17/01/2022 19:09 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Xứ - Rung một ngọn mây (NXB Hội Nhà văn, 2020) là tập thơ lục bát của tác giả Trần Lê Khánh vừa được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2021 cho Tác phẩm xuất sắc của Hội Nhà văn Việt Nam.
Về tập thơ Xứ - Rung một ngọn mây của tác giả Trần Lê Khánh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá: “Trần Lê Khánh đã mang đến một giọng điệu thơ lục bát riêng biệt. Tập thơ không chỉ chứa đựng những thi pháp mới của lục bát, ở đó còn đựng những vấn đề nhân sinh và đi vào chiều sâu trong tâm hồn của mỗi con người. Trần Lê Khánh đã tạo ra những câu lục bát hoàn toàn bất ngờ và mới mẻ”.
“Đọc Xứ - Rung một ngọn mây của Trần Lê Khánh dễ bắt gặp những câu thơ có thể làm bất cứ ai phải giật mình. Lục bát Trần Lê Khánh đã tiếp cận được những vấn đề của đương đại, nhưng lại chìm sâu trong tầng lớp của văn hóa Việt. Và tôi cho đó là những thành công quan trọng của tập thơ Xứ - Rung một ngọn mây” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thiều, làm thơ lục bát vốn rất khó, bởi người làm thơ dễ rơi vào duy cảm, và cũng đã có rất nhiều người nỗ lực đổi mới thơ lục bát nhưng đều rất khó thành công. “Trần Lê Khánh mang vào lục bát một tư duy triết học, minh triết Việt. Người đọc sẽ nhìn thấy một con đường của văn hóa Việt tinh khôi, thuần khiết, sâu sắc và chứa đựng nhiều tầng lớp…”.
Tập thơ Xứ - Rung một ngọn mây được tác giả Trần Lê Khánh viết trong quãng thời gian “sống chậm lại, và suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống” trong đại dịch Covid-19.
125 bài thơ, được đặt tựa từ “Xứ 1” đến “Xứ 125”, đã thể hiện rõ nét cách nhìn nhận của tác giả trong cuộc sống từ những điều nhỏ bé nhất. “Từ những chiếc lá, những dòng sông, những con đường… tôi phát hiện ra những điều thú vị trong cuộc sống. Qua đó tôi bày tỏ quan niệm nhân sinh quan của mình thông qua những dòng thơ” - tác giả Trần Lê Khánh cho hay.
Ông Khánh chia sẻ thêm: “Có những điều trước mắt có thể rất nhỏ, rất nhẹ, và không mấy ai để ý tới. Nhiều khi chỉ là một chiếc lá rơi, một con sông chảy, hay một dòng xe đi qua… nếu mỗi người chịu khó ngồi xuống suy nghĩ bằng nội tâm và đi sâu vào thế giới nội tâm đó sẽ phát hiện ra rất nhiều điều tốt đẹp ẩn tàng trong những thứ nhỏ nhoi nhất. Và đó là điều tôi muốn mang đến trong tập Xứ - Rung một ngọn mây”.
Trước Xứ - Rung một ngọn mây, tác giả Trần Lê Khánh cũng từng ghi dấu ấn với một số tập thơ lục bát như Lục bát múa 1, Lục bát múa 2. Với Trần Lê Khánh, “càng làm lục bát, tôi càng nhận thấy thơ lục bát của Việt Nam có sức mạnh ghê gớm về ngôn ngữ, hình ảnh, giai điệu và nó có thể truyền tải được những thông điệp sâu sắc vô cùng. Bởi thế, càng làm lục bát, tôi càng khám phá ra những mảnh đất màu mỡ. Thông qua lục bát, tôi có thể chuyển tải những suy nghĩ, những trăn trở của mình trong cuộc sống vào thơ và đến với mọi người”.
***
Cũng tại Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật 2021, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã trao 72 giải thưởng gồm: 9 giải thưởng cho tác giả xuất sắc của 9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; 62 giải cho tác giả là hội viên các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố; 1 giải xuất sắc về đề tài phòng chống Covid-19. Trong đó, 62 tác phẩm đoạt giải của các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gồm 3 giải A, 14 giải B, 16 giải C, 27 giải Khuyến khích và 2 giải Tác giả trẻ.
Đáng nói, tại lễ trao giải năm nay, lần đầu tiên Liên hội các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao 1 giải xuất sắc về đề tài phòng chống Covid-19. Ngoài ra, giải thưởng năm nay cũng có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài phòng chống Covid-19 được giải cao. Tiêu biểu là các tác phẩm: Ảnh nghệ thuật Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống Covid-19 của tác giả Huỳnh Văn Truyền, phim tài liệu truyền hình Thành trì cuối cùng của đạo diễn Ngô Quang Thịnh, tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn do TS-NSND Phạm Anh Phương chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh; phim tài liệu Những chiến binh thầm lặng của đạo diễn Ngô Quang Hải và Trần Kim Triều v.v…
Đây là kết quả thời gian qua, nhiều hội văn học nghệ thuật đã kịp thời tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật có nội dung sâu sắc, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp đến đông đảo công chúng và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm về đề tài phòng, chống Covid-19 có mặt trong giải thưởng năm nay đã phản ánh những câu chuyện người thật, việc thật; những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp, chia sẻ của tập thể, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống và vượt qua đại dịch.
Mặt khác, các tác phẩm cũng đã khắc họa những tấm gương hy sinh, xả thân, cống hiến cao cả của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đồng thời, các tác phẩm cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục, động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết, mang tính nhân văn, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, giúp lan tỏa các giải pháp, cách làm hay của tập thể, cá nhân tích cực trong cộng đồng, đặc biệt là trong giai đoạn toàn dân đồng lòng, đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19.
Còn theo ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, các tác phẩm đoạt giải thưởng năm nay đều là những tác phẩm tâm huyết và xuất sắc. Những tác phẩm đó không chỉ được sinh ra ngay trong những năm tháng dịch dã mà còn là những sự ấp ủ, là tiếng nói, niềm tin vào sự san sẻ. Bên cạnh những sự ủng hộ về vật chất hay những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, còn có những giá trị về tinh thần, những món quà về tinh thần, sức mạnh về tinh thần. Điều mà giải thưởng năm nay làm được chính là gửi gắm những tín hiệu về tinh thần.
9 giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc của các hội chuyên ngành trung ương - Tập thơ Xứ - Rung một ngọn mây của Trần Lê Khánh (Hội Nhà văn Việt Nam). - Ca khúc Đẹp nhất bông sen của nhạc sĩ Trương Quang Lục (Hội Nhạc sĩ Việt Nam). - Vở kịch Làng song sinh do NSND Trung Hiếu (Nhà hát Kịch Hà Nội) đạo diễn từ kịch bản của nhà văn Xuân Đức (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam). - Phim tài liệu truyền hình Thành trì cuối cùng của đạo diễn Ngô Quang Thịnh ở Hãng phim truyền hình TP.HCM (Hội Điện ảnh Việt Nam). - Sách nghiên cứu Người Dao Tiền ở Việt Nam của tác giả Lý Hành Sơn (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam). - Tác phẩm ảnh Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống Covid-19 của Huỳnh Văn Truyền (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam). - Tiểu thuyết Rừng có tiếng người của tác giả Đinh Công Diệp (Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam). - Tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn của nhóm tác giả (Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam). - Công trình kiến trúc Cầu vàng của 2 kiến trúc sư Vũ Việt Anh và Nguyễn Quang Hữu Tuấn (Hội Kiến trúc sư Việt Nam). Ngoài ra Liên hiệp còn trao các giải thưởng ở “Hạng mục giải thưởng cho tác phẩm của các tác giả là hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố”; “Hạng mục giải xuất sắc về đề tài phòng chống Covid-19”; “Hạng mục giải Tác giả trẻ”. |
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất