Ca khúc 'Lean on Me' của Bill Withers: Niềm tin vào lòng tốt của con người

21/04/2024 16:08 GMT+7 | Giải trí

Ca từ trong âm nhạc của Bill Withers luôn đầy chất thơ nhưng được diễn đạt rất đơn giản, để tầng lớp nào cũng có thể hiểu đúng ý ông. Đó cũng là một trong những mục tiêu của ông: viết những giai điệu mà mọi người có thể hiểu và ghi nhớ dễ dàng. Lean on Me (Dựa vào tôi) đáp ứng được tiêu chí đó.

Thế nhưng, ở giữa thời đại R&B hào nhoáng, giữ được sự đơn giản lại không hề đơn giản. Và Withers đã làm được điều đó, theo cách đầy phẩm giá.

Hãy dựa vào khi cần

Lean on Me được phát hành vào năm 1972, dưới dạng đĩa đơn đầu tiên trong album thứ hai của Bill Withers là Still Bill. Thể hiện sự lạc quan giữa tình huống tổn thương, Withers đã sử dụng lời ca khúc để phản ánh cuộc sống nông thôn ở quê nhà và tình người mà ông thấm nhuần. Đó là: Hầu hết mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau!

"Ngay cả ở vùng nông thôn miền Nam, vẫn có những người sẵn sàng giúp đỡ bạn mà không phân biệt chủng tộc" - Withers chia sẻ.

Ca khúc 'Lean on Me' của Bill Withers: Niềm tin vào lòng tốt của con người - Ảnh 1.

Ca sĩ - nhạc sĩ lừng danh người Mỹ, Bill Withers

"Dựa vào tôi/ Khi anh không thể mạnh mẽ/ Và tôi sẽ là bạn anh/ Tôi sẽ giúp anh tiếp tục/ Cũng chẳng lâu nữa/ Tôi cũng sẽ có lúc cần ai đó để dựa vào" - ông hát về niềm tin của mình trong Lean on Me.

Nhưng để nhận được sự giúp đỡ, trước tiên, con người cần phải mở lòng mình. "Hãy gạt bỏ sự kiêu hãnh" và "kêu gọi sự giúp đỡ khi cần", như lời ca khúc. Vì xét cho cùng "tất cả chúng ta đều cần có ai đó để dựa vào".

Lời ca đơn giản, Lean on Me như lời nói chuyện thân mật với một người bạn. Đó là một công thức thành công. Khán giả nhanh chóng yêu thích ca khúc. Khi mới ra mắt, Lean on Me đã đạt tới No.1 trên BXH Billboard Hot 100 của Mỹ.

Trong xã hội hối hả, giá trị của nó lại càng được thể hiện rõ. Hơn một thập kỷ sau, Withers giành được giải Grammy cho Lean on Me với tư cách tác giả của ca khúc. Nhóm R&B Club Nouveau đã thu âm lại ca khúc và phiên bản mới này tiếp tục trở thành hit No.1 vào năm 1987, mang về cho Wither giải thưởng Ca khúc Rhythm và Blues hay nhất.

Ca khúc “Lean on Me” của Bill Withers

Ca khúc cũng đã được nhiều nghệ sĩ lừng danh khác cover lại: Mary J. Blige hát Lean on Me trong lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Kate McKinnon và Hillary Clinton biểu diễn trên chương trình truyền hình Saturday Night Live, và một nhóm các ngôi sao Canada - bao gồm Justin Bieber và Bryan Adams - đã thu âm ca khúc để tưởng nhớ Withers sau khi nhạc sĩ qua đời vào năm 2020 và để gây quỹ cho hội chữ thập đỏ Canada.

Trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, Lean on Me được xếp thứ 236. Năm 2007, bản thu năm 1972 của Withers được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Grammy.

"Thật tuyệt nếu có người để dựa vào, đó là điều đâu cần tranh cãi? Kinh nghiệm của tôi là: có những người như vậy. Họ sẽ giúp đỡ" - Bill Withers nói về nguồn cảm hứng "Lean on Me".

Lạc quan giữa cuộc sống khắc nghiệt

Những người may mắn thường sống lạc quan, điều đó không khó hiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, câu chuyện lại khác hẳn.

Bill Withers sinh ra ở Tây Virginia vào năm 1938. Thay vì giống như hầu hết những người đàn ông da đen khác ở quê nhà là sớm đi làm ở các mỏ than, ông lại gia nhập quân đội năm 17 tuổi và phục vụ trong hải quân Mỹ suốt 9 năm.

Sau khi rời lực lượng, ông mới bắt đầu chơi nhạc và tình cờ gặp đúng người, đúng thời điểm. Cuối cùng, ông đã đến Los Angeles và ký hợp đồng thu âm với Sussex Records khi đã ngoài 30. Tuy vậy, ông luôn cảm thấy lạc lõng giữa thành phố xa hoa này.

Ở quê, Withers sống trong một ngôi nhà tồi tàn ở khu vực nghèo khó. Tuy vậy, đó là nơi mà cộng đồng gắn bó rất bền chặt, nơi "mọi người chú ý tới nhau hơn một chút và bớt sợ hãi hơn", như ông nói. Tất cả đã giúp Withers trở nên mạnh mẽ hơn trong khó khăn và do đó, có nhiều niềm tin vào cuộc sống hơn.

Ca khúc 'Lean on Me' của Bill Withers: Niềm tin vào lòng tốt của con người - Ảnh 4.

Bill Withers đã giữ vững giá trị và niềm tin của mình cho tới cuối đời

Vì ông là người da đen và bắt đầu sự nghiệp vào giữa thời đại R&B nên hãng thu âm "không muốn tôi làm điều gì thầm lặng". Để duy trì sự độc lập của mình, ngay cả khi đã ra mắt album đầu tiên, ông vẫn tiếp tục công việc hàng ngày tại nhà máy, dọn nhà vệ sinh trên các máy bay.

Là một nghệ sĩ soul, ông muốn viết bằng ngôn ngữ bình dị, trên cây đàn guitar acoustic. Đi ngược với mong muốn của hãng đĩa, ông pha trộn folk với R&B, ăn mặc gọn gàng và giữ những phẩm chất cộng đồng đáng quý của mình.

Khi đến thời điểm thực hiện album thứ hai, Booker T. Jones, nhà sản xuất đã giúp định hình album đầu tay của Withers, Just As I Am, lại không có mặt. Withers thuyết phục hãng rằng ông có thể tự mình sản xuất album.

Withers mua một cây đàn piano điện Wurlitzer nhỏ gọn. "Tôi ngồi đó, lướt ngón tay lên xuống trên cây đàn" - ông nói về thời điểm sáng tác Lean on Me - "Trong lúc chơi nhạc, cụm từ đó ("Dựa vào tôi") chợt thoáng qua trong tâm trí tôi. Thế là tôi dừng lại và nói: "OK, tôi thích cách cụm từ đó vang lên trong giai điệu này".

Dựa vào cụm từ đó, ông đã phát triển ra thành một ca khúc, xoay quanh câu hỏi: "Điều gì khiến một người phải thốt lên điều đó?"

"Đó là một ca khúc nông thôn được diễn dịch lại cho các nhóm nhân khẩu học khác. Thật tuyệt nếu có người để dựa vào, đó là điều đâu cần tranh cãi? Kinh nghiệm của tôi là: có những người như vậy. Họ sẽ giúp đỡ" - Withers tin tưởng.

Với Withers, hồi 18-19 tuổi, ông có lần bị hỏng lốp xe ở Tây Virginia. Khu vực đó thường bị coi là có nạn phân biệt chủng tộc và do đó, Withers rất lo lắng. Khi đó, một người đàn ông da trắng với khuôn mặt không hẳn là dễ gần đi tới. Nhưng người này đã về nhà mình, vác tới một cái lốp và thay cho Withers!

Bài học mà Withers đưa ra là: "Hãy cố gắng thích nghi với thế giới" bởi điều xấu chỉ là ngoại lệ chứ không phải nguyên tắc.

Huyền thoại sống mãi trong âm nhạc

Sau khi phát hành Lean on Me và album thứ hai, Still Bill, Withers đã tận dụng tối đa những cơ hội trước khi từ giã công việc kinh doanh âm nhạc vào năm 1985. Ông tiếp tục thu âm thêm 7 đĩa nữa, trong đó có 1 đĩa thu trực tiếp từ buổi hòa nhạc của ông tại Carnegie Hall vào năm 1973.

Cuộc hành trình của ông không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Hãng thu âm Sussex Records phá sản vào năm 1975 và Withers chuyển sang Columbia Records. Ông đã chật vật với hãng trong suốt sự nghiệp vì cảm thấy dường như họ không hiểu rõ các giá trị và những gì ông đại diện. Đôi bên không ai chịu ai. Một số người của hãng miêu tả ông là người khó tính, trong khi ông tuyên bố họ "đối đầu và thừa thãi".

Từ năm 1979 đến năm 1985, sự nghiệp của Withers bị đình trệ vì ông từ chối thu âm bản cover ca khúc In The Ghetto. Cho dù ông có viết bao nhiêu giai điệu đi chăng nữa, hãng cũng không cho ông thu âm bất kỳ ca khúc nào. Cuối cùng, vào năm 1985, ông đã thực hiện được album cuối cùng và tạm dừng hoạt động.

Các ca khúc của ông ngày nay vẫn lan rộng dưới dạng các bản cover và làm mẫu trong các ca khúc như No Diggity của Blackstreet. Các nghệ sĩ như D'Angelo, Aloe Blacc và Ed Sheeran đã tái tạo lại album trực tiếp của ông tại Carnegie Hall vào năm 2015. Cùng năm đó, ông cũng được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm