Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 3): 'Johnny B. Goode'- Khúc khải hoàn của người hùng mù chữ

22/09/2019 19:07 GMT+7 | Giải trí

(giaidauscholar.com) - Khi lựa chọn nhạcđể gửi vào vũ trụ, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã vô cùng cẩn trọng bởi nó là đại diện cho lịch sử văn hóa và thông điệp kết nối của loài người. Bởi vậy, họ đã hướng tới chủ yếu là nhạc cổ điển, dân ca, phúc âm, nhạc nghi lễ… - những âm thanh đã qua kiểm định lâu bền của thời gian. Và cũng bởi vậy, ca khúc Johnny B. Goode của Chuck Berry đã gây nhiều tranh cãi khi được chọn.

Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 2): ‘Dark Was The Night...’ - Nỗi cô đơn vĩnh cửu

Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 2): ‘Dark Was The Night...’ - Nỗi cô đơn vĩnh cửu

Trước câu hỏi về sự sống ngoài trái đất, năm 1977, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng vào không gian hai tàu thăm dò Voyager 1 và Voyager 2 thuộc chương trình The Voyager, mang nhiệm vụ khám pháhệ Mặt trời ngoài kia.

Lý do của những người phản đối là nhạc rock quá “thanh thiếu niên” nhưng Carl Sagan, nhà khoa học thuộc Đại học Cornell và là người đứng đầu hội đồng tuyển chọn nội dụng đĩa vàng Voyager Golden Record, tự tin đáp rằng: “Có rất nhiều thanh thiếu niên trên trái đất”.

Đại diện xứng đáng của nhân loại

Trong bức thư chúc mừng sinh nhật thứ 60 của Berry vào năm 1986 -chín năm sau khi Johnny B. Goode bay vào vũ trụ, Sagan một lần nữa khẳng định niềm tin của mình:

“Chuck Berry thân mến,

Khi họ nói với ông rằng âm nhạc của ông sẽ sống mãi, ông chắc đã nghĩ họ đang phóng đại. Nhưng Johnny B. Goode có mặt trong đĩa Voyager được gắn vào tàu vũ trụ Voyager của NASA -giờ đã cách xa trái đất hai tỷ dặm và nằm giữa các vì sao. Những chiếc đĩa này sẽ tổn tại trong hàng tỷ năm nữa hoặc hơn. Chúc mừng sinh nhật lần thứ 60, với tất cả lòng ngưỡng mộ của chúng tôi với âm nhạc mà ông mang tới cho thế giới này… Tiếp đi, Johnny”.

Chú thích ảnh
"Johnny B. Goode" xứng đáng là ca khúc đại diện cho nhân loại trước người ngoài hành tinh

Qua quyết định của mình, các nhà khoa học của NASA muốn nói rằng ảnh hưởng của Berry tới nền văn hóa nhân loại là vô cùng quan trọng, rằng ông là đại diện xứng đáng cho người trái đất trước bất kỳ thực thể sống nào ngoài kia.

Đây rõ ràng không chỉ là nhận xét tay mơ của những người “ngoại đạo” bởi chính John Lennon đã có lần nói về huyền thoại quê Missouri: “Nếu các bạn cố đặt một cái tên khác cho nhạc rock and roll, thì bạn nên gọi nó là “Chuck Berry”.” Còn gì để nghi ngờ nữa?

Nhưng tại sao lại là Johnny B. Goode mà không phải ca khúc nào khác của Berry?

Tự viết nên huyền thoại cho mình

Đầu tiên, hãy nhìn qua về lịch sử.

Năm 1954, ở tuổi 41, nghệ sĩ nhạc blues Muddy Waters cuối cùng cũng đã đưa được dòng blues lên tới đỉnh cao, hoặc có vẻ là vậy. Hai ca khúc Hoochie Coochie Man I Just Want To Make Love To You phát hành năm đó mang tới doanh số lớn chưa từng có cho ông và sau 3 tháng vẫn nằm trong Top 10 R&B.

Nhưng gió sớm đổi chiều: Tới mùa Hè, doanh số nhạc blues đột nhiên giảm mạnh, sụt 25%, gây chấn động giới công nghiệp âm nhạc Chicago.

Nhiều người đổ lỗi cho nền kinh tế đi xuống, nhưng một dòng nhạc mới rực sức trẻ, được xây lên từ cái xương của R&B, blues và nhạc đồng quê, đã chứng minh nhận định đó không đứng vững. Dòng nhạc này, như Waters sau này hát: “blues có một đứa con và họ đặt tên nó là rock and roll”.

Chú thích ảnh
Chuck Berry, người làm rạng danh dòng rock and roll và đặt bước tiến quan trọng trong lịch sử âm nhạc

Cũng trong năm 1954, Elvis Presley đã khôn khéo ghép đôi giai điệu đồng quê Blue Moon Of Kentucky với That’s All Right, ca khúc của giọng ca blues Arthur Crupdup, và đạt doanh số ấn tượng 20.000 bản. Cùng năm, Bill Haley & His Comets bán được hàng triệu bản Shake, Rattle And Roll Rock Around The Clock. Thuận theo xu hướng, ông chủ hãng ghi âm Chess Records là Leonard Chess đã ký hợp đồng với hai rocker trẻ chơi guitar điện. Đó là Bo Diddley với cây đàn guitar hình chữ nhật sẽ trở thành thành công thương mại lớn; nhưng Chuck Berry, người vượt lằn ranh để tiến sang thị trường nhạc thanh thiếu niên da trắng, mới là huyền thoại.

Tuy nhiên, không phải Chess là người tìm thấy hay định hướng Berry mà tất cả đều là bước đi của chàng trai trẻ vô danh này.

Chuck Berry, tên thật là Charles Edward Anderson Berry, sinh ra trong một gia đình trung lưu ở St. Louis vào năm 1926, là người có đôi mắt nâu quyến rũ với tình yêu dành cho blues và thơ ca nhiệt thành như nhau. Sau khi chiến thắng tại một cuộc thi tài năng ở trường trung học khi biểu diễn guitar và hát ca khúc Confessin’ The Blues của Jay McShann, Berry bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về sự nghiệp âm nhạc và từ đó, quyết định tới làm việc ở một câu lạc bộ địa phương, nơi ông không ngừng nâng cao kỹ năng của mình.

Berry xuất sắc khi chơi nhạc blues của Muddy Waters, hát theo phong cách ngọt ngào của Nat King Cole, nhưng ông lại ham thích đưa nhạc đồng quê - vốn là lãnh địa của nghệ sĩ da trắng -vào các màn biểu diễn cho khán giả chủ yếu là da đen. Ban đầu mọi người cười cợt điều này nhưng dần dần, tài năng và sự tự tin của Berry đã thu hút được đông đảo khán giả da đen ở Missouri.

Cũng bằng sự tự tin đó, Berry mua vé tới hòa nhạc của Waters và mạnh dạn hỏi thần tượng xem nếu muốn làm một bản ghi âm thì phải gặp ai. Waters giới thiệu Chess và ngay sáng hôm sau, Berry tới gặp Chess, say sưa nói về đam mê cũng như ý tưởng của mình.

Chess, sau khi nghe một băng demo Berry hát và nhận thấy tiềm năng của một nghệ sĩ da đen chơi nhạc đồng quê, đã lập tức lên lịch ghi âm. Rốt cuộc, nếu một người đàn ông da trắng như Presley có thể thành công nhờ giai điệu của người da đen, thì tại sao không thử ngược lại?

Người hùng mù chữ

Ý tưởng của Berry thành công ngay từ những bản thu đầu tiên, đưa ông trở thành nghệ sĩ da đen đầu tiên lấn sân nhạc đồng quê và chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả da trắng (trong đó có cả Presley).

Hàng loạt hit đình đám như Maybellene, Roll Over Beethoven, Rock And Roll Music hay Sweet Little Sixteen đã “vượt biên” thành công nhờ công thức tài tình: Lời ca hài hước về những trải nghiệm của thanh thiếu niên, gắn chúng vào những âm thanh ở rãnh quãng 8 cao, pha thêm chúthương vị đồng quê, lắc lên bằng một đoạn guitar độc tấu, rồi sau đó chỉ cần chờ xem nó được hoan nghênh thế nào.

Nhưng đỉnh điểm của giai đoạn này phải nhắc tới kiệt tác năm 1958 Johnny B. Goode, ca khúc gom những thành công tản mác thành một biểu tượng.

Ngày nay, những ca khúc tôn vinh đời sống của một ngôi sao nhạc rock nhiều đến mức đủ xếp vào dòng riêng, có thể kể tới So You Want To Be A Rock And Roll Star hay Life’s Been Good của Joe Walsh nhưng Berry mới chính là người tiên phong và đưa nó lên thành hình mẫu trong Johnny B. Goode. Thật vậy, nhân vật hư cấu Goode có sức mạnh định hình lịch sử âm nhạc như bất kỳ nhân vật lịch sử có thật nào.

Trong ca khúc này, thay vì chọn dương cầm hay sax, Berry đã chơi cây guitar điện Gibson ES-350T, một thứ bóng bẩy và hiện đại với âm thanh đúng “như tiếng chuông”, để tạo nên đoạn riff mở màn có thể nói là hay nhất lịch sử rock and roll. Nhưng là người yêu cả nhạc và thơ ngang nhau nên Berry cũng luôn chau chuốt cho phần lời, để nó có thể đứng vững như một câu chuyện độc lập và trong lúc hát, ông cũng luôn cố gắng hát rõ lời nhất để khán giả hiểu.

Johnny B. Goode bắt đầu từ một “vùng sâu vùng xa ở Louisiana”, nơi có một cậu bé nhà quê nghèo “chưa bao giờ được học đọc và viết tử tế” nhưng sở hữu tài năng chơi guitar hơn người. Chiếc guitar Gibson chính là tấm vé để Johnny - tên câu bé - ra khỏi vùng quê hẻo lánh. Câu luyện tập đàn ở mọi nơi, kể cả dưới những cái cây gần đường sắt. Tiếng guitar điêu luyện và mạnh mẽ hơn cả đoàn tàu vút đi, khiến mọi người phải dừng lại lắng nghe và trầm trồ: “Ồ, cậu bé nhà quê này có thể chơi đàn”.

Tiếng tăm vang lừng, những người ở xa cũng tìm tới nghe cậu chơi khi mặt trời xuống núi.Họ kéo tới ngày một đông, vây quanh cổ vũ: “tiếp đi, Johnny, tiếp đi”. Ngay cả người mẹ đau khổ của cậu cũng thừa nhận rằng “có thể ngày nào đó tên con sẽ tỏa sáng”.

Một câu chuyện giống như những người hùng của Horatio Alger ở thế kỷ 19, những người vươn lên từ nền tảng khiêm tốn nhờ chăm chỉ và đức hạnh. Nó mang tới niềm tin cho đông đảo thanh thiếu niên, cả da đen lẫn da trắng, về một tương lai xán lạn mở ra công bằng cho mọi người. Chính câu chuyện và sự rộn rã trong tiếng guitar điện hào nhoáng này đã mở đường cho nhiều đứa trẻ ở tầng lớp lao động khi đó như John Lennon, Bob Dylan, Jimi Hendrix, Keith Richards và Bruce Springsteen.

Có thể tự tin nói, phong cách chơi guitar điện cực kỳ giàu năng lượng trong Johnny B. Goode đã làm thay đổi toàn bộ nền âm nhạc. Còn câu chuyện trong nó- một dạng tự truyện của chính Berry - là cảm hứng muôn đời của nhân loại.

Hai mặt của đồng xu

Nếu như Dark Was The Night, Cold Was The Ground - ca khúc cũng được chọn vào đĩa vàng Voyager - thể hiện nỗi bi ai thần thánh, thì ngược lại, Johnny B. Gooode là niềm vui sướng nở bừng của thanh thiếu niên người trần mắt thịt. Những lựa chọn đúng đắn của NASA cho hai mặt không thể tách rời của một “đồng xu” nhân loại.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm