Đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 12-2019: Có mới nhưng không nới cũ

06/08/2019 07:47 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

Chú thích ảnh

(giaidauscholar.com) - Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 năm 2019 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức vừa thông qua danh sách 10 đề cử chính thức trên 4 hạng mục của giải gồm: Giải thưởng Lớn, Tác phẩm, Ý tưởng và Việc làm.

Khởi động Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần 12: Hơn một thập kỷ 'Vì tình yêu Hà Nội'

Khởi động Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần 12: Hơn một thập kỷ 'Vì tình yêu Hà Nội'

Mùa giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 12 do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức lại tới, đánh dấu bằng sự kiện chiều qua 24/7 khi Hội đồng Giám khảo họp phiên đầu tiên, để chuẩn bị cho Lễ trao giải (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 8 tới tại Hà Nội).

Phải khẳng định, gam màu chủ đạo của bức tranh tình yêu Hà Nội xuyên suốt 10 đề cử chính thức mùa giải năm nay là sự cân bằng giữa cổ và kim hoặc đan xen giữa hoài cổ và hiện đại, giữa cái đã mất đi và cái sẽ tiếp nhận. Nhưng tất cả đều đáp ứng tiêu chí của giải thưởng: “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội”.

Hoài cổ - hiện đại, cũ - mới đan xen

Hoài cổ và hiện đại, cuốn sách Một thời Hà Nội hát của tác giả Nguyễn Trương Quý đã dung hòa giữa văn chương và rất nhiều tư liệu quý giá về một Hà Nội ở giai đoạn bản lề trước và sau năm 1954 với phần trung tâm là các hoạt động âm nhạc mà cái tên Đoàn Chuẩn là một điển hình cho giai đoạn này. Như nhiều đánh giá, thông qua các sáng tác và các hoạt động âm nhạc của Đoàn Chuẩn trước và sau năm 1954, tác giả đã tái dựng một phần đời sống giải trí của Hà Nội, thấm đẫm phần hồn của Hà Nội.

Cũng hoài cổ và hiện đại, Kim Liên một thuở của tác giả Vũ Công Chiến được ví như cỗ máy thời gian, đưa người đọc trở về những năm tháng đầu tiên của một khu tập thể “mới nhất, khang trang nhất Hà Nội lúc bấy giờ”, đồng thời cho thế hệ trẻ một cái nhìn thật đẹp của người Hà Nội về tình nghĩa hàng xóm, về văn hóa, lối sống và cả cách suy nghĩ để có thể cảm nhận rõ ràng hơn về tuổi trẻ của cha ông ngày xưa.

Đó còn là cuốn Hà Nội quán xá phố phường của tác giả Uông Triều, với những tản văn, ký sự khắc họa rất sâu chân dung Hà Nội dưới sự chân thực, hồn nhiên của một người tự nhận “tỉnh lẻ” – một người có thể quan sát Hà Nội như thể lần đầu hội ngộ mà nhờ đó, mọi vướng víu xã giao thân sơ không cản được cảm xúc hứng thú, say mê.

Chú thích ảnh
Từ ý tưởng hồi sinh sông Tô Lịch, xây dựng và tổ chức giải đua F1 đến những tác phẩm như "Kim Liên một thuở", "Một thời Hà Nội hát"... chung quy đều "vì tình yêu Hà Nội".

Và, những gam màu đặc biệt ấy cũng thể hiện rất rõ ở những ý tưởng và việc làm.

Đó là nỗ lực khôi phục tên gọi tòa nhà "Bưu điện Hà Nội" thay cho cái tên VNPT Hà Nội với lý do “hình ảnh quen thuộc về tên gọi của công trình cũng như chiếc đồng hồ đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Thủ đô”. Lý do ấy khiến người ta nhớ đến một nhận xét, rằng bất cứ thứ gì quanh hồ Gươm đều gắn với hoài niệm, với ký ức của người dân Thủ đô...

Rồi, nhóm Kí họa đô thị Hà Nội với các hoạt động nhằm lưu giữ ký ức Thủ đô bằng tranh, tuy giản dị, khiêm nhường nhưng vẫn cho thấy tình yêu Hà Nội của hơn 3.000 thành viên, thuộc đủ mọi lứa tuổi và nghề nghiệp, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài. Cuối tháng 1 năm nay, họ biên soạn và ra mắt cuốn sách Tập thể cũ Hà Nội: Ký họa và hồi ức. Các tác giả muốn thông qua những nét vẽ của mình níu giữ lại chút ký ức về những tòa nhà cũ kĩ đầy kỉ kiệm với nhiều thế hệ người dân thủ đô. Dù có thể sẽ biến mất, nhưng khi còn ở đó, chúng vẫn có giá trị riêng, làm nên một Hà Nội đặc biệt, đáng để trân trọng, nâng niu.

Đừng để mất truyền thống

Giống như việc trả lại tên “Bưu điện Hà Nội”, ý tưởng “hồi sinh” sông Tô Lịch cho thấy sự quyết tâm của thành phố trong việc vừa muốn giữ lại một chứng nhân lịch sử của thủ đô, vừa tạo cảnh quanh xanh sạch, vừa chấm dứt ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân đang sinh sống dọc con sông này. Và ý tưởng ấy đã “đánh thức” rất nhiều tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài nước để cùng muốn góp công, góp sức.

Đặc biệt, ý tưởng xây dựng đường đua và tổ chức giải đua xe Công thức 1 tại Hà Nội, thoạt nghe không có gì hoài cổ và “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao”. Nhưng nếu phân tích kỹ, ý tưởng này vẫn nằm trong “đường ray” đi đến “tình yêu Hà Nội” – khi một công trình hiện đại sẽ xuất hiện giữa vẻ cổ kính, kết hợp với yếu tố lịch sử, văn hoá của Hà Nội góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch của thành phố. Nói như ông Chase Carey, Giám đốc điều hành Tập đoàn đua xe Công thức 1 (F1), đường đua F1 tại Hà Nội sẽ trở thành cú hích, đưa hình ảnh quảng bá Việt Nam ra thế giới.

Cuối cùng, dự án đào tạo, nghiên cứu Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội của Hội Kiến trúc sư Hà Nội, HealthBridge (Nhịp cầu sức khỏe - Canada) và Tổ hợp sáng tạo kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật AGOhub cũng rất được dư luận chú ý. Chú ý bởi từ lâu, chợ truyền thống có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống người dân Thủ đô. Nhờ yếu tố tiện lợi, việc mua bán tại chợ truyền thống đã ăn sâu vào tâm lý, thói quen tiêu dùng của người dân. Do vậy, việc cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại, nhưng vẫn bảo đảm các yếu tố về văn hóa là giải pháp cần được đặt lên hàng đầu.

Và, thông qua các khảo sát chuyên sâu, các kiến trúc sư đề xuất những giải pháp giúp khu chợ trở nên hấp dẫn hơn; đồng thời, bảo đảm khả năng tiếp cận của cộng đồng, tiếp tục là không gian mua bán - sinh hoạt của cộng đồng dân cư, song vẫn bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, việc vận hành các gian hàng hiệu quả

Thực ra không chỉ trong khuôn khổ giải Bùi Xuân Phái, tâm lý hoài cổ không phải bây giờ mới có mà luôn luôn xuất hiện ở mọi thời kỳ, mọi lúc, mọi nơi và trong bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi và đang sống ở đâu.

Nói như nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng giám khảo: “Tâm lý ấy cho thấy, mọi người luôn cho rằng, có một Hà Nội rất đáng gìn giữ, ghi lại trong ký ức, không nên đánh mất đi, không mải chạy theo những cái mới một cách lố bịch, phiến diện. Hà Nội như thế mới lưu giữ trong đầu óc con người ta những điều đẹp nhất, cân bằng nhất giữa cổ và kim, giữa cũ và mới, giữa cái đã mất đi và cái sẽ tiếp nhận của tương lai. Trong khuôn khổ giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái, các đề cử mùa giải năm nay đã thể hiện được bức tranh thấm đượm một tình yêu Hà Nội như thế”.

Lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao &Văn hóa (TTXVN) dự kiến cuối tháng 8/2019 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội

Danh sách Đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 12 năm 2019

I. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI (1 đề cử, chưa công bố)

II. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Sách Một thời Hà Nội hát của Nguyễn Trương Quý – góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội qua âm nhạc của Đoàn Chuẩn.

2. Sách Kim Liên một thuở của Vũ Công Chiến – ký ức dung dị về đời sống Hà Nội trong quá khứ ở các khu tập thể cũ.

3. Sách Hà Nội quán xá phố phường của Uông Triều – bức tranh Hà Nội trong ẩm thực.

III. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Nhóm kí họa đô thị Hà Nội với các hoạt động nhằm lưu giữ ký ức Hà Nội bằng tranh.

2. Các hoạt động tích cực của TP Hà Nội và cả cộng đồng nhằm khẳng định vị thế và quảng bá hình ảnh Hà Nội “thành phố vì hòa bình”.

3. Nỗ lực yêu cầu khôi phục tên gọi tòa nhà "Bưu điện Hà Nội" ở Hồ Hoàn Kiếm.

IV. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

1. Quyết tâm làm "hồi sinh" sông Tô Lịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng người dân Hà Nội.

2. Xây dựng đường đua xe Công thức 1 và đăng cai tổ chức giải đua vào 4-2020.

3. Dự án đào tạo, nghiên cứu Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội với sự tham gia của KTS Steve Davies.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm