Nhà văn Trương Quý: Từ một kiến trúc sư đến một 'thư viện sống' về Hà Nội

13/08/2019 07:26 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

Chú thích ảnh

  (giaidauscholar.com) - Từ ngày “Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” ra đời cho đến nay, cái tên Nguyễn Trương Quý đã một vài lần xuất hiện trong Danh sách đề cử chính thức với những tác phẩm, việc làm "thấm đượm một tình yêu Hà Nội". Nhưng anh chưa từng đoạt giải. Và, ở mùa giải lần thứ 12 này, Quý lại có tên ở đề cử cho hạng mục Tác phẩm với cuốn Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca.

Công bố Đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 12-2019: Những tình yêu vừa hoài cổ, vừa hiện đại

Công bố Đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 12-2019: Những tình yêu vừa hoài cổ, vừa hiện đại

Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 năm 2019 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức vừa thông qua danh sách 10 đề cử chính thức trên 4 hạng mục của giải gồm: Giải thưởng Lớn, Tác phẩm, Ý tưởng và Việc làm.

Yêu Hà Nội là một quá trình

Quý có bằng kiến trúc sư trong tay, nhưng lại "dại dột" đi theo văn chương. Nhưng với Quý, chuyện theo đuổi nhiều việc trong cuộc đời đã càng làm cho cuộc sống của anh phong phú. Ngay việc viết, Quý vẫn dành nhiều câu chữ liên quan đến góc nhìn kiến trúc. Bởi thế, nhiều khi được mời tham gia hội đồng chấm một số giải thưởng kiến trúc, ban tổ chức ghi tên Nguyễn Trương Quý là nhà văn. Ngược lại, khi tham dự các buổi tọa đàm văn học, chủ tọa lại hay nhấn mạnh rằng, Quý là kiến trúc sư.

Như lời Quý, anh đến với văn chương từ những trang sách đọc hồi bé. Rồi sau này đi thi học sinh giỏi, học chuyên văn trường Hà Nội-Amsterdam, văn chương giống như một người quen. Vào giai đoạn mới lớn, anh lại yêu thích hội họa, đến giờ anh vẫn vẽ tranh, và luôn mong muốn có những khoảng lặng để tập trung vào vẽ. Còn kiến trúc thì dĩ nhiên là một chuyên ngành được đào tạo, nó cung cấp cho anh một tư duy về cấu trúc ngay trong việc viết.

Suy cho cùng, với Quý, mỗi lĩnh vực đem lại một phương tiện để anh tìm hiểu và diễn đạt về Hà Nội theo cách của mình.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Trương Quý và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (bên trái) hơn 20 năm trước. Ảnh: FB nhân vật

Nhiều người gọi Quý là người “biên niên” về Hà Nội, hay "người đi tìm tấm thẻ căn cước cho Hà Nội". Cũng không có gì ngoa ngôn khi khen Quý thế. Bởi khi còn bé, anh thường có sự quan tâm đến khung cảnh mình đang sống và rất chú ý đến những chi tiết của đô thị, từ các ngôi nhà, di tích, đến đặc trưng các công trình nhận diện Hà Nội. Và Quý thấy, có một lịch sử, một dòng chảy đời sống đằng sau những đặc điểm đó khiến anh tò mò muốn tìm hiểu. Sau này, các câu chuyện cứ thế được bồi đắp như một thao tác thường nhật. Ngày nào anh cũng đọc một thứ gì đó liên quan đến Hà Nội. Lâu dần anh thu nạp thành một “thư viện”.

Dĩ nhiên, với Quý, quá trình này không bao giờ là đủ vì có rất nhiều thứ mình còn chưa biết. Còn rất nhiều điều mới lạ, kể cả trong quá khứ lẫn đang diễn ra để kích thích anh khám phá tiếp. Quan trọng là quá trình ấy giúp anh có nhiều niềm vui!

Tất nhiên khi Quý viết về xung quanh thì góc quan sát khách quan là điều quan trọng, nhưng cái hấp dẫn, cái bộc lộ cá tính người viết chính là những nhận định mang tính cá nhân. Là một trong cả chục triệu người đang sống ở đây, nên cái tôi của mình có sự tương tác và ảnh hưởng từ môi trường sống ấy. Nhưng Quý luôn muốn mình lùi lại đằng sau các nhân vật của mình. Dù họ là nhân vật hư cấu hay có thật, họ luôn có sự phát triển nội tại, như vậy mới có cơ hội tạo ra những bất ngờ.

Chú thích ảnh
Nhà văn Trương Quý và nhà thơ Phan Vũ, người đã được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái lần 11-2018 ở hạng mục Tác phẩm cho tập "Ta còn em". Ảnh: FB nhân vật

Hà Nội còn đang trong quá trình khám phá chính mình

Nhiều người bảo Quý, Thủ đô hàng trăm năm qua thiên hạ đã nói, đã viết, đã nghiên cứu hết rồi, còn gì để khai thác, đào xới nữa đâu!? Quý phản biện rằng, sự phát triển của Hà Nội nhanh hơn tốc độ tiếp cận của người viết ngày nay. Ngay mỗi thời lại có một cách tiếp cận chủ đề Hà Nội khác nhau.

"Đừng tưởng lầm rằng “đã nói hết rồi” – còn rất nhiều khoảng mênh mông lịch sử và xã hội ở Hà Nội cần được mổ xẻ thấu đáo. Phương pháp nghiên cứu được cập nhật đem lại cái nhìn khách quan, mang tới một khả năng giải mã các vấn đề đô thị hợp lý hơn, từ đó giúp cho việc nhìn ra quy luật phát triển và dự báo tương lai cho quy hoạch khả thi hơn" – Nguyễn Trương Quý nói.

Anh cho rằng, "về mặt nghiên cứu đô thị học, đến giờ các nghiên cứu có tính khoa học vẫn chưa thỏa mãn người đọc, nhất là các dữ kiện mà chính sử bỏ qua, đặc biệt là sự kết nối giữa các nghiên cứu và văn chương không tạo ra một hệ thống thông tin tin cậy. Từng là một người làm biên tập, tiếp xúc khá nhiều tác phẩm và bản thảo về Hà Nội, sau này lại theo đuổi nghiên cứu về hình thái không gian đô thị qua các sản phẩm giải trí đại chúng, tôi nhận thấy các trước tác về Hà Nội vẫn mạnh về phẩm chất phong tục, ghi chép. Vẫn còn rất nhiều việc cho những người viết để cấu hình một cách khoa học hoặc đạt được những tầng sâu tư duy trong cách tiếp cận chủ đề Hà Nội. Hơn nữa, những nỗ lực tìm tòi của mỗi người viết giúp tránh các lối mòn".

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Trương Quý tại một sự kiện ra mắt sách ở Ơ kìa Hà Nội hồi tháng 3/2019. Ảnh: Huy Thông

* Anh từng cho rằng: Hà Nội là một đô thị hiếu sự và lạ lùng. Nó đang trên đà sinh trưởng, không già cỗi và chết dần chết mòn như một số thành phố khác trên thế giới. Vì sao vậy, thưa anh?

- Có một điều thực ra không mấy dễ chịu: rất có thể vài thập niên sau, hình dung về Hà Nội hoàn toàn không như chúng ta mong muốn hoặc như chúng ta đang xây dựng. Dễ hiểu khi là thủ đô của một nước đang có nền kinh tế “nóng”, Hà Nội có nhiều năng lượng để biến đổi. Nó hãy còn đang trong quá trình khám phá chính mình.

Người Hà Nội và cả những luồng cư dân mới đến thực sự giúp cho đô thị này có sức sống, họ tạo ra một lực vận động cho những dòng chảy kinh tế xã hội. Tất nhiên cũng phải nói đến sự đầu tư và kỳ vọng của các bên dành cho vị trí Thủ đô.

* Hà Nội có những giá trị quá vãng đã hoàn thành nhiệm vụ của nó rồi, và như anh nói không nên níu kéo khiên cưỡng nữa. Trong khi đó, nhiều người vẫn kỳ vọng Hà Nội ở một giá trị đặc biệt. Như vậy có khó khăn quá không, theo anh?

- Thật ra, những kỳ vọng gọi là “đặc biệt” không có gì quá ghê gớm. Tôi cảm nhận là mọi người mong muốn xây dựng một thành phố có môi trường cảnh quan hài hòa, đạt những tiêu chuẩn sống bền vững, và tồn giữ được những đặc trưng văn hóa riêng. Đó cũng là những nhu cầu phổ quát cho mọi nơi chốn. Lẽ dĩ nhiên để làm tốt việc đó không dễ dàng, nhưng xét cho cùng những phản biện và kỳ vọng cũng là động lực để phát triển.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Trương Quý. Ảnh: Huy Thông

Tìm lại chân dung đô thị Hà Nội

* Qua cuốn tản văn “Mỗi góc phố một người đang sống” (NXB Trẻ, 2015), anh có một vệt bài đi đi lại lại quanh chủ đề người ta hình thành nên ý niệm Hà Nội là quy tâm trong âm nhạc, trong nghệ thuật. Anh có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Trước khi in cuốn Mỗi góc phố một người đang sống, tôi đã có mong muốn tìm hiểu sâu hơn cơ chế tạo ra ý niệm thẩm mỹ trong việc viết về chủ đề Hà Nội của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, việc này cần một phương pháp làm việc khoa học hơn mức tập hợp các bài viết có tính ghi chép hoặc tản mạn. Trong quá trình đó, tôi thấy mình cần phải… đi học.

Hai năm không ra sách, tôi rất sốt ruột, nhưng quả thực, việc học giúp tôi có động lực đọc một cách có nền tảng và tư duy theo vấn đề sâu hơn. Tôi đã có ý định in tập hợp những bài nghiên cứu trong quá trình học, gồm cả một bài phát triển từ luận văn, nhưng rồi bài viết dài hơi trong đó đã được phát triển thành cuốn sách độc lập, chính là cuốn “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca”.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Một thời Hà Nội hát" của Nguyễn Trương Quý

Ở đây, cũng cùng mạch với những bài viết về việc hình thành ý niệm Hà Nội là quy tâm trong tân nhạc và giải trí, tôi muốn khảo cứu về cơ chế tạo dựng nền các huyền thoại đô thị, thông qua nhân vật nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và không gian văn nghệ giai đoạn Hà Nội trước và sau năm 1954. Tôi muốn chỉ ra rằng, đô thị Hà Nội quyến rũ nhiều thế hệ, kể cả những người không ở đây, là nhờ những huyền thoại văn nghệ có khả năng thắp lên những cảm xúc đẹp đẽ, vun đắp một phẩm chất lãng mạn... Tôi cũng sẽ trở lại với những tìm tòi này trong các cuốn sách tiếp theo.

* Trong cuốn sách mới nhất của anh, “Một thời Hà Nội hát”, cách tiếp cận độc đáo riêng của anh về quá khứ Hà Nội là thông qua âm nhạc và con người Đoàn Chuẩn hẳn là không dễ?

- Khi tôi bắt đầu viết về Đoàn Chuẩn, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều xem nên triển khai ở hướng nào: chân dung nghệ sĩ, đặc điểm nghệ thuật các tác phẩm, biên niên giai đoạn lịch sử chuyển tiếp của Hà Nội… Bản thân tôi đã từng gặp nhạc sĩ Đoàn Chuẩn từ hồi ông còn sống, cách đây 23 năm, và thu thập nhiều thông tin, văn bản liên quan đến ông. Tôi cũng đã viết vài bài báo hay tiểu luận nhỏ về các bài hát nổi tiếng của Đoàn Chuẩn - Từ Linh cũng như giai đoạn “nhạc tiền chiến” trước 1954.

Nhưng, phải đến khi có một phông kiến thức về vấn đề đặc điểm văn hóa không gian đô thị nhờ việc đi học, và qua trao đổi với những người bạn cùng yêu thích đề tài này, tôi mới đi đến một hướng nghiên cứu về bối cảnh văn hóa của đô thị, nhất là cơ chế tạo nghĩa cho các huyền thoại đô thị - mà ở đây, Đoàn Chuẩn là đại diện hội tụ nhiều khía cạnh của Hà Nội giai đoạn giao thời vẫn còn ảnh hưởng đến nay.

Tôi đã khảo sát ít nhất mười lăm tờ báo giai đoạn 1945-1956, xem các mục quảng cáo ca nhạc hay chương trình phát thanh từng ngày một, tính ra hơn 5 vạn số báo, chưa kể hàng trăm tập nhạc, tờ rơi quảng cáo phim ảnh hoặc các tác phẩm liên quan về văn học, khảo cứu, các văn bản nghị định. Song giữa mênh mông các thông tin đó, Đoàn Chuẩn lại là cái tên ít xuất hiện! Nhưng sự vắng bóng ấy lại có thể giải thích nhiều điều, chẳng hạn sự ẩn mình và coi âm nhạc như một thú chơi hơn là để quảng bá tên tuổi hay kiếm sống của ông.

Bên cạnh đó, tôi tiếp xúc với các con của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn như các ông Đoàn Đính, Đoàn Liêm, và tìm được anh Hà Thạch An, con trai đồng tác giả Từ Linh. Nhiều tư liệu quý tôi đã khai thác được chính ở nhà của con trai Từ Linh.

Chú thích ảnh
Đoàn Chuẩn và Từ Linh thời còn trẻ

Trong quá trình đi tìm lại chân dung đô thị Hà Nội giai đoạn tạm chiếm, tôi gặp được nhiều người Hà Nội thời ấy, những tay chơi một thuở, những giai nhân đã lui vào bóng tối, những câu hỏi bật ra trong tôi về việc vai trò của họ trong việc tạo ra một sức mê luyến của đời sống văn hóa Hà thành. Dĩ nhiên, phải nói tới trước hết là niềm yêu thích những bài ca của Đoàn Chuẩn - Từ Linh như Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều, Gửi người em gái miền Nam, Vàng phai mấy lá… mà sau khi gặp Đoàn Chuẩn và bà Xuyên vợ ông, tôi mới biết quá nửa những bài hát ấy viết sau năm 1954. Nghĩa là tôi luôn gặp được những bất ngờ, nhất là biết được một giai đoạn ngắn sau khi tiếp quản, Hà Nội vẫn duy trì một đời sống giải trí của thị dân có sự đa dạng.

Tôi cũng may mắn tìm được NSƯT Lê Hằng, tức ca sĩ Thanh Hằng của rạp Đại Đồng năm 1955, nàng thơ của Đoàn Chuẩn thời ấy. Tôi rất cảm động trước sự thanh xuân của người nghệ sĩ khi nhắc đến âm nhạc.

Tôi phải nói rằng, việc gặp được vợ chồng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vào năm tôi 19 tuổi đem lại cho tôi một ấn tượng về một quá khứ Hà Nội vẫn còn sống động và hấp dẫn.

* Thêm một câu hỏi nhỏ và cuối cùng: Những "tình yêu" sắp tới anh dành cho Hà Nội là gì?

- Tối dự kiến sẽ làm sách và công trình như: Du khảo về văn hóa ăn mặc của thị dân Hà Nội. Đặc biệt tập trung vào hành vi văn hóa thông qua những lối sống thường nhật của nam giới thành thị.

Ngoài ra là tập truyện về nơi chốn và tha hương. Những con người Hà Nội lưu lạc, dù phủ nhận hay níu kéo, vẫn dành mối bận tâm về nơi ra đi.

Và đó còn là Du khảo về các hội nhóm tân nhạc và văn hóa Hà thành. Đây có thể xem như phần tiếp theo của Một thời Hà Nội hát.

*Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Vài nét về tác giả Nguyễn Trương Quý

Sinh năm 1977, Nguyễn Trương Quý tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và từng làm nghề kiến trúc sư. Tuy nhiên, đam mê văn học, anh đã cầm bút, và hầu tất sự nghiệp viết lách của anh cho đến thời điểm này đều xoay quanh những vấn đề liên quan đến Hà Nội với những tác phẩm như: Tự nhiên như người Hà Nội (NXB Trẻ, 2004); Ăn phở rất khó thấy ngon (NXB Trẻ, 2008); Hà Nội là Hà Nội (NXB Trẻ, 2010); Xe máy tiếu ngạo (NXB Trẻ, 2011); Còn ai hát về Hà Nội (NXB Trẻ, 2013); Dưới cột đèn rót một ấm trà (NXB Trẻ, 2013); Mỗi góc phố một người đang sống (NXB Trẻ, 2015); Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (NXB Trẻ, 2018)

Đề cử hạng mục Giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội 2019

1. Sách Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca của Nguyễn Trương Quý – góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội qua âm nhạc của Đoàn Chuẩn.

2. Sách Kim Liên một thuở của Vũ Công Chiến – ký ức dung dị về đời sống Hà Nội trong quá khứ ở các khu tập thể cũ.

3. Sách Hà Nội quán xá phố phường của Uông Triều – bức tranh Hà Nội trong ẩm thực.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm