31/01/2021 19:09 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Bản thân huyền thoại guitar Eric Clapton không bao giờ lang thang ra ngoài chơi guitar nhưng George Harrison thì chính là như vậy. “Anh ấy là một chàng trai phép màu, sẽ xuất hiện, ra khỏi xe với chiếc guitar rồi bước vào và bắt đầu chơi đàn” - Clapton nhớ về người bạn thân thiết của mình.
Phép màu có lẽ là lớn nhất như vậy đã sinh ra vào tháng 4/1969 khi Harrison bất ngờ tới nhà Clapton, 2 người cầm đàn ra vườn và Clapton “vô cùng tự hào khi khu vườn nhà tôi đã truyền cảm hứng cho nó”. “Nó” - một phép màu - ở đây là ca khúc Here Comes The Sun.
Mùa Đông như không bao giờ kết thúc
Không ai có thể chối cãi rằng Lennon/McCartney là cặp đôi nhạc sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại. Ở bên họ, hẳn ai cũng có phần cảm thấy yếu thế.
Trong buổi phỏng vấn năm 1969 với David Wigg, George Harrison đã trải lòng về vị trí là một nhạc sĩ giữa The Beatles. Ngoài Cry For A Shadow, một bản hòa tấu mà The Beatles thời đầu đã ghi tại Hamburg, Đức năm 1961 và đề tên Lennon/Harrison sáng tác, đóng góp chính thức của Harrison cho danh mục của nhóm là Don’t Bother Me, phát hành tại Anh trong album năm 1969 With The Beatles. Nó chắc chắn là bằng vai phải lứa với các ca khúc của Lennon/McCartney trong album, cũng như trong album ở Mỹ Meet The Beatles, nhưng sự trưởng thành, chín chắn sẽ còn tăng dần trong các sáng tác về sau của Harrison.
Trong số 23 ca khúc Harrison viết mà The Beatles chính thức phát hành, công chúng ngày một công nhận ông hơn, bởi “luyện tập làm nên sự hoàn hảo” như chính ông nói. Một số khi ông giới thiệu cho nhóm, như You Know What To Do, Not Guilty, All Things Must Pass và Hear Me Lord, từng bị các thành viên khác gạt bỏ không phát hành, một số thì thậm chí không liếc qua. Harrison, tuy vậy, vẫn kiên trì cải thiện kỹ năng của mình. Ca khúc cuối cùng mà ông đề nghị nhóm thu âm chính là Here Comes The Sun đã hé lộ hình ảnh một nghệ sĩ solo thành công trong tương lai.
Trong cuốn sách phát hành năm 1979, I Me Mine, Harrison đã giải thích chi tiết về quá trình viết ca khúc. “Here Comes The Sun được viết vào thời điểm mà hãng Apple ngày càng giống trường học, nơi chúng tôi phải tới và trở thành những doanh nhân: Ký vào đây và: Ký vào kia”.
Với việc thuê Allen Klein để sắp xếp các vấn đề pháp lý và tài chính giữa The Beatles và công ty non trẻ Apple Corps., các thành viên thấy mình chìm giữa những buổi họp tiền bạc đau đầu trong những tháng đầu năm 1969.
“Theo thời gian, bầu không khí ở Apple ngày một khủng khiếp” - thư ký Apple Dee Meehan nhớ lại trong cuốn sách The Beatles Off The Record. “Klein rất khó chịu” - cô nói tiếp. “Ông ta chuyển tới và bắt đầu sa thải mọi người”. Harrison thì có ấn tượng: “Cá nhân mà nói, tôi hy vọng sớm tới lúc có thể hoàn toàn rút khỏi chuyện kinh doanh. Kinh doanh là một chuyện, viết nhạc và sáng tạo, thứ tất cả chúng tôi đều muốn, lại là chuyện hoàn toàn khác”.
Với cảm giác rằng mình như đang sống trong địa ngục, một ngày nọ, Harrison quyết định “phải bỏ học”, không xuất hiện tại buổi họp đã lên lịch với Apple vào đầu xuân 1969, và thay vào đó là tới thăm nhà Clapton, cách nhà ông nửa giờ lái xe. Mang theo ông khi đó không chỉ là những chán nản về chuyện tiền nong mà còn bao bê bối gần đó: Tạm thời rời bỏ The Beatles, bị bắt vì tàng trữ cần sa, phải cắt bỏ amidan, chán nản với bản thân và nghi hoặc nhiều bạn bè.
Mặt trời đây rồi
Nhẹ nhõm khi tạm gác lại những chuyện đau đầu nhức óc, Harrison sung sướng cầm cây đàn guitar acoustic đi dạo trong vườn nhà Clapton. “Dù sao thì, khi mùa Đông ở Anh cứ như dài mãi, một khi Xuân đến, bạn được đền bù xứng đáng” là cảm giác của ông khi đó.
“Rồi sự xuất hiện của mặt trời đã mang ca khúc đến với tôi. Nó hơi giống If I Needed Someone với đoạn riff cơ bản, kiểu The Byrds trong Bells Of Rhymney. Thế nên, tôi thấy, theo cách nào đó, nó khá cổ điển”. Với Here Comes The Sun, Harrison đã thử nghiệm hợp âm Rê trưởng với capo đặt ở ngăn thứ 7 trên cây đàn.
Trong tiểu sử của Clapton, ông cũng đặc biệt nhớ lại ngày này: “Đó là một buổi sáng mùa Xuân tươi đẹp. Chúng tôi đang ngồi trên đỉnh một cánh đồng lớn ở cuối vườn. Chúng tôi đang cầm đàn, gảy vui khi anh ấy bắt đầu hát “de da de de, một mùa Đông dài lạnh lẽo cô đơn”. Rồi từ đó tới bữa trưa, anh bổ sung từng chút từng chút một. Một phần trong bổ sung này là đoạn guitar riff uốn lượn như ca khúc Badge mà Harrison viết cùng Clapton năm 1968.
“Nó gợi tôi nhớ tới Buddy Holly, theo một cách nào đó” - John Lennon nghĩ khi đó. “Ca khúc cho thấy sự tiến bộ của cậu ấy. Cậu ấy đã viết đủ loại ca khúc và một khi cánh cửa mở ra, lũ thác tràn về”. Về Holly, Harrison từng tuyên bố: “Với tôi, một trong những người vĩ đại nhất là Buddy Holly. Tôi không còn sợ chuyển từ La sang Fa nữa”. Đó là chuỗi hợp âm xuất hiện trong Here Comes The Sun.
Chính bản thân Lennon có lẽ cũng là nguồn cảm hứng cho ca khúc, dù chỉ trong tiềm thức. Khi phát triển ca khúc Sun King vào tháng 1/1969, ông đã hát “here comes the sun” khi chơi guitar. Harrison có thể đã được gợi cảm hứng từ đó khi ngồi trong vườn của Clapton. Ngoài ra, sự thay đổi nhịp điệu bất thường nhiều lần trong ca khúc có lẽ là từ tình yêu chớm nở (mà về sau là rực rỡ) khi đó của Harrison với nhạc Ấn Độ. Con trai Harrison, Dhani, thấy nó “gần như là Tihai”, một nhịp điệu thường thấy trong nhạc cổ Ấn Độ.
“Đây là sự giải tỏa bao dồn nén trong tôi” - Harrison nói trong buổi phỏng vấn. “Đây là lần đầu tôi được chơi guitar trong suốt mấy tuần, bởi khi đó quá bận. Nó tới và tôi đã hoàn thành sau đó khi đi nghỉ ở Sardinia”. Lời hoàn chỉnh được viết trên giấy bên cạnh một hình vẽ Hindu và những nội dung tâm linh. Lời ca này vô cùng giản dị nhưng chất chứa những triết lý muôn đời: Tất cả rồi sẽ ổn thôi.
Thú vị, dữ liệu về thời tiết ở London cho thấy: Tháng 4/1969 ghi nhận kỷ lục về số giờ mặt trời chiếu sáng trong thập niên 1960, và tháng 2-3lại lạnh bất thường. Mùa Đông dài lạnh lẽo thật sự vừa qua và mặt trời khi tới đã rực rỡ hơn bao giờ hết. Nhưng những gì Harrison viết rõ ràng không chỉ về thời tiết, nó là về cuộc sống của ông tại thời điểm đó. Phép màu hơn, nó sẽ mở ra tương lai cho ông với tư cách một nghệ sĩ solo sáng chói và là ca khúc mà nhân loại sẽ tìm tới khi hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.
Những “sứ mệnh” của “Here Comes The Sun” Ngày thu âm Here Comes The Sun khá chật vật vì Lennon vắng mặt do đang phục hồi sau tai nạn xe hơi và lại chính là ngày sinh nhật Ringo Starr. Vì bồn chồn, Ringo đã không thể tập trung được, dẫn tới nhiều sửa đổi về sau. Với khởi đầu khiêm tốn như vậy nhưng ca khúc sau này được đánh giá nằm Top đầu những ca khúc vĩ đại nhất của The Beatles. Đầu thập niên 1970, George McGovern đã đưa nó vào chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, minh chứng cho thắng lợi lớn của âm nhạc trong chính trị. Nhà thiên văn học Carl Sagan từng nỗ lực đưa Here Comes The Sun vào đĩa vàng Voyager với sứ mệnh giới thiệu về loài người với vũ trụ. Chỉ vì can thiệp của hãng EMI mà ca khúc đã không được mang ra không gian. Sagan đã cay đắng thốt lên rằng đây là đại diện cho thảm kịch của loài người, khi cơ hội mang tới sự bất tử cho một ca khúc lại bị chặn ngang bởi vấn đề… tiền bản quyền. Bù lại, ở trái đất, nó vang lên ở những sự kiện lớn nhất như bế mạc Thế vận hội Olympic London 2012 và trên hết, tình yêu khán giả dành cho ca khúc thể hiện rất rõ khi vào năm 2019, Here Comes The Sun là ca khúc của The Beatles được stream nhiều nhất trên Spotify với hơn 350 triệu lượt. Bản thân Harrison, sau Here Comes The Sun, các nhà phê bình phải thốt lên rằng The Beatles có tới 3 nhạc sĩ đáng gờm. Điều này được minh chứng rõ ràng hơn trong sự nghiệp solo về sau của ông. Khi ông qua đời vào tháng 11/2001, người hâm mộ khắp thế giới đã hát vang Here Comes The Sun như một lời từ biệt. |
Thư Vĩ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất