Ca sĩ Ý Lan: Âm nhạc Việt Nam vẫn sống trong lòng chúng tôi

30/05/2009 09:33 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Là con gái của danh ca Thái Thanh nổi tiếng một thời, nhưng ca sĩ Ý Lan lại thành danh khá trễ khi đã có gia đình và 5 người con. Ý Lan là một trong những giọng ca được yêu chuộng hiện nay ở nước ngoài. Tháng 10 năm ngoái, Ý Lan có một buổi biểu diễn tại khách sạn Park Hyatt (TP.HCM) trong một chương trình từ thiện. Chuyến trở lại Việt Nam lần này là để thăm một số cơ sở tổ chức xã hội, làm công tác thiện nguyện và việc chính là biểu diễn 6 đêm (trong khoảng thời gian từ 29/5 đến 7/6) tại Phòng trà Văn nghệ TP.HCM. TT&VH có cuộc trò chuyện cùng ca sĩ Ý Lan.

* Năm ngoái hát tại khách sạn Park Hyatt trong một chương trình từ thiện còn năm nay hát tại phòng trà cho đông đảo mọi người đến thưởng ngoạn, cảm xúc của chị hẳn là khác nhau?

- Đúng là hoàn cảnh có khác nhau, tuy nhiên đối với tôi, những cảm xúc khi trình bày một nhạc phẩm hoặc tình cảm đối với khán giả thì như nhau, nghĩa là luôn đặt hết cảm xúc vào tác phẩm nhằm đưa đến người nghe những gì sâu lắng nhất. Năm ngoái do hạn chế số lượng khán giả của chương trình, nhiều người muốn đến nghe Ý Lan hát cũng không được, nhưng năm nay, biểu diễn tại Phòng trà Văn nghệ trong nhiều đêm, tôi rất hạnh phúc vì là dịp mà những người yêu tiếng hát Ý Lan có thể đến để thưởng thức và chia sẻ những điều khác nữa...

* Ngoài 30 tuổi, khi đã là mẹ của 5 người con chị mới nổi tiếng. Tại sao con “nhà nòi” mà lại “phát tiết” trễ như vậy, chị đã học tập và rèn luyện như thế nào để trở thành một danh ca khi gần như toàn bộ thời gian là dành cho con cái?

- Từ bé tôi vẫn được mẹ đưa đến phòng trà, nơi mẹ hát hàng đêm, nhưng từ khi tôi 12-13 tuổi, cái tuổi bắt đầu “tò mò” với cuộc sống chung quanh, mẹ không cho tôi đến phòng trà chơi nữa. Dù là một ca sĩ rất nổi tiếng nhưng mẹ không muốn tôi đi theo con đường ca hát, vì cảm thấy cuộc đời nghệ sĩ quá truân chuyên. Mẹ tôi chỉ muốn con mình là một công chức, có chuyên môn nghề nghiệp, làm giờ hành chính và thời gian còn lại dành cho gia đình.

Vì vậy tôi gần như không được chuẩn bị gì cho nghề ca hát của mình sau này, tôi không có thời gian học hành bài bản về âm nhạc hoặc luyện giọng. Những gì Ý Lan có là do bản năng, do gen di truyền từ bố mẹ và là do sự thôi thúc của ước mơ - ước mơ được hát. Khi hát, tôi hát với những gì từ rung động của con tim mình, có thể nói những cảm xúc dạt dào, tinh tế khi diễn tả những giai điệu âm nhạc là thế mạnh của Ý Lan và có lẽ đó cũng là điều đã hấp dẫn khán giả.

* Chị có nhớ lần đầu tiên đứng trên sân khấu chuyên nghiệp là lúc nào, ở đâu? Cảm xúc của chị lúc đó thế nào?

- Nhớ chứ! Đó là vào ngày 25/11/1989 trong dịp lễ Tạ ơn, tại sân khấu vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh ở Mỹ, đó được xem là lần đầu tiên tôi bước lên sân khấu chuyên nghiệp. Lúc đó tôi rất hạnh phúc, tôi không nghĩ mình sẽ được gì hoặc trở thành nổi tiếng hay không mà đơn giản là đã thực hiện được điều mà mình hằng mong ước.

* Là con gái của một nữ danh ca, có lúc nào chị bị áp lực bởi danh tiếng của mẹ mình?

- Hoàn toàn không, bởi tôi hát vì sự thôi thúc từ nội tại bản thân chứ không với mục đích phấn đấu để trở thành nổi tiếng. Tôi không phải chịu áp lực phải thế này, thế nọ để xứng đáng với tên tuổi của mẹ mình, ngược lại mẹ là thần tượng và những tình cảm yêu thương mẹ dành cho tôi lại trở thành một sức mạnh tinh thần và niềm phấn khích trên bước đường ca hát của tôi.

* Tại Phòng trà Văn nghệ lần này, những bài hát nào được xem là “thương hiệu” của Ý Lan?

 Ý Lan và chồng
- Có rất nhiều bài hát trong mỗi chặng đường của hành trình 20 năm ca hát của Ý Lan. Tuy nhiên, lần này tại Phòng trà Văn nghệ chắc chắn sẽ có những bài hát như Quỳnh hương (Trịnh Công Sơn), Sa mạc tình yêu (nhạc Nhật), Nửa hồn thương đau (Phạm Đình Chương)... và có thể có nhiều bài khác nữa, tùy vào danh mục nhạc của phòng trà và sự tập luyện giữa Ý Lan và ban nhạc trong thời gian khá ngắn ngủi trước khi bắt đầu những đêm diễn.

* Trong vài năm gần đây và hiện nay, có rất nhiều ca sĩ trong nước ra hải ngoại biểu diễn, là một ca sĩ hải ngoại chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Lùi lại 3-4 năm về trước, Ý Lan cũng rất ngạc nhiên khi nhiều ca sĩ trong nước góp mặt vào các chương trình biểu diễn âm nhạc của người Việt ở hải ngoại. Trước đây Ý Lan từng lo lắng rằng, thế hệ con cái của mình có giữ được tiếng nói và tâm hồn của người Việt hay không, tuy rằng những điều đó Ý Lan đã thực hiện khá tốt đối với con mình. Việc nhiều ca sĩ trong nước biểu diễn trải dài gần khắp các vùng đất có người Việt sinh sống trên thế giới, ngoài những bản nhạc trẻ trung, hiện đại họ còn trình diễn những bài nhạc xưa mang đầy âm điệu và hình ảnh về con người, đất nước Việt Nam. Tôi rất xúc động khi nghĩ rằng những buổi biểu diễn của ca sĩ trong nước trước đồng bào hải ngoại, đó còn là sự truyền bá, nhắc nhở về văn hóa và hình ảnh đất nước Việt Nam. Bởi tuy sống xa quê hương, nhưng tiếng nói và âm nhạc Việt Nam vẫn sống trong lòng chúng tôi.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Bình Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm