23/03/2017 08:46 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, với nội dung đề nghị giữ nguyên hiện trạng đang có tại bán đảo Sơn Trà. Kiến nghị được đưa ra, khi sự quan tâm của dư luận về khu vực này đang lên tới đỉnh điểm.
Để rồi, khi kiểm tra, nhiều sai phạm của một dự án du lịch đang triển khai tại đây được phát hiện.
Cụ thể, dự án có giấy phép từ trước từ nhiều năm trước, nhưng 40/56 biệt thự đang thi công phần móng lại không có phép so với quy hoạch ban đầu. Đồng thời, việc xây dựng (sau khi dự án sửa đổi) được tiến hành khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.Hiện tại, tất cả phần công trình xây dựng trái phép đã bị đình chỉ.
Bán đảo Sơn Trà bị đào xới nham nhở. Ảnh: Một thế giới
Kiến nghị của ông Vinh có nội dung đề nghị không xây mới các cơ sở lưu trú du lịch tại Sơn Trà. (Bán đảo này hiện được quy hoạch để phát triển thành khu Du lịch Quốc gia trong tương lai.)
Thay vào đó, Sơn Trà chỉ nên phát triển thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên - với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách; hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm. Đồng thời, cộng cùng khu vực biển phía Nam, quần thể này cần được quy hoạch thành khu dự trữ sinh quyển quốc tế, để bảo tồn hệ sinh thái cả dưới nước và trên cạn.
Ở thời điểm này, ý kiến trên đã được xác định là quan điểm cá nhân của ông Vinh (thay vì ý kiến chung của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng). Trong kiến nghị ấy, ông Vinh cũng đề xuất cùng lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia trong nước về vấn đề này.Thẳng thắn, ý kiến ấy vẫn có sự tương đồng với cách mà dư luận lo lắng về Sơn Trà trong câu chuyện "bạt núi" vừa rồi.
Bởi, bán đảo này vẫn được gọi là là tấm bình phong chắn bão biển cho Đà Nẵng, là “lá phổi xanh”, để tạo cân bằng sinh thái ở một thành phố đang phát triển.
Và, việc xây dựng thiếu tính toán ở một khu bảo tồn thiên nhiên như vậy chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới hệ thực vật, hoặc môi trường sống của những loài động vật quý hiếm như voọc chà vá chân nâu...
***
Tôi nghĩ, đề xuất của ông Vinh cũng không trái với ý tưởng phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà. Có chăng, đó chỉ là những kiến nghị về cách tiếp cận và thực hiện.
Bởi, trong những cuộc hội thảo về di sản và du lịch thời gian qua, nhiều chuyên gia quốc tế đã chỉ rõ: việc phát triển du lịch bền vững luôn có quan hệ mật thiết với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Đơn cử, ngay với Đà Nẵng, cũng đã có ý kiến tỏ ra lo ngại về cách lấn biển, xây các khu du lịch và nghỉ dưỡng tại thành phố du lịch này. Tại các nước phát triển, việc lấn biển như vậy là cách làm của quá khứ, và cũng chỉ được triển khai tại những khu vực có địa hình quá xấu, hoàn toàn không có tiềm năng về du lịch.
Khi yếu tố sinh thái tự nhiên đang là xu hướng chính trong du lịch hiện đại, việc tự làm hẹp biển, biến cảnh quan tự nhiên thành cảnh quan... nhân tạo, lạm dụng xây dựng công trình... là điều vô cùng lãng phí và đáng tiếc tại những cảnh quan tự nhiên của Việt Nam.
Thậm chí, về lý thuyết, khi những khu bảo tồn thiên nhiên được sử dụng chỉ để phục vụ các tour du lịch cao cấp theo hình thức tự trải nghiệm, khám phá hệ sinh thái, thì nguồn lợi từ những dịch vụ cao cấp này chưa hẳn đã thấp hơn so với việc xây dựng để ồ ạt khai thác vào mục đích phục vụ đại trà.
Bởi thế, vượt hơn vấn đề của một khu du lịch xây dựng sai phép, những gì vừa diễn ra tại bán đảo Sơn Trà là câu chuyện về cách tư duy trong bảo tồn và khai thác tài nguyên du lịch.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất