16/02/2022 08:08 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - nghiên cứu viên cấp cao Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây không chỉ tác động đến nền kinh tế Nga, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới công việc làm ăn của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nhận định tình hình căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa Nga và phương Tây có nguồn gốc sâu xa từ sau Chiến tranh Lạnh. Khi Liên Xô tan rã, Mỹ và đồng minh thiết lập trật tự tại châu Âu, trong đó Mỹ đóng vai trò đầu tàu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng vai trò trọng tâm như một công cụ điều tiết chính trị - quân sự trong cấu trúc an ninh châu Âu được thiết lập theo các quy tắc của họ. Nga với các điều kiện đặt ra khi đó đã không trở thành một phần của phương Tây.
Dù Nga không hài lòng với vị trí của mình nhưng cũng phải chấp nhận với các điều kiện thực tế khi đó. Khi thời cuộc thay đổi, sức mạnh và vị trí địa chính trị của Nga ngày càng gia tăng, và đương nhiên để tăng cường an ninh của mình, Nga muốn cân bằng ảnh hưởng và muốn có vị trí xứng đáng trong hệ thống an ninh châu Âu. Ngoài ra, Nga và phương Tây đang có sự khủng hoảng lòng tin lẫn nhau nghiêm trọng, đây là căn nguyên sâu xa của những đợt căng thẳng địa chính trị kéo dài.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của phương Tây có tác động lớn đến kinh tế và môi trường đầu tư của Nga. Trong đó, tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đến hệ thống tài chính sẽ nặng nề hơn: như có thể tạo ra các vấn đề đối với việc tiếp cận thị trường thế giới của các ngân hàng Nga, ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT, đưa ra lệnh cấm giao dịch với chứng khoán nợ của Nga và cấm các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào các dự án năng lượng của Nga.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Hùng, để đối phó với những vấn đề này, Nga cũng đã và đang tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống thanh toán quốc gia, tạo ra giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán được gọi là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính đề phòng trường hợp bị ngắt kết nối với SWIFT, phát triển đồng ruble kỹ thuật số, giảm tỉ lệ USD nền kinh tế, xem xét khả năng hợp pháp hóa các đồng tiền ảo. Tất cả những biện pháp tiền tệ - tài chính này nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây và giúp ổn định kinh tế vĩ mô của Nga.
Ngoài ra, nền kinh tế của Nga có khả năng tự chủ và khả năng chống chịu cao. Năm 2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga ước tính tăng 4,2%, sản xuất công nghiệp vào cuối năm 2021 được báo cáo đã tăng 5,3% (năm 2020 giảm 2,1% so với năm 2019). Thực tế cho thấy, Nga có cơ hội để hiện đại hóa và đa dạng hóa, cơ cấu lại nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào tài nguyên. Nga sẽ đi sâu hơn, đầu tư nhiều hơn nhằm tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo của các ngành trong nền kinh tế vốn rất có tiềm năng.
Đánh giá bối cảnh hiện nay tác động đến công việc kinh doanh của cộng đồng người Việt Nam tại Nga, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho rằng trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Nga có thể chậm lại đáng kể do ảnh hưởng của việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nga và chính sách củng cố tài khóa. Ngoài ra, sẽ có thêm rủi ro liên quan đến việc thắt chặt chế độ trừng phạt.
Ông nhấn mạnh: “Xu hướng chính vào năm 2022 sẽ là sự kết thúc của thời kỳ lạc quan và hoạt động kinh tế và quay trở lại mô hình phòng vệ của các doanh nghiệp, công dân và của chính nhà nước khi đối mặt với sự gia tăng kinh tế và các rủi ro bên trong và bên ngoài”. Theo ông, mối đe dọa của các biện pháp trừng phạt mới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, cũng như diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 sẽ tạo áp lực đối với nền kinh tế Nga nói chung và sự biến động khó lường của tỉ giá đồng ruble nói riêng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, điều này tác động trực tiếp tới tình hình kinh doanh buôn bán của người Việt tại Nga. Thu nhập của người dân Nga giảm sau một thời gian kinh tế sụt giảm và đình trệ nên sức mua của người Nga kém đi, thói quen mua bán cũng có nhiều thay đổi, các hình thức mua bán trực tuyến trở nên phổ biến hơn.
Ngoài ra, vẫn có những lo ngại ở một số nhóm nhất định về an toàn trong dịch bệnh. Do đó, hoạt động kinh doanh tại chợ, cũng như kinh doanh hàng ăn, vốn rất phát triển trước đại dịch, nay bắt đầu chững lại, chỉ mang tính cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng đánh giá khối sản xuất của người Việt Nam tại Nga thu được kết quả khả quan hơn trong giai đoạn này. Mặc dù tình hình tại Nga còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng, người Việt tại Nga luôn năng động và nắm bắt tốt xu thế, cũng như chuyển đổi mô hình kinh doanh, sẽ vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, ổn định cuộc sống.
Nhận định về những kịch bản có thể xảy ra xuất phát từ tình hình căng thẳng hiện nay trong quan hệ Nga - phương Tây, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng tin rằng chiến tranh sẽ không xảy ra. Ông cho biết: “Tôi là người lạc quan nên chỉ nhìn thấy một kịch bản duy nhất là sẽ không xảy ra chiến tranh. Tôi vẫn tin vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển”. Theo ông, không bên nào có lợi ích nếu như cuộc chiến xảy ra, một cuộc chiến không có người thắng cuộc.
Theo ông, về lâu dài các bên phải tăng cường đối thoại và xây dựng các cơ chế củng cố lòng tin lẫn nhau, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển sẽ chiến thắng.
Trần Hiếu/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất