Cần có nguyên tắc thống nhất trong xử lý tên riêng, địa danh, tên viết tắt tiếng nước ngoài

05/11/2016 20:40 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Sáng 5/11 tại Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” (1966-2016).

Đã có hơn 240 bài tham luận gửi tới hội thảo với nhiều đề xuất, giải pháp mang tính khả thi. Trong số những tham luận này, có tham luận “Xử lý tên riêng, địa danh nước ngoài trên báo chí, đặc biệt là trên sóng phát thanh, truyền hình” của đồng chí Mai Quang Huy - nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập của Thông tấn xã Việt Nam.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu phần “Hiện trạng và giải pháp” trích từ tham luận của đồng chí Mai Quang Huy. (Tựa bài do Thể thao & Văn hóa đặt).

“Hiện trạng và giải pháp”

Hiện trạng vừa thiếu thống nhất, vừa thiếu khoa học trong xử lý tên riêng, địa danh nước ngoài trên báo chí Việt Nam hiện nay:

Hiện nay, giữa các phương tiện truyền thông của Việt Nam không có bất kỳ một sự thống nhất nào trong cách xử lý tên riêng, địa danh tiếng nước ngoài.

Các báo như Nhân dân, Quân đội Nhân dân vẫn theo đuổi cách phiên âm truyền thống, tức là phiên ra âm tiếng Việt từng âm tiết, giữa các âm tiết có gạch nối. Ví dụ: Mát-xcơ-va, Oa-sinh-tơn... Tên một số nước châu Âu vẫn được duy trì cách phiên âm Hán - Việt truyền thống, như Anh, Pháp, Ba Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ... Riêng tên người và địa danh của Trung Quốc vẫn duy trì cách phiên âm Hán-Việt, như Bắc Kinh, Thiên Tân, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường...

Cách phiên âm ra tiếng Việt có gạch nối giữa các âm tiết này có ưu điểm là phổ cập, dễ viết, dễ đọc đối với mọi tầng lớp nhân dân; nhưng có nhược điểm là hơi dài dòng khi đánh máy và khi trình bày báo, và gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu và các biên tập viên đối ngoại khi cần truy tìm tên gốc bằng tiếng nước ngoài.

Một số báo khác (như Thanh niên, Lao động, Tuổi trẻ) lại theo quan điểm “quy về cách viết, cách đọc của người Anh, người Mỹ” đối với tất cả các địa danh, tên riêng nước ngoài. Cách làm này rất thuận tiện đối với các phóng viên - biên tập viên tin quốc tế và đối ngoại có sử dụng nguồn tin tiếng Anh, gọn gàng khi đánh máy và trình bày mặt báo; nhưng lại có nhược điểm là gây khó khăn cho bạn đọc phổ thông. Đừng nói là người lao động bình thường, mà ngay cả các biên tập viên, phát thanh viên của nhiều đài phát thanh, truyền hình đều cảm thấy rất khó khăn khi phải phát âm tên riêng, địa danh nước ngoài được quy về cách viết của người Anh, người Mỹ.

Những trường hợp phát âm sai, phát âm lung tung xảy ra với tần suất ngày một tăng trên các đài phát thanh, truyền hình đương nhiên là gây phản cảm cho bạn nghe và xem đài. (Ví dụ: Tên nhạc sĩ thiên tài người Ba Lan, do cách biên tập “để nguyên, không phiên âm”, đã bị phát thanh viên đọc thành “cho-pin”, nghe như là “cho ai một cục pin” vậy). Đó là chưa kể cách làm dễ dãi và tùy tiện này (bệ nguyên xi cách viết của người Anh, người Mỹ lên mặt báo Việt Nam) làm cho văn tự tiếng Việt tự nhiên bị mất đi bản sắc dân tộc mà đáng ra nó phải có.

Một số đài, báo khác lại hoàn toàn không có bất cứ nguyên tắc nào trong xử lý tên riêng, địa danh nước ngoài (khi phiên âm, khi “để nguyên”...).

Đã xảy ra trường hợp do vô nguyên tắc trong xử lý tên của một nước mới độc lập cách đây chưa lâu, đến khi ở nước bạn có ý kiến muốn được sửa lại cho đúng cách gọi tên nước của người ta, thì báo chí ta lại đưa tin thành “nước bạn đổi tên”. Đó là trường hợp xảy ra với Cộng hòa Séc.

Ngay khi Liên bang Tiệp Khắc tan rã vào năm 1993, thì trên cơ sở nhà nước liên bang cũ đã hình thành 2 quốc gia độc lập mới là Cộng hòa Tréckhia và Cộng hòa Xlôvakia. Nhưng do ta đã phiên âm tên nước Tréckhia qua tiếng Anh nên mới thành Cộng hòa Séc. Nay trong Quốc hội Séc có đại biểu muốn các nước khác gọi tên nước mình theo đúng tiếng dân tộc là Tréckhia. Vậy mà một số tờ báo của Việt Nam ta lại đưa tin rầm rộ là “Cộng hòa Séc đổi tên nước”. Xin thưa rằng họ đâu có đổi tên nước. Họ chỉ muốn chúng ta gọi lại tên nước họ theo đúng tiếng dân tộc cha sinh mẹ đẻ của họ thôi.

Giải pháp:

Với tư cách là một phóng viên - biên tập viên từng nhiều năm thường xuyên sử dụng ngoại ngữ trong khai thác và biên tập tin-bài, tôi xin đề xuất:

- Giao một cơ quan nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan truyền thông chủ chốt đề ra nguyên tắc thống nhất trong xử lý tên riêng, địa danh, tên viết tắt tiếng nước ngoài; Chính phủ ban hành văn bản quy định thống nhất sử dụng nguyên tắc này trong các văn bản nhà nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Để xử lý thống nhất các tên riêng, địa danh nước ngoài cũng như tên viết tắt các tổ chức nước ngoài, đề nghị cần xuất phát từ quan điểm thực sự khoa học và cầu thị, bảo đảm các nguyên tắc như đã nêu trong phần “II” của tham luận này, đó là: Nguyên tắc dân tộc, nguyên tắc ngoại giao, nguyên tắc phổ cập, nguyên tắc thống nhất và nguyên tắc phổ biến - hướng dẫn.

Để kết thúc bài tham luận của mình, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Tổ chức Hội thảo, cảm ơn các báo cáo viên, cảm ơn tất cả các đồng chí tham gia Hội thảo đã chăm chú lắng nghe và đóng góp ý kiến nghiêm túc.

Kính chúc sức khỏe tất cả các đồng chí, chúc cuộc Hội thảo của chúng ta thành công.

Mai Quang Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm