15/05/2014 15:30 GMT+7 | Bóng đá Việt
-Tôi cũng thấy khá may mắn là những ngày đầu vào nghề đã chứng kiến sự hình thành và những chiến quả đầu tiên của bóng đá nữ. Có thể coi đó là thế hệ vàng đầy nhiệt huyết của bóng đá nữ: Hiền Lương, Lưu Ngọc Mai, Kim Hồng, Thúy Nga, Minh Nguyệt… Năm 2001, khi đội U 23 nam sớm bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 21 thì bóng đá nữ đã giành được trọn vẹn yêu thương.
Hình ảnh tiền đạo Lưu Ngọc Mai với nắm đấm đưa lên trời sau những chiến thắng kịch tính trước Thái Lan, Myanmar đã gây xúc động mạnh. Thế hệ thứ hai, trẻ hơn với Văn Thị Thanh, Quách Thanh Mai, Kim Chi cũng đã đánh dấu bước phát triển với những tấm HCV SEA Games. Song tôi cảm giác rằng cho đến thời điểm này sự quan tâm cũng chưa đâu vào đâu. Nói đúng hơn, những gì các cầu thủ nữ nhận được chưa xứng tầm với những gì họ đã làm được và công sức họ bỏ ra.
*Nhưng chúng ta đang tiến tới World Cup đấy thôi?
-Cũng giống như năm 2000 thế hệ cầu thủ Văn Quyến chơi tưng bừng ở VCK U 16 Châu Á hay năm 2007 đội tuyển nam của A.Riedl vượt qua vòng bảng ASIAN Cup. Không thể chỉ nhìn vào những điều ấy để nói rằng đẳng cấp của chúng ta đã qua khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế đánh giá sự phát triển, đừng nhìn vào thành tích của đội tuyển mà thước đo chủ yếu phải là giải VĐQG.
Đội tuyển chỉ là lát cắt, là bộ mặt của nền bóng đá việc thắng thua ở những giải đấu có thể mang lại tiếng vang cho đội tuyển nhưng chưa đủ để nâng tầm giải VĐQG-nơi được coi là cái nôi cho sự phát triển của bóng đá nữ.
Nhà báo Hoàng Lâm.
Tại sao giải VĐQG nữ từ mười mấy năm nay vẫn chỉ 5-6 đội, ở một số địa phương? Phân tích ra thì dài dòng, bóng đá nữ chủ yếu trông vào ngân sách, nhà tài trợ thiếu. Cái khó, trong trường hợp này là “bó” cái khôn. Không có kinh phí ngay ca giải VĐQG tổ chức như…chạy chợ. Bản thân báo chí, truyền thông cũng ít quan tâm, quảng bá cho giải. Lượt đi giải bóng đá nữ VĐQG 2014 tổ chức ở TPHCM nhưng lượng khán giả thì ít tới mức thê thảm.
Thế nên nói bóng đá nữ chưa nâng tầm do lỗi của VFF thì cũng chưa đúng, có lỗi của báo chí và sự thờ ơ của người hâm mộ nữa. Tôi thấy trên nhiều diễn đàn, nhiều trang điện tử, khi mất niềm tin vào đội tuyển nam, người ta hô hào: “Tiền ấy cho tuyển nữ, để phát triển bóng đá nữ…”. Hô hào thế thì đơn giản, ấy thế nhưng khi giải VĐQG được tổ chức thì chẳng ai đến xem…
*Một số nơi khi tổ chức, vẫn đông khán giả đấy chứ?
-Ý anh là một số địa phương như Quảng Ninh hay Hà Nam? Xin thưa, khán giả đến sân là rất quý nhưng tôi nghĩ một phần là do tò mò, một phần là địa phương ấy ít khi tổ chức các giải thể thao nên dễ…hút khán giả.
*Có vẻ như anh lại khá bị quan nhưng rõ ràng gần đây, đội tuyển nữ cũng được đầu tư nhiều, có nhà tài trợ, được liên tục tập huấn…
-Vì “bất ngờ có cơ hội” đến World Cup nên bóng đá nữ mới được đầu tư mạnh hơn bình thường. Nhưng cũng giống như việc tăng cân bằng cách…truyền Đạm thôi.
Đội tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games 22.
Sự đầu tư này rất thiếu chiều sâu. Tôi đơn cử chuyện đi tập huấn của tuyển nữ, chỉ khi các cầu thủ nữ kêu ăn uống đạm bạc, báo chí lên tiếng, VFF mới quyết định bổ sung 20 USD tiền ăn. Dinh dưỡng là một quá trình lâu dài chứ không phải cứ tẩm bổ là khỏe. Tôi còn biết một nhà tài trợ có ý cử chuyên gia dinh dưỡng sang Hàn Quốc để hỗ trợ các cầu thủ nữ về dinh dưỡng nhưng VFF lại chậm chạp việc làm thủ tục nên cũng chẳng có chuyên gia nào cả.
Nhân tiện nói về đầu tư, tôi cũng nói luôn về truyền thông. Đội U 19 nam sang Châu Âu tập huấn cả tháng trời, tất nhiên là tiền bầu Đức nhưng báo chí đưa tin đều đặn, truyền hình đưa cả e kíp đi theo nhưng chuyến tập huấn của đội tuyển nữ thì thông tin có vẻ… đuối. Tôi có hỏi nhiều cầu thủ về chuyện này thì họ nói rất đơn giản là đã…quen rồi.
*Câu chuyện về đội tuyển nữ, tôi thấy giống với môn…cầu mây. Cầu mây nữ Việt Nam cũng đã từng có giai đoạn phát triển, thậm chí từng đoạt HCV ASIAD nhưng sau này việc đoạt thành tích cũng chỉ là “gặt lúa trời”
-Chính xác. Khi đề cập vấn đề này, tôi được ông Hà Khả Luân - người đưa cầu mây về Việt Nam giải thích rằng, nếu so với Thái Lan ta không thể bằng. Họ có hàng ngàn CLB cầu mây, thi đấu quanh năm và chọn ra được cả ngàn cầu thủ giỏi trước khi gút lại một đội tuyển. Còn mình thì sao?
Mấy năm cũng chỉ từng ấy khuôn mặt, thậm chí có cả tuyển thủ lập gia đình, có con rồi vẫn mời vào đội tuyển. Bóng đá nữ cũng thế, chúng ta có CLB, có giải đấu, có đội tuyển nhưng thiếu phong trào.
Đội tuyển nữ Việt Nam đã hạ Jordan 3-1
*Chúng ta có thể học cách phát triển, giống như đội U 19 bằng cách tạo ra các học viện, hay đưa đi tập huấn nước ngoài.
-Đó là cách đào tạo gà nòi chứ không phải sự phát triển bền vững của một nền thể thao. Chuyện của bóng đá nữ cũng giống như bóng đá hay nền thể thao nói chung. Khi chúng ta chưa tạo phong trào đủ mạnh và phát triển môn thể thao này đi vào các trường trung học, đại học thì vẫn chưa nhìn thấy lối ra cho dù nếu gặp may thì vẫn có thể có thành tích ở một vài giải nào đó.
Tôi nghĩ VFF có phần bám vào những thành tích của đội tuyển nữ, theo kiểu có lúa trời thì ta cứ gặt chứ chưa thấy một chiến lược dài hơi nào. Vì thế, dù tuyển nữ Việt Nam có thành công ở giải vô địch Châu Á này hay không thì nhiệm kỳ 7 của VFF phải đưa ra bản kế hoạch phát triển bóng đá nữ mang tính căn cơ và khoa học chứ không thể trông mãi vào lúa trời.
Bởi trong khi bóng đá nữ Việt Nam đang cố nhìn về World Cup thì đã nhìn thấy những nguy cơ tụt hậu ngay tại “ao làng” SEA Games.
* Cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị, nhưng dù là "lúa trời" thì chắc chắn tôi, anh và hàng triệu người hâm mộ đều hy vọng bóng đá nữ Việt Nam làm nên kỳ tích lớn bằng tấm vé dự VCK World Cup đầu tiên trong lịch sử.
Cà phê thể thao
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất