Cảnh báo việc đánh bắt cá tại nơi nhiễm dioxin nặng nhất Việt Nam

02/12/2015 14:08 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Từ lâu, khu vực trong Sân bay Biên Hòa (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được coi là nơi bị nhiễm dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Thế nhưng, bất chấp điều đó cũng như những cảnh báo, khuyến cáo từ cơ quan chức năng, hàng ngày, nhiều người vẫn vào hồ trong sân bay đánh bắt cá về chế biến món ăn, đưa ra chợ bán.

Ngay mặt tường rào (cao khoảng 2 mét, trên chằng thêm dây thép gai) ngăn sân bay Biên Hòa với khu dân cư, cơ quan chức năng đã gắn biển cảnh báo “Hồ nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ăn bất cứ loại thực phẩm nào được nuôi trồng tại hồ này đều gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn”.

Thế nhưng có mặt tại đây lúc 7 giờ sáng 29/11, từng nhóm người (nhóm ít có 2 người, nhóm đông gồm 10 người) mang theo lưới, vợt, kích điện, gỡ dây thép gai, vượt tường rào vào hồ đánh bắt cá. Hơn 2 giờ sau, nhóm này khai thác được khoảng 40 kg cá (đa số là cá rô phi, cá quả (lóc), cá trê) rồi cho vào các bao tải để đưa ra ngoài.

Ngay sau đó, một thanh niên dùng xe máy chở số hải sản trên chạy qua cầu Hóa An (thành phố Biên Hòa) đi về hướng thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.


Hồ Biên Hùng (phường Trung Dũng, TP Biên Hòa) là vùng nước trũng nhất được cho là nơi tích tụ chất độc da cam từ sân bay Biên Hòa theo các dòng mạch, suối nước đổ xuống

Những người còn lại tiếp tục công việc của mình trong hồ. Đến trưa, họ dành gần 30 phút để ăn tạm các loại thức ăn nhanh đã chuẩn bị sẵn, sau đó tiếp tục trầm mình dưới hồ đánh cá. Đến 3 giờ chiều cùng ngày, nhóm trên bắt đầu thu xếp dụng cụ và chở hàng chục kg cá về khu phố Tân Thắng (phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương). Khi được hỏi, một người đàn ông trong nhóm (khoảng trên 40 tuổi) cho biết, số cá bắt được trong ngày là hơn 100 kg.

Toàn bộ cá được chia đều cho 10 người, các thành viên mang cá về nhà chế biến món ăn và đem đi bán. Riêng cá quả, do là cá bắt được từ tự nhiên nên mỗi kg họ bán được trên 100.000 đồng.

Theo người dân sống gần hồ, người từ các địa phương khác đổ về hồ đánh cá diễn ra từ nhiều năm nay. Người dân sống gần hồ đã khuyên họ không nên vào hồ đánh bắt để tránh nguy hiểm nhưng họ không nghe. Những ngày cuối tuần tập trung đông người hơn. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, tình trạng trên không còn, nhưng sau khi lực lượng chức năng rời đi sự việc lại tiếp diễn.

Về thực trạng ô nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa, số liệu của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng Ban chỉ đạo 33) cho thấy, lượng chất diệt cỏ mà Mỹ trung chuyển, lưu trữ và sử dụng ở sân bay Biên Hòa trong chiến tranh là 98.000 thùng chất da cam, hơn 60.000 thùng chất xanh và chất trắng. Từ năm 1969-1970, tại sân bay đã có 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam bị tràn ra ngoài từ các bể chứa.

Từ 2000 - 2004, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu và xác định nồng độ dioxin trung bình tại sân bay Biên Hòa khoảng 35.000 ppt. Nghiên cứu còn chỉ ra, nồng độ ppt trong máu của những người đánh bắt cá trong khu vực sân bay Biên Hòa là 2.000 ppt (tỷ lệ cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới là 10 ppt).

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã cô lập 94.000 m3 đất ô nhiễm dioxin tại khu vực Z1 (nơi ô nhiễm nặng nhất trong sân bay). Các mẫu đất, trầm tích, sinh vật ở một số hồ cách khu Z1 khoảng 300m thuộc vùng lan tỏa hay hạ lưu khu Z1 còn có dioxin với nồng độ cao.

Thời gian qua, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 phối hợp cùng các bộ, ngành đã khảo sát, nghiên cứu mức độ ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và khu vực lân cận. Trước khảo sát, ước tính chỉ có trên 75.000m3 đất bị ô nhiễm dioxin với nồng độ từ 1.000 ppt đến hơn 1 triệu ppt (hàm lượng dioxin dưới mức 10 ppt là thấp, khoảng trên dưới 100 ppt là cao), song trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo đã phát hiện thêm nhiều điểm bị ô nhiễm dioxin.

Vì vậy, trên thực tế, khối lượng đất, trầm tích bị nhiễm chất độc hóa học ở đây còn có thể lớn hơn. Đặc biệt, đất bị nhiễm dioxin thường trở thành trầm tích trong các hồ và sông, lây nhiễm sang cá, các động vật khác và cuối cùng là thức ăn của con người.

Kết quả nghiên cứu dự án “Xử lý dioxin tại các điểm nóng ô nhiễm nặng tại Việt Nam” được thực hiện ở bên ngoài về phía Tây và các hồ trong sân bay Biên Hòa cho thấy, có tới 16 trong tổng số 28 hồ có nồng độ dioxin vượt ngưỡng cho phép, mẫu cao nhất đến hơn 8.000 ppt, điển hình như hồ Ông Bình có nồng độ 8.016 ppt. Đặc biệt, các hồ mới đào hoặc hồ ở vị trí cao trong sân bay có mức độ ô nhiễm chất độc hóa học nặng.

Bà Nguyễn Mỹ Hằng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế - Văn phòng Ban chỉ đạo 33 cho biết: Văn phòng Ban chỉ đạo 33 đã sớm khuyến cáo người dân không khai thác, sử dụng thủy hải sản trong sân bay Biên Hòa.

Văn phòng phối hợp với các cấp, các ngành ở Đồng Nai thực hiện các biện pháp truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thực trạng nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa; giúp người dân thấy được sự tồn dư dioxin trong các sản phẩm thủy hải sản; hướng dẫn người dân cách sử dụng thức ăn an toàn. Điều quan trọng là người dân cần nhận thức rõ những rủi ro của dioxin đối với sức khỏe và sinh kế của họ.

Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai, tỉnh đang đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giúp người dân sống trong vùng ô nhiễm dioxin thấy được thực trạng và cách phòng tránh lây nhiễm chất độc hóa học, thấy được nguồn lây nhiễm dioxin.

Đối với việc đánh bắt cá trong sân bay Biên Hòa, bà Đào Nguyên cho rằng, các ngành liên quan phải có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn.

Công Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm