Cẩn thận với “trà xanh” và “bạch liên hoa”

09/12/2020 07:14 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Nếu các bạn theo dõi phim truyện, nhất là phim truyện ngôn tình Trung Quốc, chắc rất quen thuộc với các từ “trà xanh” và “bạch liên hoa”.

 

Chữ và nghĩa: Ba năm vua vời và 'Ba năm giặt váy...'

Chữ và nghĩa: Ba năm vua vời và 'Ba năm giặt váy...'

Câu thành ngữ này viết đầy đủ là “Ba năm được bận vua vời phải ngày kinh nguyệt”.

Bình thường thì 2 từ này không có gì đặc biệt. Đó cũng chỉ là 2 đơn vị từ vựng trong tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt). Nhưng các từ này đang "hot" bởi đây chính là những từ lóng (slang) của cộng đồng mạng, thường được dùng trong phim ảnh hay các truyện ngôn tình.

“Trà xanh” tiếng Hán là 绿茶 (âm Hán Việt: lục trà) vốn dĩ chỉ loại "chè/ trà xanh", tức chè tươi "một loại lá chè già mới hái, dùng để nấu nước uống (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Hình ảnh này từng có trong bài thơ "Bao giờ trở lại" của Hoàng Trung Thông: “Nồi cơm nấu dở/ Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau”.

Thật đẹp, thật nên thơ. Nhưng chỉ như thế thì chưa có gì đáng nói. Trong cộng đồng mạng bây giờ có thêm từ “lục trà biểu” (绿茶婊). Vậy tổ hợp từ này, sau khi thêm chữ biểu (婊) có hàm ý gì?

Chữ “biểu” (婊)có nghĩa là "đĩ, gái đĩ, gái điếm". Tại sao lại có sự kết hợp "cọc cạch" giữa "trà xanh" với "gái đĩ" ở đây? Rõ ràng, đó là một cấu trúc bất thường và vì thế, kéo theo một ngữ nghĩa bất thường.

Thông thường, tiếng lóng được "mượn" từ một từ thông dụng, song nghĩa của nó lại được "cộng đồng lóng" cấp cho một nội dung khác hẳn. Hiện tại, “lục trà biểu” dùng để ám chỉ "những cô gái tỏ vẻ trong sáng, ngây thơ, nhưng thật ra rất thủ đoạn và đầy toan tính". Những cô gái này cũng rất giỏi "tương kế tựu kế" theo ý định riêng.

Còn tại sao lại gọi họ là "trà xanh"? Có lẽ vì lá trà xanh thường rất sạch sẽ, tinh khiết, tươi ngon. Đây là hình ảnh bề nổi mà các cô gái "thả thính" muốn thể hiện để mồi chài, lôi kéo. Những cô gái "trà xanh" bên ngoài thì luôn nhã nhặn, "con nhà lành", nhưng trong lòng lại "nung nấu" sự đố kị, mưu mô và đầy toan tính.

Kiểu con gái "trà xanh" dễ thấy nhất chính là người luôn chơi với "hoa đã có chủ", vờn lên vờn xuống rồi lại buông ra những lời giả nai, cao thượng. Chỉ tỏ vẻ cao thượng thế thôi chứ từ sâu bên trong lòng họ lại ẩn tàng ý đồ "đập chậu cướp hoa". Quả là đáng sợ!

 

Chú thích ảnh
Bạch liên hoa” sao mà chua ngoa, mà "đắng" thế không biết.

Thực tế, không chỉ có "trà xanh biểu". Cùng nằm trong trường nghĩa “trà xanh” (tiếng lóng) là “bạch liên hoa”. Bạch liên hoa tiếng Hán là 白蓮花, nghĩa là "hoa sen trắng". Hoa sen vốn đã đẹp, hoa sen trắng còn đẹp hơn. Nó biểu hiện sự trắng trong, thuần khiết "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Những bông sen trắng tinh khôi đã vào thơ của bao tao nhân mặc khách. "Bài hát ru hoa sen" của Trần Hòa Bình là một ví dụ.

Nhưng, “bạch liên hoa” trên mạng lại là danh từ để chỉ những cô gái bề ngoài nhẹ nhàng, có vẻ ngây thơ, vô hại, và luôn mồm nói "Em không biết gì hết", hay "Em không hiểu", hay "Em rất yếu ớt mà"... Nếu bạn đối xử tốt với nàng, sẽ không có chuyện gì xảy ra. Song cẩn thận, nếu bạn không biết ứng xử "cho phải lẽ" thì ngay lập tức, cô nàng "tiểu thư trong trắng" kia sẽ cho bạn biết "thế nào là lễ độ" nhé. Ôi chao, “bạch liên hoa” sao mà chua ngoa, mà "đắng" thế không biết.

Những từ lóng trên "ăn theo" những bộ phim ngôn tình đang thu hút giới trẻ quen xài những bộ phim qua mạng. Đó cũng là những từ "ký sinh" trong lòng ngôn ngữ toàn dân. Qua những từ này, ta hiểu thêm những câu chuyện liên quan tới "cuộc sống ở trong ngôn ngữ". Nó cũng cảnh báo chúng ta về hiện trạng một số người đang tồn tại với những biểu hiện đa dạng và phức tạp về tính cách. Bởi thế, bây giờ, nhắc đến “trà xanh” hay “bạch liên hoa”, không ít người sợ hãi tránh xa.

Từ phim ảnh tới cuộc đời

Có khi trong trắng thành lời điêu ngoa.

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm