Ca khúc 'Promised Land': Khúc sử thi đẫm máu của Chuck Berry

27/03/2022 19:29 GMT+7 | Giải trí

(giaidauscholar.com) - Toàn bộ ca khúc kinh điển Promised Land (Miền đất hứa) năm 1964 của Chuck Berry là về chuyển động. Tiếng guitar riff mở đầu cũng nhanh và mạnh như tiếng rồ ga, một chiếc xe máy ra khỏi nhà, một chiếc xe buýt rời ga, một chiếc máy bay cất cánh. Chàng trai nghèo tội nghiệp, người kể chuyện của chúng ta, không ngừng lăn lộn và trốn chạy, rời nhà trên chiếc Greyhound xập xệ.

'Maybellene' của Chuck Berry: Ca khúc rock ‘n’ roll đầu tiên trong lịch sử

'Maybellene' của Chuck Berry: Ca khúc rock ‘n’ roll đầu tiên trong lịch sử

Năm 1955, xuất hiện một loại nhạc không xác định, mang lại cảm giác dễ chịu được đặt tên là rock ‘n’ roll. Và John Lennon có lần nói: “Nếu anh muốn cho rock ‘n’ roll một cái tên khác, thì anh nên gọi nó là Chuck Berry”.

Đó là chuyển động chung của người Mỹ gốc Phi trong thế kỷ 20: “Điều duy nhất họ có thể làm, mà họ không thể làm dưới chế độ nô lệ, đó là di chuyển” - như Mark Burford, giáo sư âm nhạc tại Đại học Reed ở Portland, nhận định. Mỗi một chuyến được thiết kế để thoát khỏi rắc rối.

“Mỗi câu hát dường như là có gì đó xảy ra, hay có gì đó biến mất nhưng luôn luôn, ở cuối phiên khúc tiếp theo, nó vươn lên như một chú phượng hoàng” - theo rocker Joe Ely.

Hành trình tới miền đất hứa

Chỉ trong 2 phút 23 giây, Chuck Berry đã thiết lập một tầm nhìn xa vời về giấc mơ Mỹ, nơi chàng trai trẻ nghèo rời nhà ở Norfolk, bắt xe buýt, lên tàu hỏa và cuối cùng là máy bay để tới miền đất hứa Los Angeles (có lẽ là) để bước chân vào ngành công nghiệp âm nhạc.

Thoạt nhìn, nó như tóm tắt tiểu sử thời thơ ấu của một người sẽ là nghệ sĩ rock thăng tiến bậc nhất lịch sử. Cha Berry làm việc trong một nhà máy bột mì ở Baden với tiền lương còm cõi chỉ vừa đủ nuôi gia đình. Chàng trai trẻ Berry thường xem các buổi khiêu vũ tại ngôi trường dành cho học sinh da đen nhưng không bao giờ tham gia. Anh khao khát có một người bạn gái để cùng chia sẻ những năm tháng thanh xuân nhưng không được.

Chú thích ảnh
Chuck Berry trên bìa đĩa đơn “Promised Land”

Chiếc xe hơi rách nát anh mua với ước mơ đi du lịch nhưng lại chẳng có nơi nào để đi. Những người trong đội bóng thường mượn xe anh để chở bạn gái đi chơi còn chính Berry lại mua vải phủ ghế để những cô gái này không bị phiền vì những chiếc lò xo hở. Âm nhạc chính là cách Berry ra khỏi vỏ bọc. Ông đã miệt mài xây dựng sự nghiệp của riêng mình bằng cách đi khắp nước Mỹ, vượt qua định kiến cũng như sự phân biệt.

Các bản cover Promised Land sau này, nhất là từ các nghệ sĩ da trắng, càng biến ca khúc nhìn giống như một sự dịch chuyển về mặt tầng lớp, đặc biệt là bản cover của Elvis Presley - vốn cũng xuất thân là một cậu bé nghèo miền Nam.

Nhưng trên thực tế, Berry viết Promised Land khi đang trong tù, sau khi bị cảnh sát bắt vì tội mời một cô bé 14 tuổi gặp trên đường tới làm ở hộp đêm của ông ở St. Louis. Ông kịch liệt phản đối cáo buộc này, cho là nó có động cơ phân biệt chủng tộc. Để đảm bảo chính xác cho chuyến hành trình nung nấu tinh thần phản kháng, Berry phải vất vả mượn bản đồ Mỹ từ thư viện nhà giam - nơi các quản tù không chút hào hứng trước ý tưởng này.

Và thế là chàng trai nghèo trong ca khúc đã không vô tình khi đi qua 8 thành phố Norfolk, Raleigh, Charlotte, Atlanta, Birmingham, New Orleans, Houston và Los Angeles. Gặp không ít rắc rối, chỉ nhờ sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng, chàng trai mới hoàn thành hành trình. Và ngay khi tới nơi, liền gọi về báo tin vui cho người thân.

Khi tới hãng thu âm Chess lần đầu sau khi ra tù, bài đầu tiên Berry thu âm là Promised Land. Giai điệu tưng bừng, một hành trình hứng khởi tới miền đất hứa, thế nhưng, mọi người đều ngầm hiểu rằng đây là một khúc sử thi đẫm máu.

Giai điệu tưng bừng của “Promised Land”:

Hành trình đi tìm tự do

Promised Land được viết năm 1964, chỉ vài năm sau Freedom Rides (Chuyến đi tự do) diễn ra năm 1961. Đây là giai đoạn thứ 2 trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc do các sinh viên miền Nam nước Mỹ lãnh đạo.

Ở sự kiện lấy cảm hứng từ Hành trình Hòa giải năm 1947, các nhà hoạt động, cả da đen và da trắng, đã cùng nhau lên xe buýt liên bang để tới miền Nam - nơi vẫn đẫm mùi thù địch, phân biệt chủng tộc. Cần phải nói rõ thêm rằng thời điểm đó, luật Jim Crow vẫn còn thịnh hành ở miền Nam. Luật này bắt buộc phải phân tách các trường công lập, nơi công cộng, giao thông, nhà hàng, bồn uống nước thậm chí là nhà vệ sinh cho riêng người da trắng và người da đen. Các chuyến xe buýt, do đó, thường xuất hiện những bảng như “Chỉ dành riêng cho người da trắng”.

Chuyến đầu tiên của Freedom Rides gồm 2 xe buýt khởi hành ngày 4/5/1961. Đích thân giám đốc Hiệp hội hòa giải và Bình đẳng chủng tộc James Farmer là người dẫn đường. Trong 13 hành khách đặc biệt, gồm 7 da đen và 6 da trắng, có John Lewis - nhà hoạt động, đại diện tương lai của Mỹ. Họ cũng đi qua Virginia quê nhà chàng trai nghèo trong Promised Land, rồi bị đám đông hung hãn có vũ khí tấn công ở Anniston, trong đó một chiếc bị ném bom cháy, khiến nhiều người bị thương nặng.

Chú thích ảnh
1 trong 2 xe buýt của chuyến đi đầu Freedom Rides bị ném bom cháy

Chiếc lành lặn tiếp tục hành trình tới Birmingham với những nhà hoạt động đầy thương tích. Ở Birmingham, họ lại gặp phải các tổ chức phân biệt chủng tộc trang bị gậy bóng chày, ống nước và dây xích. Cảnh sát đã bắt giữ những người đi xe buýt vì tội xâm phạm, tụ tập bất hợp pháp, vi phạm luật Jim Crow của tiểu bang và địa phương cùng nhiều tội danh khác nhưng thường để đám đông da trắng tấn công xe buýt mà không can thiệp. Những vụ tấn công dã man này đã được đưa tin trên đài quốc gia, thế nên, câu “Tất cả chúng tôi bị mắc kẹt/ Ở trung tâm Birmingham” trong Promised Land không thể là tình cờ. Chắc chắn cũng không vô tình khi Berry viết “vòng qua Rock Hill” - nơi một kẻ phân biệt chủng tộc người Nam Carolina đã đánh John Lewis vì tội mở cánh cửa “Chỉ dành cho người da trắng” vào năm 1961. Chính xác thì mọi bang trong Promised Land đều xuất hiện trong hành trình của Freedom Rides.

Nhưng tại sao Promised Land lại phải bóng gió xa gần, có thể bị hiểu thành chuyến đi đổi đời của một chàng trai trẻ, thay vì đi thẳng tới lịch sử? Trong cuốn tự truyện của mình, Berry đã chi tiết về nguồn gốc của nhiều ca khúc, nhưng không có Promised Land. Có lẽ ông hoặc các chủ hãng đĩa - anh em nhà Chess - đã cố tình giảm nhẹ vấn đề để Promised Land dễ phát trên các đài phát thanh. Nhưng điều đó không có nghĩa là Chuck Berry không quên gốc gác đích thực của ca khúc. Ở các phiên bản hát trực tiếp, có thể nghe Berry hát thành “Chúng tôi gặp chút rắc rối, chuyển thành một cuộc tranh đấu/ Giữa đường qua Alabam”. Không hề có gì là trục trặc động cơ như trong bản thu âm.

Cuộc đấu tranh của các nhà hoạt động da đen và da trắng, bất chấp những vụ tấn công vô đạo, cũng vẫn tiếp diễn qua mùa Hè và Thu năm 1961, vượt qua nhiều vùng phân biệt chủng tộc, dẫn tới 300 vụ bắt giữ buộc chính quyền Kennedy phải thay đổi quy định về phương tiện vận chuyển công cộng. Tới tháng 11/1961, những tấm bảng “Da trắng” hay “Da đen” chính thức bị hạ xuống, hành khách có thể ngồi ở bất kỳ đâu họ muốn trên xe buýt hay xe lửa liên bang. Tới năm 1965 thì luật Jim Crow chính thức bị hủy bỏ. Freedom Rides cũng giúp truyền cảm hứng cho nhiều chiến dịch dân quyền sau đó, bao gồm đăng ký cử tri khắp miền Nam, trường học tự do và phong trào Quyền người da đen.

“Nếu muốn vẽ một bức tranh về thời kỳ đó” - Joe Ely nói về Promised Land - “Bạn thậm chí chẳng cần phải nhấc cọ, mà chỉ cần cầm cây đàn guitar lên và hát ca khúc đó”.

“Thành tích” của “Promised Land”

Promised Land leo lên vị trí 41 trên Billboad vào tháng 1/1965, được bình luận là “rock blues Berry đích thực với hàng loạt những lên và xuống”, lấp đầy không gian tiếng piano phóng túng và tiếng guitar điện rền rĩ. Đây cũng là ca khúcđược yêu thích bậc nhất của Berry, được nhiều nghệ sĩ lớn cover như The Band và The Grateful Dead (ban nhạc đã chơi trực tiếp ca khúc 425 lần!).

Năm 1974, Elvis Presley thu âm Promised Land, đạt No.9 ở Anh và No.14 ở Mỹ. Ông cũng đưa nó vào album năm 1975 Promised Land. Trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, Promised Land đứng thứ 342.

Chuck Berry là hiện thân của nước Mỹ, là một trong những nhà biên niên sử và là người sáng tạo vĩ đại nhất nước Mỹ. Đúng vậy, ông là người giúp tạo ra rock ‘n’ roll, có ảnh hưởng lớn tới The Beatles và Rolling Stones và tất cả mọi người sau đó.

Nhưng thiên tài của Berry không bị ràng buộc bởi thể loại ông chọn hay thành công của những ban nhạc Anh sau này. Thiên tài của ông nằm ở thái độ âm nhạc độc lập, tự chủ, đậm chất Mỹ và kiên định theo thời gian.

Promised Land có lẽ phần nào dựa trên lịch sử về chính Berry, mặc dù vào năm 1987, khi nhận ngôi sao Hollywood, điệu bộ trước camera và diễn điệu nhảy chú vịt, ông không hề nhắc tới chuyến đi xuyên qua miền Nam bằng xe lửa hay xe buýt nào.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm