29/08/2017 21:24 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà tại huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà theo quy định hiện hành; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chùa Bổ Đà ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) - danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, đây cũng là nơi tu luyện và đào tạo tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế và bảo lưu giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo của người Việt. Chùa Bổ Đà tọa lạc trên vùng đất linh thiêng thuộc dãy Bổ Đà gắn liền với truyền thuyết người tiều phu đốn củi và Phật Bà Quan Âm Bồ Tát ứng hiện cứu đời.
Chùa Bổ Đà tương truyền có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và mở rộng vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729), gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: Chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn tháp, ao Miếu và khu vườn chùa.
Hiện nay, chùa Bổ Đà còn là nơi bảo lưu hơn 40 pho tượng Phật, trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX) như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Sen, tòa Cửu Long, tượng Tam Châu… Ngoài ra còn có các pho tượng bài trí theo tín ngưỡng thờ Nho Giáo, Đạo Giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa như: Thạch Linh Thần Tướng, tượng Lão Tử, Khổng Tử, thể hiện rõ dấu ấn tam giáo đồng nguyên. Đây là một trong những điểm khác biệt trong thờ tự của chùa Bổ Đà với các ngôi chùa khác trong cả nước. Hệ thống tượng phật tác chất liệu gỗ, sơn thếp đến nay còn nguyên vẹn, có giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, tôn giáo.
Chùa Bổ Đà là nơi tu hành của các tăng ni và đào tạo các tăng đồ theo Thiền phái Lâm Tế trong hơn 300 năm. Đặc biệt, tại chùa Bổ Đà đang bảo lưu 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính. Mộc bản có niên đại sớm nhất được san khắc vào năm 1740, và muộn nhất vào những năm của thế kỷ XX.
Trải qua nhiều thế kỷ, bộ kinh viện hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn, thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam thuộc dòng Thiền Lâm Tế. Các ván kinh được khắc trên gỗ thị vừa bền, không cong vênh và rất nhẹ.
Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, nay vẫn sắc nét. Đây là kho di sản tư liệu quý giá không chỉ về lịch sử Phật giáo mà còn có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện: Lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, văn học, mỹ thuật, y học…
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất