18/09/2015 15:17 GMT+7 | Tốc độ
(giaidauscholar.com) - Câu hỏi lớn nhất ở chặng Italian Grand Prix tại Monza cuối tuần qua không phải là Lewis Hamilton hay một tay đua nào đó sẽ giành podium mà là liệu đây sẽ là chặng đua cuối cùng của giải Công thức 1 (F1) tại đây sau 65 năm?
Thực tế thì giống như một con bệnh đang hấp hối, Italian Grand Prix đã sống trong sự thấp thỏm từ hơn một năm qua khi chính quyền địa phương và FIA (Liên đoàn Ôtô thế giới) bế tắc trong cuộc đàm phán gia hạn hợp đồng qua năm 2016. Hai bên tiếp tục gặp nhau một lần nữa tại Monza nhưng trong cuộc phỏng vấn cách đây ba tuần, ông trùm của F1, Bernie Ecclestone có cho biết, nếu hai chặng đua truyền thống khác là Đức và Pháp không nằm trong lịch thi đấu, sự biến mất của Italy cũng không loại trừ.
Hy vọng cho Monza là đây không phải là lần đầu tiên Ecclestone đối mặt với tình thế này. Tỷ phú người Anh từng đe dọa chấm dứt British Grand Prix, một chặng đua khác có từ năm 1950, trước khi đường đua Silverstone cải tạo lại đường đua và khu nhà chứa xe như Ecclestone mong muốn. Sau đó, hai bên đã kí hợp đồng 17 năm từ năm 2009.
Ngược lại, một số chặng đua truyền thống khác cũng không đáp ứng được những quy định về tài chính mà Ecclestone yêu cầu. Vì thế, với sự biến mất của French Grand Prix vào năm 2008 hay Nurburgring tại Đức và Imola ở Italy, người hâm mộ đang than khóc về "cái chết" từ từ của những địa điểm tổ chức F1 truyền thống trong lịch thi đấu hằng năm.
Thậm chí, ý nghĩ “Ngôi đền tốc độ” như Monza được gọi như thế bị gạt khỏi lịch thi đấu là điều không tưởng với nhiều fan F1, đặc biệt là các fan của đội đua Ferrari, những người đã tạo nên sức hấp dẫn cho Italian Grand Prix.
Trong khi đó, với nhiều tay đua, trong đó có Nico Rosberg của đội đua Mercedes và Fernando Alonso của McLaren, Monza là một trong những đường đua huyền thoại. Nói gì thì nói, trong bảy chặng còn lại ở mùa giải năm nay, sau Italian Grand Prix vào chủ nhật, chỉ có hai chặng có thể được xem là những chặng đua mới, không truyền thống: Abu Dhabi, bắt đầu vào năm 2009 và Nga, bắt đầu vào năm 2014. Một số chặng đua khác thì đã xuất hiện từ lâu trong hệ thống F1, trong đó có U.S. Grand Prix, xuất hiện và biến mất trong nhiều thập kỷ nhưng từ năm 2012 được tổ chức tại Texas, và Mexican Grand Prix trở lại sau hơn 20 năm.
Mặc dù thế, nếu tính những chặng đua ra đời vào năm 1950 như Belgian, British, French, Italian, Monaco và Swiss Grands Prix, chỉ có bốn trong số này vẫn nằm trong lịch thi đấu của mùa giải 2015 (Chính xác là có bảy chặng nhưng Indianapolis 500 kể từ đó có nhiều thể thức khác nhau). Swiss Grand Prix bị loại bỏ sau khi chính quyền Thụy Sĩ cấm đua xe vì một vụ tai nạn ở giải Le Mans 24 Hours năm 1955 khiến hơn 80 khán giả thiệt mạng. Như vậy, trong năm chặng khác kể từ 1950, chỉ có French Grand Prix không còn tổ chức F1.
Và cũng từ năm đầu tiên, số chặng đua trong một mùa giải đã tăng gần gấp ba. Mùa giải 2015 này có 19 chặng nhưng năm 2016 dự kiến là 21 chặng. Một điều nữa là các chặng đua đã xuất hiện ở hầu hết các lụa địa, trừ châu Phi và... Nam Cực.
Sau cùng thì vấn đề làm Ecclestone quan tâm nhất vẫn là lợi nhuận của F1. Nhiều fan có thể than khóc vì không còn được thấy đường đua Magny-Cours ở vùng nông thôn thơ mộng của Pháp nhưng một số chặng đua mới ở trong hoặc gần những thành phố lớn nhất trên thế giới hay ở những quốc gia đang có kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ như Trung Quốc và ở vùng Vịnh.
Không phải vô cớ mà năm 2003, Ecclestone từng đưa ra dự báo rằng, các nền kinh tế ở châu Âu sẽ tụt hậu so với châu Á. Thực tế này giờ đã được chứng minh và được phản ánh qua sự xuất hiện của những chặng đua mới. “Có thể chúng tôi sẽ không phải cắt bỏ các chặng đua,” Ecclestone cho biết năm 2003. “Khi đó, một số chặng Grand Prix châu Âu sẽ tự biến mất.”
Như French Grand Prix đã không diễn ra sau năm 2008 bởi vì phía Pháp không trả nổi 17,3 triệu USD phí tổ chức và trong năm nay, German Grand Prix cũng gặp vấn đề tương tự. Và giờ là Monza.
Lý do có thể là kinh tế khủng hoảng nhưng vấn đề chính là các dịch vụ gia tăng ở mỗi chặng đua giờ đã có sự chênh lệch. Tại nhiều địa điểm mới, đường đua rộng, công nghệ hiện đại và quan trọng nhất là chi phí du lịch, khách sạn, nhà hàng rẻ hơn ở châu Âu tới bốn lần. Đành rằng chẳng có fan F1 nào cuồng nhiệt hơn ở châu Âu nhưng F1 và Ecclestone giờ không sống bằng những fan trung thành ít ỏi đó.
Phạm Hưng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất