Một Holly không phải của Audrey Hepburn

23/03/2013 13:15 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Bộ phim tình cảm kinh điển Bữa sáng ở Tiffany đã cố tình lờ đi, hoặc giảm nhẹ bằng các tình tiết hài hước, một sự thật về nhân vật nữ chính Holly Golightly: nàng bán thân để kiếm sống. Vở kịch mới của Broadway thì không nhẹ nhàng như vậy.

Tiểu thuyết gốc cùng tên (Breakfast at Tiffany’s) của nhà văn Truman Capote được dựng chân thực hơn trong phiên bản sân khấu mới này của nhà soạn kịch Richard Greenberg ở nhà hát Cort, New York (Mỹ). Vở kịch sẽ công diễn từ 20/3. Thử thách đối với nhà soạn kịch nổi tiếng có thể đoán trước: phải chọn diễn viên để tạo ra một Holly mới mẻ.

Nếu chỉ yêu thích nhân vật Holly qua hóa thân của minh tinh Audrey Hepburn trong phiên bản điện ảnh năm 1961 thì có lẽ công chúng, cả khán giả và độc giả, đã không thể hiểu hết Holly của Capote. Lâu nay nhân vật này trong lòng khán giả vẫn là hình ảnh Audrey xinh đẹp đã trở thành biểu tượng với bộ váy đen Givenchy, cổ đeo ngọc trai, tay cầm tẩu thuốc dài ngoằng. Thay vào đó, Holly lên sân khấu Broadway lần này trong hình dáng của Emilia Clarke, một nữ diễn viên nhỏ nhắn, chưa mấy nổi tiếng, không quá xinh đẹp và cũng không có vẻ tinh khôi như Audrey. Vai diễn nổi trội nhất của cô từ trước đến nay là nữ hoàng Daenerys trong series truyền hình Game of Thrones của HBO.

Audrey Hepburn trong phiên bản điện ảnh của Bữa sáng ở Tiffany năm 1961.

Audrey vốn là một lựa chọn sai lầm

Cho vai diễn Holly. Điều này các nhà phê bình điện ảnh và nghệ thuật ở Mỹ đã nhìn thấy và bắt đầu chỉ ra, gần đây nhất là Sam Wasson trong cuốn sách Đại lộ 5, lúc 5h sáng: Audrey Hepburn, Bữa sáng ở Tiffany và bình minh của phụ nữ hiện đại.

Holly của Audrey quá quyến rũ, thanh lịch và không bộc lộ được hết sự tổn thương bên trong của nhân vật này. Tác giả cuốn sách, Capote, ban đầu chọn Marilyn Monroe đóng vai này. Marilyn là người có quá khứ mất mát tương tự. Nhưng, với cách dựng phim “tô hồng” của Hollywood khi đó, cũng chưa chắc Marilyn đã tạo nên một Holly trên màn ảnh thật trung thực với những gì Capote muốn gửi gắm.

“Kịch bản Breakfast at Tiffany’s rất hay” - nhà văn Capote nhận xét vào thời điểm phim ra mắt năm 1961 (tiểu thuyết thì ra vào năm 1958).“Nhưng nó giống như một sự sáng tạo chứ không phải chuyển thể từ sách của tôi. Mặc dù vậy, tôi không phàn nàn gì”.

Bản thân Audrey cũng nhận vai diễn này với ý thức rằng cô không phù hợp và là thế vai cho Marilyn. Holly trong kịch bản 19 tuổi còn Audrey thì 31. Khoảnh khắc thật nhất và u sầu nhất của minh tinh trong vai diễn này là khi Holly ngồi ôm đàn tựa cửa hát ca khúc Moon River (Sông trăng) bằng chất giọng thô mộc hồn nhiên.

Trong kịch bản sân khấu của mình, Greenberg đã nhấn mạnh vào nỗi đau, sự cô đơn, sợ hãi của Holly và không ngần ngại đề cập đến những gì bộ phim 1961 đã né tránh: Holly là gái bao. Và người có thể chuyển tải những ý đồ đó, Greenberg chọn cô gái 25 tuổi Emilia Clarke, một phát hiện được ông ví như “tìm thấy Scarlett O’Hara trong thời đại của chúng ta”.

Sean Mathias, đạo diễn của vở Bữa sáng ở Tiffany trên sân khấu Broadway, đã từng dựng vở này thành công ở London năm 2009, với kịch bản của Samuel Adamson. Nhưng ông cho rằng vị trí của Tiffany nên là ở New York, thành phố có cửa hàng trang sức Tiffany nổi tiếng mà nhân vật Holly say mê. “Đây là một câu chuyện New York, nó nên được sản xuất ở New York” - đạo diễn nói với New York Times.

“Emilia là sự pha trộn giữa sự thật và phong cách, giữa trái tim và sự hài hước, tôi cần điều đó cho Holly” - Mathias giải thích cách ông chọn diễn viên. “Tôi nghĩ những diễn viên đã có tên tuổi sẽ rất nản lòng trước vai diễn đã thuộc về Audrey. Một diễn viên trẻ như Emilia thì cởi mở hơn. Đó là những gì Michelle Williams đã làm khi đóng Marilyn (phim My Week With Mariliyn). Diễn xuất rất tự nhiên, không có vẻ gì là đóng giả”.

Còn Emilia cảm thấy thế nào khi “đối mặt” với Audrey? “Những gì bạn thấy trên màn ảnh là sự hoàn hảo” - cô nói - “Bạn không thể bắt chước hoặc sao chép sự hoàn hảo. Bạn chỉ có thể lấy nó làm cảm hứng. Sau đó, bạn phải trở về với nguyên gốc, với cuốn tiểu thuyết, để thấy rõ sự hữu hạn của nhân vật, bởi Holly là sản phẩm của thời Đại khủng hoảng (Great Depression)”.

Đại khủng hoảng là thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 1929 đến hết thập niên 1930, bắt đầu từ phố Wall.

Hãy gọi tôi là “Holly Goheavily”

“Vở kịch nhấn mạnh vào sự bi kịch hơn bộ phim. Có nhiều đau khổ và tâm trạng hơn. Có thể gọi nhân vật của tôi là Holly Goheavily” - Emilia nói với tờ Observer. “Heavily” - nặng nề, đối lập hoàn hảo với “lightly” của Audrey.

Cách diễn của Emilia? Quên Audrey đi. “Chúng tôi không đề cập đến bộ phim trong khi diễn tập” - đạo diễn kể - “Chưa bao giờ. Tôi chưa bao giờ thảo luận về bộ phim với Emilia, cũng chưa bao giờ yêu cầu cô ấy xem phim. Chúng tôi đang tập trung vào cuốn sách”.

Trong vở kịch, Emilia có một cảnh khỏa thân ngay trên sân khấu cùng với bạn diễn Cory Michael Smith, người đóng vai nam chính Fred, khi cả hai tắm chung. Vở kịch vẫn chưa công diễn nhưng cảnh này đã đủ gây xôn xao khi tập duyệt. Mặc dù đoàn kịch yêu cầu không chụp ảnh nhưng vài người xem vẫn lấy điện thoại ra bấm máy, gây nên một chút rắc rối.

Đây không phải một vở nhạc kịch, dù có yếu tố âm nhạc. “Holly Golightly sẽ hát một bài, nhưng không phải Moon River nổi tiếng” - đạo diễn Mathias nói. “Không phải Audrey Hepburn. Không phải George Peppard (diễn viên nam chính của phim). Cũng không phải Blake Edwards (đạo diễn của phim). Mà là Truman Capote, theo cách của Richard Greenberg”.

Trong vở kịch, giữa Holly và Fred là một mối quan hệ đặc biệt, có chút tình yêu, nhưng vở kịch tôn trọng tiểu thuyết, tức là không lãng mạn hóa đến cùng như trong phim.

“Kể câu chuyện này trên sân khấu là một việc làm dũng cảm” - Smith nói. “Qua vở kịch, tinh thần của Truman (Capote) và Holly được thể hiện rất rõ. Từ một khía cạnh nào đó thì đây là một câu chuyện bi thảm, nhưng cũng có chất hài”.

Còn đạo diễn Mathias nhắc khán giả nhớ rằng: “Holly Golightly, ở cuối cuốn tiểu thuyết, đã nói rằng New York - nơi cô sống và vô cùng yêu quý - là một thành phố chết chóc đối với cô. Và tất nhiên, đó cũng là điều đã xảy ra với chính nhà văn Truman Capote nhiều năm sau đó. Những ánh đèn màu sân khấu đã phá hỏng sự phức tạp trong tác phẩm của ông”.

“Chúng tôi không dựng kịch để làm Capote sống lại trước mắt khán giả. Chúng tôi chỉ ở đây để chia sẻ phiên bản này của câu chuyện, một phiên bản xúc động, đầy trắc ẩn, nhưng cũng rất phong cách, hấp dẫn và khôn ngoan”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm