21/10/2015 05:45 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Ngày 28/9, tại Hội nghị tổng kết tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp 2015, Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đã đăng đàn, chất vấn lãnh đạo Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về một bản báo cáo bị cho là tô hồng và cung cách tổ chức giải đấu còn nhiều bất cập. VPF ra đời là tất yếu, nhưng đang đánh mất quyền tự quyết để rồi cung cách tổ chức, điều hành không hơn gì thời VFF đảm trách.
Không phải đợi cho đến khi ông Chủ tịch CLB Hải Phòng “nổ phát súng lệnh” thì những ì xèo liên quan đến hoạt động của VPF, việc quản lý và điều hành các giải đấu của bóng đá Việt Nam mới xảy ra. Với những người theo dõi đến các hoạt động của bóng đá nước nhà trong khoảng chục năm trở lại đây thì sự ra đời của VPF, sau “quả bom” mà bầu Kiên kích nổ tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 là hệ quả tất yếu và được kỳ vọng sẽ mang đến diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam với hệ thống các giải quốc gia được tổ chức theo đúng khuyến cáo của AFC. Thế nhưng, kể từ thời điểm hình thành và hoạt động cho đến nay, sau 4 năm, VPF dù đã có những thay đổi và điều chỉnh sau từng mùa bóng theo kiểu rút kinh nghiệm, làm đến đâu, sai sửa đến đó nhưng vẫn không tránh khỏi sự không hài lòng từ phía các CLB, vốn là cổ đông là thành phần cốt lõi tạo nên giải đấu.
Chuyện bầu Hùng của Hải Phòng “phản pháo” những quyết định từ lãnh đạo VPF hay các ý kiến không đồng thuận từ đại diện SLNA, SHB Đà Nẵng hay Đồng Nai tại Hội nghị tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp 2015 cho thấy sự không hài lòng. Còn rất nhiều phản ứng, những ý kiến không đồng thuận từ phía các CLB và đây là điều mà chính Hội đồng quản trị VPF phải lưu tâm vì nếu không quy về một mối, thu phục được nhân tâm thì công tác điều hành giải đấu khó mà thành công trọn vẹn như người trong cuộc mong muốn và vẫn được ghi trong bản báo cáo tổng kết sau mỗi mùa giải.
Một lần nữa phải khẳng định, sự ra đời của VPF đươc dư luận quá ủng hộ, buộc phải có vì đây là yêu cầu tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp và thực hiện theo đúng chuẩn của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Nhưng VPF cần phải độc lập và sự tồn tại của Công ty không đơn thuần chỉ là đơn vị được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ủy quyền trong việc điều hành, tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Nói cách khác, VPF cần thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng và thể hiện trách nhiệm của đơn vị với sự tồn tại và phát triển của các CLB. VPF có quyền thực hiện mọi biện pháp để các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam, đặc biệt là V-League phát triển chứ không phải thừa hành mệnh lệnh từ VFF.
Ngặt nỗi, rất nhiều cán bộ chủ chốt hiện nay của VPF là những “người cũ” của VFF, được biệt phái hoặc chuyển hẳn sang làm việc chuyên trách. Chính vì thế, cung cách điều hành, hoạt động của VPF ít nhiều còn mang dáng dấp cũ, dù VFF trên lý thuyết chỉ đóng góp 35% cổ phần. Sự không đồng tình hay bất bình của các cổ đông vì thế là điều khó tránh khỏi.
Trở lại với phát biểu gây sóng của bầu Hùng và lời hẹn trả lời bằng văn bản từ phía các thành viên Hội đồng quản trị VPF, chắc chắn câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Thậm chí, ông Hùng còn sẵn sàng sòng phẳng thêm một lần nữa tại Đại hội cổ đông của Công ty VPF theo dự kiến sẽ được tổ chức cuối tháng 10. Và nếu không có một câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo VPF thì khó có chuyện tâm phục, khẩu phục từ cá nhân Chủ tịch Trần Mạnh Hùng và ông bầu của những đội bóng khác.
Nếu không tìm ra một cơ chế thích ứng, VPF sẽ bị cho là sản phẩm không hoàn hảo của bóng đá Việt Nam dù sự tồn tại của nó đã kéo dài tới 4 năm và những giải đấu chuyên nghiệp khó mà về đích an toàn.
Hàn Đan
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất