Châu Âu trước nguy cơ rủi ro về an ninh năng lượng

27/10/2021 19:11 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đang là mối lo chung của nhiều chính phủ, doanh nghiệp và người dân châu Âu. Thế nhưng, việc hội nghị EU vẫn chia rẽ về cách ứng phó đã đặt ra nhiều thách thức cho nỗ lực ứng phó với khủng hoảng năng lượng của liên minh này.

EU kêu gọi hỗ trợ người tiêu dùng trong cuộc khủng hoảng năng lượng

EU kêu gọi hỗ trợ người tiêu dùng trong cuộc khủng hoảng năng lượng

Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) giải ngân các quỹ hỗ trợ dành cho những người tiêu dùng chịu ảnh hưởng do việc tăng giá ga và điện tại châu Âu.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng năng lượng  

Châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu, đang chứng kiến giá bán buôn năng lượng tăng chóng mặt, chủ yếu do giá khí đốt giao ngay tăng cao. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng năng lượng tại EU đã manh nha từ mùa Đông năm ngoái, khi thời tiết giá lạnh bất thường khiến nhu cầu sưởi ấm tăng vọt, làm giảm nghiêm trọng lượng khí đốt dự trữ xuống mức đáng lo ngại là 30% vào tháng 3.

Đến mùa Xuân, nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, hoạt động kinh doanh và tiêu dùng tại châu Âu tăng trở lại, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Nhu cầu tiếp tục gia tăng trong mùa Hè vừa qua khi thời tiết nóng bức khiến người dân sử dụng điều hòa và các hệ thống làm mát nhiều hơn. Trong khi đó, nhu cầu tăng không đi kèm với sự gia tăng dòng khí đốt của Nga, Na Uy và Algeria cung cấp cho châu Âu.   

Một lý do nội tại nữa là EU thu hẹp sản xuất điện từ than, do đó các nhà máy điện buộc phải tăng dùng khí đốt, trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Thuế bảo vệ môi trường áp lên các nguồn năng lượng hóa thạch cũng làm tăng giá khí và điện bán ra ở châu Âu.   

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Dễ dàng nhận thấy cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu là hệ quả của nhiều yếu tố, từ nhu cầu tăng cao, nguồn cung hạn chế và bị phụ thuộc cho tới chính sách năng lượng của các chính phủ. Ngoài ra, việc thiếu các kho vận chuyển khí hóa lỏng LNG từ nơi sẵn có (Mỹ) đến nơi đang thiếu hụt như châu Âu và châu Á cũng là một vấn đề. Do sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng cơ sở vật chất cho quá trình này, sự thiếu hụt năng lực dự phòng của các kho ở Mỹ dự kiến sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2025.    

Đặc biệt trong những tuần gần đây giá khí đốt châu Âu đã tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và phí đánh vào khí thải CO2 tăng cao khi các nền kinh tế dần thoát khỏi đại dịch COVID-19. Các nhà phân tích tại Deutsche Bank lưu ý rằng giá khí đốt ở châu Âu hiện đã tăng gấp 5 lần. Thậm chí, để diễn tả sự chuyển động đột biến của giá năng lượng tại châu Âu, người ta đã liên tưởng đến kịch bản khi giá dầu được giao dịch quanh ngưỡng 200 USD/thùng (so với mức hiện nay chỉ khoảng 80 USD/thùng).

Theo nhận định của EC, giá khí đốt bán buôn sẽ vẫn tiếp tục ở các mức cao trong suốt mùa Đông năm 2021-2022. Đồng quan điểm này, ngân hàng JPMorgan cũng đã nâng dự báo giá khí đốt trung bình hàng năm trong năm 2022 thêm 1,70 USD/MMBtu, lên mức 4,81 USD/MMBtu kèm lời nhận xét: “Sự tăng giá ở mức không thể tưởng tượng, trong khi giảm giá rất hạn chế”.   

Cùng với việc giá khí đốt tăng cao, giá điện tại EU cũng tăng “phi mã”. Giá điện ở Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Italy đã tăng gấp ba lần, phần nào cho thấy tình hình giá năng lượng tăng cao trên khắp EU trong những tuần gần đây. Nguyên nhân khiến giá điện ở châu Âu tăng cao là sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ lượng khí tự nhiên dự trữ thấp, sản lượng điện gió và Mặt Trời không đáng kể cho đến hoạt động bảo dưỡng khiến các nhà máy điện hạt nhân và nhiều nhà máy khác phải ngừng hoạt động. Chi phí điện tăng mạnh đã làm dấy lên những lo ngại về một mùa Đông đầy khó khăn trước mắt, khi nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình sẽ đẩy lượng điện tiêu thụ lên mức cao điểm theo mùa.     

Giá khí đốt và điện tăng cao ảnh hưởng tức thì đến các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phải chịu chi phí gần như gấp đôi. Tình trạng này dẫn đến giá sản xuất tăng, mức tăng mà một số công ty sẽ không thể - hoặc không hoàn toàn có thể - chuyển sang cho khách hàng của họ. Một số doanh nghiệp thậm chí đã tính đến khả năng phải cắt giảm ngân sách đầu tư của họ cho năm 2022.

Tình trạng tăng giá năng lượng cũng gây ra áp lực lớn cho nhiều công dân tại EU vốn đã phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Giá năng lượng tăng cao cũng đe dọa làm suy yếu nỗ lực của EU hướng tới một tương lai carbon thấp, liên quan đến sự chuyển đổi sâu sắc của nhiều lĩnh vực khiến cho người dân châu Âu phải chi phí nhiều hơn.    

Giá khí đốt và giá điện tăng cao cũng gây ra căng thẳng giữa các nước EU về quá trình chuyển đổi năng lượng, với một số ý kiến cho rằng các chính sách xanh mới có thể làm tăng chi phí điện và khí đốt của người tiêu dùng. Châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt để sản xuất điện và rất khó để từ bỏ việc sử dụng khí đốt trong ngắn hạn.

Chú thích ảnh
Công trình xây dựng đường ống dẫn năng lượng xuyên biên giới Canada - Mỹ Line 5 ở gần St.Ignace, bang Michigan (Mỹ). Ảnh: AP/TTXVN

EU vẫn chia rẽ về cách ứng phó   

Nhằm làm chậm đà tăng giá khí đốt trong ngắn hạn, theo đề xuất của Pháp và Tây Ban Nha, EC đã đưa ra một gói biện pháp trong đó tái cơ cấu thị trường năng lượng của EU, khuyến khích các quốc gia thành viên cắt giảm thuế và các khoản phụ thu vốn chiếm khoảng 30% hóa đơn năng lượng. Với kế hoạch cải cách mới, các nước thành viên EU có thể giảm bớt gánh nặng thuế cho các hộ gia đình có thu nhập thấp khi tiến hành điều chỉnh hệ thống thuế để xanh hóa việc sử dụng năng lượng trong những năm tới, giảm bớt tính chi phối của khí đốt đối với giá năng lượng.   

Trước mắt, EC đã xác định mức giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho điện năng, cũng như xác định mức độ trợ cấp cho doanh nghiệp và hộ gia đình chịu ảnh hưởng do việc tăng giá khí đốt và điện. EU cũng đang lên kế hoạch lập kho dự trữ khí đốt chiến lược của khối. Về dài hạn, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng EU cần đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, qua đó có thể giúp liên minh này không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu, đồng thời có thể bình ổn giá năng lượng. Đối với giá điện, chính phủ các nước châu Âu đang tập trung các nỗ lực nhằm hỗ trợ người dân đồng thời tiến hành đánh giá kỹ lưỡng thị trường điện ở châu Âu và có các biện pháp giúp ổn định giá cả.     

Mặc dù vậy, những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng tại EU đã gặp trở ngại khi tại cuộc họp khẩn ngày 26/10, Bộ trưởng Năng lượng 11 quốc gia EU đã bác đề xuất của Pháp và Tây Ban Nha về cải cách thị trường khí đốt.    

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Sara Aagesen cho rằng cần phải cải cách thị trường năng lượng EU và các quốc gia thành viên của khối nên có quyền lựa chọn mua khí đốt chung nhằm giải quyết tình trạng giá điện tăng cao kỷ lục. Chung quan điểm với Tây Ban Nha, Pháp cũng mong muốn tái cơ cấu thị trường năng lượng của EU để giảm bớt tính chi phối của khí đốt đối với giá năng lượng.     

Tuy nhiên, trong tuyên bố chung đưa ra, 9 quốc gia trong đó có Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Ireland, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Điển và Bỉ đã bày tỏ phản đối việc cải cách thị trường năng lượng EU. Tuyên bố chung nhấn mạnh: "Thị trường khí đốt và điện nội khối của EU đã từng bước được thiết lập trong nhiều thập kỷ qua. Các thị trường cạnh tranh đóng góp cho sự đổi mới, an ninh nguồn cung và do đó là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hướng tới tham vọng của EU về một tương lai ít thải khí carbon".   

Theo giới phân tích, sự chia rẽ về cải cách thị trường năng lượng trong bối cảnh hiện này được dự báo sẽ đặt ra nhiều rủi ro an ninh cho năng lượng EU.

Thanh Lâm/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm