Tấn Minh: 'Ca sĩ trẻ đừng làm gai mắt công chúng'
30/03/2013 17:37 GMT+7
| Văn hoá
“Tôi nghĩ, các nghệ sỹ trẻ nên cố gắng để tránh những việc mà không đáng để bản thân phải hứng chịu những phản ứng từ dư luận hay nhà tổ chức” - Tấn Minh chia sẻ.
* Với tất cả các nhạc sĩ, anh đều cố gắng tận hiểu để có thể thể hiện tốt nhất tác phẩm của họ. Vậy, với Thanh Tùng, trong show In the spotlight Chuyện tình của biển, anh hiểu nhạc sĩ này đến đâu?
- Đúng như bạn nói, trước khi tham gia một chương trình hay thể hiện một tác phẩm của nhạc sĩ nào, tôi tìm hiểu rất rõ về phong cách âm nhạc của nhạc sĩ đó.
Lần này, tôi đọc và nghiên cứu rất nhiều về Thanh Tùng, sở trường, phong cách của ông. Tôi cố gắng bằng mọi cách, truyền tải tốt nhất tinh thần khi nhạc sĩ đưa ra tác phẩm. Bên cạnh đó là những sáng tạo riêng của mình để vun đắp cho tác phẩm đã được thể hiện bởi nhiều nghệ sỹ và được vang lên ở nhiều nơi.
Tôi nghĩ cần thổi hơi thở mới đương đại vào những sáng tác đã được ghi dấu trong công chúng. Tôi luôn hết lòng với tác phẩm khi nhận được. Đó là lý do, tôi được mời lại sau đêm nhạc Trần Tiến trước đó.
* Đêm Trần Tiến, anh được dành tặng quá nhiều lời khen ngợi. Với đêm Thanh Tùng, anh có áp lực trước khán giả?
- Tôi không đặt ra tiêu chí mình phải trở thành một hiện tượng như đã từng có trong đêm Trần Tiến. Nhưng khán giả sẽ thấy tôi cố gắng, quyết tâm hát hết lòng và chắc chắn sẽ thăng hoa.
Sự đón nhận của khán giả sẽ phụ thuộc vào khán giả yêu mến tác phẩm đến đâu. Tôi vẫn nghĩ, người được tôn vinh, thăng hoa nhiều nhất là Thanh Tùng trong đêm nhạc này. Và chúng tôi, là người truyền tải sự thăng hóa ấy đến với những người yêu nhạc.
* Sáng tác của Thanh Tùng, nhẹ nhàng, là những câu chuyện đơn giản mà đầy chất tình. Anh nghĩ, thể hiện sự đơn giản có khó khăn?
- Đúng là âm nhạc càng đơn giản, thể hiện tốt càng khó với ca sĩ. Âm nhạc phức tạp, trúc trắc càng có đất cho ca sĩ. Nhạc sỹ phải rất giỏi mới sáng tác được những tác phẩm về những chuyện tưởng như ai cũng biết, nhưng không ai viết nên.
Sáng tác của Thanh Tùng được yêu mến nhiều bởi nó vượt qua học thuật, cao siêu, trở thành gần gũi, đáng yêu. Áp lực với ca sĩ là những ca khúc đó đã quá nổi tiếng rồi vì vậy cần hiểu sâu sắc tác phẩm, thể hiện bằng trải nghiệm, sự cảm xúc từ bên trong mới có thể thành công được.
* Theo anh, ngoài sự tận tâm với tác phẩm, các tác giả tìm đến anh để nhờ thể hiện ca khúc vì điều gì?
- Đây là áp lực rất lớn với tôi vì luôn phải vượt qua những việc mình đã làm được. Vì lòng tin ấy, tôi càng phải cố gắng hơn. Tôi nghĩ, các tác giả gửi bài cho mình vì biết tôi làm được đến đâu. Họ cũng mong chờ những luồng gió mới, bất ngờ mang đến mọi người. Tôi cũng thích điều ấy.
Nhiều khi, sự thành công ngoài mong muốn và cũng chỉ muốn đốt cháy mình đến tận cùng.
* Anh có thấy, sự tận tâm với tác phẩm là điều ít thấy ở các ca sĩ trẻ?
- Điều này không tránh được. Cuộc sống bây giờ thay đổi quá nhanh, mọi người không còn đủ sự kiên trì để theo đuổi đam mê của riêng mình. Trên thực tế, vẫn có nhiều người bình tĩnh và theo đuổi được đam mê. Và chắc chắn, những người như thế sẽ thành công, chưa biết đến đâu nhưng sẽ được ghi nhận.
* Anh có cho rằng, đó là hệ quả của việc nổi tiếng quá nhanh từ show truyền hình thực tế?
- Truyền hình thực tế là con dao hai lưỡi. Có thể nổi tiếng ngay và cũng có thể mất hút luôn. Nhưng, mọi người cũng phải nhìn nhận, nó là bước đầu tiên khá thuận lợi. Nhưng sau đó thì phải làm việc thực sự. Cuộc sống vốn sằng phẳng, làm đến đâu sẽ hưởng đến đấy. * Có một số nghệ sỹ có những hành động bất thường sau khi nổi tiếng nhanh chóng, khó chấp nhận như xù show, bỏ không tập mà trường hợp như Bùi Anh Tuấn bị treo không cho hát ở Bài hát yêu thích là một ví dụ…- Tôi có nghe, có để ý, tôi chỉ thấy hơi đáng tiếc. Tôi không biết rõ nội tình như thế nào. Nhưng tôi nghĩ, các nghệ sỹ trẻ nên cố gắng để tránh những việc mà không đáng để bản thân phải hứng chịu những phản ứng từ dư luận hay nhà tổ chức.
Càng ca sĩ trẻ càng cần phải tạo thương hiệu, uy tín về cách làm việc chuyên nghiệp. Đương nhiên, sẽ có những sự cố nhưng đừng để nó thành thông lệ.
* Một thực tế là vì sự nổi tiếng nhanh chóng thông qua truyền hình thực tế mà nhiều ca sĩ vốn ở những sân chơi âm nhạc uy tín cũng đổ sô sang thi truyền hình thực tế để tìm vận may. Anh thấy sao?- Tôi nghĩ không nên quá khắt khe. Truyền hình thực tế phát triển khắp thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Đây là cơ hội rất tốt cho những người có thực tài, một bước đột phá, cơ hội rất lớn để tới công chúng. Nhưng nếu sau đó, không vươn lên, không tập luyện thì ánh hào quang sẽ nhanh lụi tàn.
Tôi nghĩ, mỗi người đều có cách đi của mình. Có người chỉ cần nổi 5 năm, đi kiếm tiền và rồi nghỉ, không tiếc nuối nữa. Có người lại muốn đi một con đường dài. Như tôi, cuộc sống sẽ chẳng có gì nếu không được đứng trên sân khấu.
* Càng ngày, âm nhạc trên mạng internet càng phong phú. Nhưng, bức tranh ấy lại hơi méo mó, có quá nhiều thứ người ta gọi là nhạc rác. Anh nghĩ gì về điều này?
- Âm nhạc giống như những món ăn và người ta có thể lựa chọn. Tôi đang mong tất cả các trào lưu bộc lộ và vươn ra thật nhanh. Sau đó, mọi người sẽ có sự lựa chọn và đào thải. Tôi sợ sự âm ỉ, lắt nhắt lai rai, tôi mong tất cả các thể loại bung hết ra, để sau này, người ta nhận ra đâu là âm nhạc.
Nhưng cũng đừng bi quan, trào lưu nhạc Hoa lời Việt phát triển mạnh khoảng 10 năm nay đã bị đẩy ra, tự đào thải chứ không ai cố tình đẩy nó ra.
Tất cả những thứ âm nhạc mình đang ám ỉ, thực ra nó không xấu. Nó là sở thích của từng người. Chỉ cần người nghệ sỹ nghiêm túc để đưa dòng nhạc của mình đến tầm cao mới, như thế, nó vẫn sẽ hay như thường.
* Xin cảm ơn anh!Theo Trần Lê
VTC News