29/05/2014 09:36 GMT+7 | Thế giới
Đảo Nam Yết có hình bầu dục hơi hẹp về bề ngang, nằm theo hướng Đông - Tây. Nhìn từ xa, đảo Nam Yết như một dải lụa xanh nổi trên mặt biển với những rặng dừa như thách thức nắng gió khơi xa...
“Hiên ngang” đảo dừa
Dẫn chúng tôi đi thăm đảo, Thượng tá Trần Như Hải, chỉ huy đảo chỉ vào những cây dừa cao chót vót nói: “Không có một hòn đảo nào ở Trường Sa mà cây dừa lại khỏe và sinh sôi nhanh như tại Nam Yết này. Chúng tôi mới đốn hạ nhiều cây dừa cổ thụ dành chỗ cho những cây dừa non đang ươm, đồng thời cũng là để tránh nguy hiểm trong mùa mưa bão sắp tới. Hiện đảo cũng đang ươm nhiều cây non gửi tặng các đảo khác trên quần đảo Trường Sa”.
Dừa trên đảo Nam Yết có rất nhiều, chỗ nào, góc nào cũng có dừa. Dừa mọc thẳng tắp, hiên hang, theo hàng lối rất đẹp ở hai bên các con đường quanh đảo. Dừa đứng xen lẫn với nhiều loại cây khác. Dừa còn được trồng ở hai mặt trước, sau những ngôi nhà, bên hiên nhà. Và cả những mầm dừa non ươm sau bể nước bếp ăn của các anh nuôi... Đi giữa hai hàng dừa, nhiều người trong đoàn chúng tôi ngỡ mình đang đi trên đất Bến Tre...
Thật khó thống kê trên đảo có bao nhiêu cây dừa, vì hết lớp dừa này lại đến lớp dừa khác đua nhau phát triển. Theo những người già kể lại, dừa được mang từ đất liền ra trồng trên đảo. Cây dừa bảo đảm bóng mát, màu xanh cho đảo, trái dừa cho nước uống mát lành, làm gáo múc nước, lá dừa dùng lợp giàn chắn sóng... Ngày lễ, Tết trên mâm ngũ quả của người dân trên đảo đều có quả dừa...
Giữa cái nắng gắt của Trường Sa, được thưởng thức nước dừa thật mát. Nhưng dường như vẫn có cả vị mặn của biển cả, vị mặn của những giọt mồ hôi...
Gắn việc trồng cây theo… “quân luật”
Nhưng dừa không phải là loại cây trồng duy nhất ở Nam Yết. Bên cạnh loại cây này còn có những cây khác như: phong ba, bão táp, bàng vuông, bàng thường... trong đó có nhiều cây có tuổi đời đến cả trăm năm.
Ngoài ra, Nam Yết còn là “vương quốc” của những cây đu đủ, chuối, “thiên đường” cây xanh, rau xanh, nơi cung cấp hạt giống cho các đảo nổi, đảo chìm trong quần đảo Trường Sa, nơi gắn việc trồng cây với nhiệm vụ của từng chiến sĩ, với những “quân luật” giản đơn. Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy đảo cho biết: Quá trình trồng cây thường có sự chuẩn bị chu đáo về chủng loại và số lượng cây. Nhiệm vụ chăm sóc cây, chỉ tiêu giao cụ thể đến từng đơn vị, chiến sĩ"
Việc trồng cây thường phân theo đầu người, mỗi chiến sĩ có nhiệm vụ trồng ít nhất 2 cây; mỗi ngày 2 đợt tưới cây (sáng, tối). Trực ban sẽ kiểm tra lượng người tham gia, lượng nước tưới cho cây. Đơn vị, cá nhân nào không chấp hành sẽ bị phê bình trên loa phóng thanh toàn đảo.
Ngày 2 buổi, các chiến sĩ dành ra 30 phút để dọn đảo. Rác ở đảo được quét hàng ngày, có một hố lớn để đốt. Bởi vậy, đảo Nam Yết không hề có rác, mọi góc đều sạch sẽ, tươi tắn. Quang cảnh đảo nhìn từ xa cũng như khi đến tận nơi đều đẹp như một hòn đảo trong chuyện cổ tích.
Dẫn chúng tôi đến vườn rau thanh niên trên đảo, Trung tá Nguyễn Văn Dũng chia sẻ thêm: “Ngoài nhiệm vụ canh giữ biển trời, việc trồng rau xanh, chăn nuôi lợn, gà cải thiện đời sống của các chiến sĩ cũng là để thấy màu xanh của quê hương, hình ảnh đất liền luôn gần gũi nơi đảo xa”.
Tuy nhiên, không giống như ở đất liền, trồng cây ở đảo rất khó khăn, vì đất và nước đều khan hiếm. Trường Sa chỉ có cát, nhưng cát Trường Sa không kết dính. Nhưng thật bất ngờ, giữa Trường Sa lại có một hòn đảo mãi xanh như vậy.
Và không riêng gì Nam Yết, trong hành trình hơn 10 ngày đi thăm huyện đảo Trường Sa, tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp rợp màu xanh của nhiều loại cây từ khắp mọi miền đất nước, những luống rau xanh tận dụng trồng ở bất cứ góc vườn nào trên đảo nổi: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Phan Vinh A... Những đảo chìm Đá Lớn, Đá Tây, Cô Lin... lại tranh thủ từ những diện tích mái hiên, hay trong hộp xốp... Sức sống Trường Sa hiện ra trong từng nhành cây đang chiết, từng hạt giống chờ ươm. Cây xanh không phụ lòng người, vươn cành, bám rễ, lớn nhanh...
Nhưng, để có những thiên đường màu xanh này, những người lính đảo đã chắt chiu từng giọt nước ngọt, "nhường" cả phần nước ngọt sinh hoạt của mình để tưới cho cây xanh. Và ở nơi ấy, những người lính đảo đang hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ gìn chủ quyền Tổ quốc thân yêu.
Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất