Liverpool: Chia tay Steven Gerrard, người gánh vác những niềm tin

02/01/2015 15:47 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Mùa giải 2014-15 sẽ chính thức trở thành mùa giải cuối cùng thủ lĩnh của Liverpool có mặt tại giải Ngoại Hạng Anh. Anh ra đi, cởi bỏ biết bao những áp lực của hàng chục năm mặc chiếc áo đỏ Merseyside...

Trong một buổi chiều ngẫu nhiên trên con đường từ trung tâm bóng đá Melwood dẫn về trung tâm thành phố Liverpool, đôi lúc người ta nhìn thấy một chiếc xe hơi đỗ bên vệ đường, bên trong là một người đàn ông với ánh mắt xa xăm. Với những cư dân sống tại Merseyside, đó là một gương mặt quen thuộc và đáng mến: Steven Gerrard.

Người thủ lĩnh của công chúng

Điều gì đã khiến cho một trong những cầu thủ xuất sắc nhất nước Anh trong hai mươi năm qua thi thoảng lại đỗ xe lặng thinh bên đường? Rất nhiều đồn đoán về câu chuyện này. Phải đến khi chàng thủ quân của CLB Liverpool lên tiếng giải thích trong cuốn tự truyện phát hành năm 2006, mọi thứ mới vỡ nhẽ: đó là vì những kỳ vọng.

Anh đỗ xe, dừng đôi phút im lặng để tự nói với bản thân: “Mình là đội trưởng của CLB Liverpool”. Với một đứa trẻ sinh ra ở Huyton (Whiston, Merseyside), lớn lên với tư cách một Kopite, được đeo băng đội trưởng của Liverpool là một vinh dự chỉ có trong mơ. “Tôi nghĩ về những con người phi thường từng dẫn đầu Liverpool, những thủ lĩnh thực sự như Ron Yeats, Emlyn Hughes, Thommo [Phil Thompson], Graeme Souness, Alan Hansen. Và giờ là tôi.”

Thế nên, sẽ không hề là quá khi nói rằng Gerrard là một trong những thủ quân cảm nhận được rõ ràng nhất ý nghĩa của chiếc băng đội trưởng trong thế giới bóng đá. Anh hiểu rõ ràng vai trò của bản thân khi nối tiếp những cái tên đã đi vào lòng người. Liverpool là một CLB giàu truyền thống bậc nhất thế giới, và dù Sami Hyypia có là một đội trưởng có tài đi chăng nữa, chính cầu thủ người Phần Lan cũng hiểu rằng, anh sẽ không bao giờ thấm nhuần được ý nghĩa của màu áo, của chiếc băng thủ quân như Gerrard.


Từ cậu nhóc Merseyside đến thủ lĩnh Anfield.

Có một mô típ suy nghĩ thường thấy trong những cuộc bình bầu. Khi một nhóm cử ra những ứng viên đại diện cho họ, người ta thường mang tâm lý rằng, ứng viên ấy sẽ mang theo tinh thần của nhóm và sẽ làm tất cả cho lợi ích của nhóm. Với các cổ động viên Liverpool, hẳn họ sẽ hiểu rõ nhất điều này, bởi người đội trưởng của họ luôn chiến đấu cho tất cả những trái tim rung cảm trên sân Anfield.

Trong đầu Gerrard luôn có một mục tiêu lớn lao, đó là không để những người tin tưởng anh phải thất vọng. Khi Barcelona chuẩn bị chơi trận chung kết Champions League năm 1992, Johan Cruyff nói với các đồng đội rằng “hãy ra sân và tận hưởng bản thân”. Khi Manchester United bước vào màn so tài với Bayern Munich trong chung kết Champions League năm 1999, HLV Alex Ferguson kích thích vào hoài bão của các học trò: “Hãy thử tưởng tượng xem, cái cảm giác đi qua chiếc cúp ấy rồi mà không bao giờ chạm được vào nó.”

Còn Steven Gerrard, khi gọi các đồng đội lại tụ thành một vòng tròn trước hiệp hai trận chung kết 2005 tại Istanbul, anh nói: “Hãy nhìn người hâm mộ, hãy nghe người hâm mộ đi... Xem xem điều này có ý nghĩa đến thế nào với họ. Là tất cả đấy. Đừng có làm họ phải thất vọng. Các cậu không thể tưởng tượng nổi những gì sẽ nhận được từ người hâm mộ nếu chiến thắng đâu. Các cậu sẽ trở thành anh hùng trong suốt phần đời còn lại.”

Người thủ lĩnh đơn độc

Cựu danh thủ Thompson, người từng có nhiều năm làm trợ lý HLV tại Liverpool nhận định: “Gerrard đã gánh Liverpool trên vai trong nhiều năm qua.” Đó không còn là một nhận định mới mẻ. Người ta từng khéo léo ghép nhiều tấm ảnh để nói lên rằng, những ngôi sao có thể đến rồi đi, còn Steven Gerrard thì mãi ở lại. Michael Owen, Fernando Torres, Luis Suarez hay thậm chí là Robbie Fowler cũng chưa bao giờ gắn bó với Liverpool được tới trọn vẹn.

Trong cuốn tự truyện của mình, Craig Bellamy - người từng có nhiều năm thi đấu cho Liverpool - viết rằng Gerrard là một cầu thủ có thể làm mọi thứ trên sân cỏ, từ tấn công tới phòng ngự. Nhưng đi kèm với đó là là những gánh nặng lớn lao.

“CLB đòi hỏi rất nhiều từ cậu ấy.” – Bellamy viết. “Có những thời điểm anh ấy phải gánh vác cả đội. Đôi khi cậu ấy vượt trội hơn tất cả mọi người – kể cả cầu thủ như Xabi Alonso. Cậu ấy đảm đương quá nhiều trách nhiệm. CLB được đặt lên vai cậu ấy. Có những ngày chúng tôi biết để giành chiến thắng, Stevie sẽ phải chơi hay nhất có thể. Cậu ấy cũng hiểu điều ấy, và chừng đó là quá nhiều áp lực để gánh vác.”


Một mình bước đi cùng những gánh nặng.

Gerrard từng được Alex Ferguson so sánh với Roy Keane, từng được Zinedine Zidane so sánh với Claude Makelele. Quả thực anh khởi đầu sự nghiệp đội một trong vai trò một tiền vệ trụ thiên về đánh chặn, nhưng thật khó để nói rằng anh chơi bóng như Keane hay Makelele. Lý do thật đơn giản: những đàn anh nói trên thường chỉ có nhiệm vụ càn quét trước khi nhường lại trái bóng cho một nhân tài nào đó phân phối tấn công. Keane có Paul Scholes, Ryan Giggs, David Beckham. Makelele có Luis Figo, Guti, Zidane. Còn Gerrard thì chỉ có một mình.

Đáng tiếc cho Gerrard khi đã có hai thời điểm trong sự nghiệp, anh có được những đồng đội như ý trong một tập thể cạnh tranh ngôi vô địch, nhưng sự thiếu kiên nhẫn của nhiều bên khác nhau đã khiến anh và Liverpool không bao giờ được tận hưởng sự ổn định lâu dài. Lần thứ nhất là mùa giải 2008-09, lần thứ hai là mùa giải 2013-14.

Anh tự yêu cầu bản thân phải làm nhiều thứ hơn. Anh phải rê dắt như Giggs, tạt bóng như Beckham và chuyền dài như Scholes. Sau khi Owen ra đi và trước khi Fernando Torres đến, Liverpool không có một chân sút đẳng cấp, tự thân anh phải tìm cách ghi bàn. Anh muốn làm tất cả, vì trách nhiệm của chiếc băng đội trưởng, của một Kopite đích thực. “Bình tĩnh” không phải một từ trong tự điển của anh. Anh tự yêu cầu bản thân phải chạy thay cho tất cả.

Lại trích những gì Gerrard nói với đồng đội trong vòng tròn trước hiệp hai Istanbul 2005: “Hãy làm sao để mọi pha tranh chấp có ý nghĩa, mọi bước chạy có ý nghĩa, mọi cú sút có ý nghĩa. Hoặc không thì ta sẽ phải tiếc nuối đến cả đời.” Đó có lẽ chính là khẩu hiệu cho lối chơi của anh.

Sự thúc giục bản thân ấy đôi khi khiến cho anh mất kiểm soát. Tình huống cuối mùa giải 2013-14 có lẽ chính là hình ảnh minh họa tiêu biểu nhất. Từ một đường chuyền ngang của Mamadou Sakho, Gerrard phóng tầm mắt sang cánh bên kia, xác định sẽ chuyền cho Glen Johnson đang băng lên dọc biên phải và... đỡ hụt bóng. Một cầu thủ điềm tĩnh có thể sẽ nhanh chóng quay người và cứu bóng, nhưng adrenaline trong máu đã khiến anh bùng nổ, bước quá mạnh và trượt chân trước cú tăng tốc của Demba Ba. Mọi thứ còn lại đã là lịch sử.

Người thủ lĩnh của một thời kỳ đang khép lại

Có một điều mà không ai có thể phủ nhận, đó là Gerrard không chỉ đơn giản là một người làm những gì anh muốn làm, gánh vác những gì anh muốn gánh vác, mà là một nhân tài thực sự. Cho tới nay, Stevie vẫn là cầu thủ duy nhất ghi bàn trong cả 4 trận chung kết của UEFA Champions League, UEFA Cup, FA Cup và League Cup. Cú đánh đầu vào lưới AC Milan năm 2005 hay hat-trick vào lưới West Ham 2006 vẫn là những dấu ấn kinh điển.

Anh luôn là một ngôi sao biết tỏa sáng khi đội bóng cần nhất. Cú sút bóng sống từ ngoài vòng cấm địa vào lưới Olympiakos để đưa Liverpool tiến vào vòng 1/8 Champions League 2004-05 đến nay vẫn được coi như một trong những pha làm bàn kinh điển nhất sự nghiệp của anh. Mỗi trận đấu gặp những đại kình địch như Everton hay Manchester United là lại một lần anh hừng hực chiến đấu.


HLV Carlo Ancelotti: "Gerrard là một trong những tiền vệ hay nhất thế giới."

Sự nghiệp của anh là một chuỗi tháng năm chiến đấu bất tận, với chiếc gùi đựng hàng trăm nghìn tấn kỳ vọng trên vai.

Khi Kenny Dalglish giải nghệ, cổ động viên Liverpool cho rằng sẽ không bao giờ có một cầu thủ nào gây ảnh hưởng lên đội lớn hơn ông. Và giờ đây, họ rút lại câu nói đó, vì đã có Steven Gerrard.

Anfield rồi sẽ có một người đội trưởng khác, một số 8 khác, nhưng sẽ không bao giờ nguyên vẹn.

Dũng Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm