành và lật sang một trang mới cuộc đời, cũng như một năm mới.
Vài nét về Robert Burns Robert Burns (25/1/1759 - 21/7/1796) là nhà thơ, người viết lời người Scotland. Ông được công nhận rộng rãi là nhà thơ quốc dân của Scotland và được ca tụng trên khắp thế giới. Ông là nhà thơ viết tiếng Scotland lừng danh nhất dù có nhiều tác phẩm của ông cũng viết bằng tiếng Anh. Ông được coi là người tiên phong của phong trào Lãng mạn, sau khi qua đời, ông là nguồn cảm hứng cho những người sáng lập nên chủ nghĩa tự do và là biểu tượng văn hóa của Scotland cũng như những người Scotland di cư khắp thế giới. Ca tụng cuộc đời cũng như tác phẩm của Burns gần như làm nên một giáo phái quốc gia trong thể kỷ 19 và 20, ảnh hưởng của ông từ lâu đã rất mạnh mẽ trong văn học Scotland. Năm 2009, ông được người dân Scotland bình chọn là Người Scotland vĩ đại nhất. Ngoài sáng tác, Burns cũng thu thập các ca khúc dân gian khắp Scotland và thường “vá” lại chúng. Bài thơ (và ca khúc) Auld Lang Syne của ông thường được hát trong ngày cuối năm còn Scots Wha Hae trong một thời gian dài được coi là quốc ca không chính thức của Scotland. Ngoài ra, có thể kể tới hàng loạt các bài thơ và ca khúc của ông tới nay vẫn nổi tiếng trên toàn thế giới là: A Red Red Rose, A Man’s A Man For A’ That, To A Louse, To A Mouse, The Battle Of Sherramuir, Tam O’ Shanter và Ae Fond Kiss. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất