10/10/2008 11:40 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH) - Platini chọc ngoáy người Anh. Chuyện ấy quá quen thuộc, đến mức người ta cho rằng vị Chủ tịch UEFA là "anti-english", để rồi chỉ 1 tháng về trước, ông phải đăng đàn thanh minh: "Napoleon đúng là chống lại người Anh. Nhưng tôi thì không". Nhưng lần này, thay vì chỉ dừng lại ở mức chỉ trích, Platini còn đe dọa cấm các CLB tham dự Cúp châu Âu.
Phải thừa nhận, Platini luôn cực kỳ tinh khôn trong việc chọn thời điểm để tấn công. Lời đe dọa của Platini được đưa ra chỉ 24 tiếng sau khi Chủ tịch FA Lord Triesman công bố tổng nợ của 20 đội bóng Premier League lên gần 3 tỷ bảng. Bối cảnh khác khiến cuộc tấn công của Platini càng thêm uy lực: nền kinh tế thế giới đang chao đảo và ở thời điểm này, cứ nhắc đến nợ thì chắc chắn ai cũng thấy lo ngại.
Mưu đồ của Platini
Đối với vấn đề thứ nhất, như đòn đáp trả của GĐĐH Premier League là Richard Scudamore, tình hình tài chính của các đội bóng Anh vẫn vững mạnh dù số tiền nợ lớn hơn so với các nền bóng đá khác. M.U nợ nhiều nhất, với 764 triệu bảng; nhưng đơn thuần là khoản nợ mà gia đình Glazer vay để mua CLB này năm 2005. Chelsea đứng thứ 2 với 736 triệu bảng, nhưng là nợ của... Abramovich (nếu nói Chelsea không nợ đồng nào cũng chẳng sai). Arsenal nợ 318 triệu bảng, nhưng là khoản nợ để xây sân mới Emirates (ngay cả FA cũng phải vay tiền để xây sân Wembley). Trong tứ đại gia, tình hình tài chính của Liverpool có phần bất ổn. Bộ đôi người Mỹ Tom Hicks - George Gillett đã vay 350 triệu bảng để mua đội bóng này và hiện không thể vay tiếp để xây sân mới. Tuy nhiên, nếu 2 ông chủ người Mỹ ấy đồng ý bán lại Liverpool cho tập đoàn DIC, những rắc rối về tài chính sẽ được giải quyết nhanh gọn. Giá của các đội bóng Anh mấy năm qua chỉ có lên chứ không xuống.
Đúng là nợ của bóng đá Anh lớn hơn bất kỳ nền bóng đá nào khác. Nhưng vấn đề là họ cực giỏi kiếm tiền. Cả 4 đội bóng lớn đều thuộc tốp 10 CLB kiếm tiền nhiều nhất thế giới. M.U nợ nhiều nhất nhưng trong năm nay, họ sẽ vượt mặt Real Madrid để trở thành đội bóng có doanh thu cao nhất. Chelsea của Abramovich đang đi đúng lộ trình của một kế hoạch dài hạn: đầu tư cơ bản ồ ạt những năm qua, tiến dần đến cân bằng thu chi ở mùa tới và sau đó là thu lãi.
Tóm lại, nợ không phải là vấn đề khủng khiếp như Platini lo ngại. Platini vốn lo ngại thứ khác: những đội nợ nhiều nhất lại là những đội thành công nhất, cả trên thương trường lẫn sân cỏ. Trận Champions League mùa qua là chuyện nội bộ cùa người Anh. Theo nhận định của giới chuyên gia, các nền bóng đá khác khó theo kịp bóng đá Anh trong ít nhất 10 năm tới. Khi mà người Anh càng bành trướng, vai trò và ảnh hưởng của UEFA càng bị thu hẹp (đấy cũng là lý do Platini kiên quyết phản đối kế hoạch "vòng 39"). Khi bóng đá Anh phát triển quá mạnh, những lời hứa của Platini ở cuộc vận động tranh cử chức Chủ tịch UEFA, rằng sẽ nâng cao tầm ảnh hưởng các nền bóng đá nhỏ, trở thành lời hứa... suông.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất