CẬP NHẬT sóng thần ở Indonesia: Số thương vong tăng thêm ít nhất 373, hơn 1.400 người bị thương

24/12/2018 21:17 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Ngày 24/12, giới chức Indonesia cho biết số người thương vong do sóng thần ở khu vực xung quanh eo biển Sunda của nước này đã tăng lên là ít nhất 373 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương. 

VIDEO 'sóng thần' tuyết 'nuốt chửng' thành phố lớn thứ ba ở Siberia

VIDEO 'sóng thần' tuyết 'nuốt chửng' thành phố lớn thứ ba ở Siberia

Ngày 11/11, cư dân thành phố Krasnoyarsk, Siberia đã chứng kiến một trận tuyết tràn qua như “sóng thần” bao phủ toàn bộ thành phố, đem theo cái lạnh -50 độ C.

Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia, ông Sutopo Purwo Nugroho thông báo 1.459 người đã bị thương trên các đảo Java và Sumatra trong khi 128 người vẫn mất tích trong thảm họa trên.

Giới chuyên gia cùng ngày cảnh báo một đợt sóng thần nữa có thể tàn phá Indonesia. Chuyên gia Jacques-Marie Bardintzeff tại trường Đại học Paris-Nam cho biết thêm: "Chúng tôi không thể làm gì do đợt sóng thần xảy ra quá bất ngờ. Thời gian giữa nguyên nhân và hệ quả chỉ là vài chục phút, quá ngắn để cảnh báo người dân".

Khẩn trương tìm kiếm nạn nhân và chăm sóc người bị thương

Ngày 23/12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu tất cả các cơ quan hữu quan tại quốc gia này phản ứng khẩn cấp để ứng phó với thảm họa sóng thần quanh eo biển Sunda, nằm giữa đảo Sumatra và Java.

Chia sẻ trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Indonesia yêu cầu các cơ quan thực hiện các bước cần thiết, khẩn trương tìm kiếm nạn nhân và chăm sóc người bị thương.

Các nhân viên cứu hộ và cấp cứu cho biết việc tiếp cận các khu vực chịu ảnh hưởng hiện rất khó khăn bởi nhiều tuyến đường hiện đang bị tắc nghẽn vì các mảnh vỡ từ những ngôi nhà bị phá hủy, nhiều xe ô tô bị nước cuốn hay cây gãy đổ chắn ngang đường.

Chú thích ảnh
Thi thể nạn nhân trong thảm họa sóng thần tại Indonesia ngày 23/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện các nhân viên cứu hộ đang gấp rút hỗ trợ sơ tán người bị thương và đưa nước sạch, vải dầu làm bạt che và cung cấp chỗ tạm trú cho người dân. Các nhóm cứu hộ cũng chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh bùng phát tại khu vực chịu tác động.

Giới chức cảnh báo người dân và du khách tại các vùng duyên hải quanh eo biển Sunda tránh đến gần các bãi biển và cảnh báo thủy triều cao vẫn được duy trì tới ngày 25/12.  Các quốc gia láng giềng của Indonesia như Malaysia và Australia đều khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nếu được yêu cầu.

Con số thương vong tiếp tục tăng lên hơn 1.000 người

Số người thiệt mạng trong vụ sóng thần xảy ra tối 22/12 xung quanh Eo biển Sunda, nằm giữa đảo Sumatra và Java của Indonesia tiếp tục tăng. Theo số liệu thống kê công bố chiều 23/12, số người thiệt mạng là 222 người trong khi hơn 800 người khác bị thương.

Người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho (Xu-tô Pư-u Nu-grô-hô) xác nhận ít nhất 222 người thiệt mạng, 843 người bị thương và 28 người vẫn đang mất tích. Quan chức này cho biết con số này có thể sẽ tiếp tục tăng vì công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra, nhiều trung tâm y tế vẫn chưa có báo cáo cụ thể trong khi dữ liệu từ các địa điểm chịu ảnh hưởng vẫn đang tiếp tục được cập nhật.

Hàng trăm nhà cửa và nhiều công trình đã bị phá hủy trong thảm họa này. Nhà chức trách đã yêu cầu hàng nghìn người sơ tán tới những địa điểm cao hơn. Cư dân địa phương cho biết họ không hề cảm nhận hay nhìn thấy bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy sóng thần đang ập tới với cột sóng cao khoảng 2 tới 3m. 

Số người thiệt mạng tính đến 15h chiều ngày 23/12

Ngày 23/12, giới chức Indonesia thông báo, vụ sóng thần tại nước này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 168 người, trong khi hàng trăm người khác bị thương.

Đại diện cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia nêu rõ: "Con số nạn nhân thiệt mang cho tới nay là 168 người, 745 người thiệt mạng và 30 người vẫn còn mất tích".

Hàng trăm tòa nhà sụp đổ do những đợt sóng cao đánh vào bờ biển miền Nam Sumatra và phần mũi đảo Java vào khoảng 9 giờ 30 phút tối 22/12 sau vụ phun trào núi lửa.

Chú thích ảnh
Thi thể nạn nhân thảm họa sóng thần tại Carita, Indonesia ngày 23/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Sứ quán Việt Nam ở Indonesia: Chưa có tin người Việt ở vùng sóng thần

Theo Phóng viên TTXVN tại Indonesia, trước mức độ nghiêm trọng của trận sóng thần xảy ra vào tối 22/12 tại khu vực eo biển Sunda, bờ biển Anyr (Serang, tỉnh Banten) và Nam Lampung (tỉnh Lampung) của Indonesia, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã ngay lập tức liên hệ với đầu mối Bộ ngoại giao để nắm tình hình người Việt Nam và được biết hiện chưa có thông tin nào về người nước ngoài ở khu vực này.

Đại sứ quán Việt Nam đề nghị người Việt Nam tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng của động đất và sóng thần. Đối với những trường hợp người Việt Nam đang mắc kẹt tại khu vực này hoặc cần hỗ trợ, liên hệ ngay với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia qua đường dây nóng: (+62 21) 31907165, (62) 811161025 hoặc số hotline Bảo hộ công dân của Cục lãnh sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam +84981848484.

Đã có 62 người thiệt mạng, 584 người bị thương và 20 người mất tích

Ngày 23/12, giới chức Indonesia đã khuyến cáo người dân và du khách xung quanh Eo biển Sunda tránh xa các bãi biển, đồng thời áp đặt lệnh cảnh báo thủy triều dâng cao đến hết ngày 25/12 tới sau khi xảy ra vụ sóng thần khiến hàng trăm người thương vong.

Theo số liệu tính đến 12h trưa 23/12 (theo giờ Việt Nam), đã có 62 người thiệt mạng, 584 người bị thương và 20 người mất tích trong vụ sóng thần này.

Người đứng đầu cơ quan khí tượng học, ông Rahmat Triyono (Ra-mat Tri-i-ô-nô), nhấn mạnh những người dân đã đi sơ tán không nên quay trở về nhà lúc này. Trong khi đó, theo Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia, giới chức nước này vẫn đang thu thập thông tin về thảm họa trên, đồng thời cho biết nhiều khả năng số thương vong và thiệt hại tiếp tục tăng do nhiều nơi chưa có thống kê cuối cùng.

Chú thích ảnh
Sóng thần tàn phá nhà cửa của người dân ở vùng bờ biển Carita, tỉnh Banten, Indonesia ngày 23/12/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Một số hình ảnh hiện trường cho thấy đường phố đầy bùn đất và mảnh vỡ từ các ngôi nhà bị phá hủy, nhiều ô tô bị lật úp và cây cối đổ rạp. Sóng biển dâng cao đã cuốn trôi một sân khấu ngoài trời, nơi một ban nhạc đang biểu diễn, khiến 1 người thiệt mạng và nhiều người khác mất tích. Theo người dân địa phương, cơn sóng thần cao khoảng 3 mét này tràn vào bờ biển và tiến sâu vào đất liền khoảng 20m, cuốn đi hàng trăm ngôi nhà. Ước tính ban đầu cho thấy có khoảng 430 căn nhà bị tàn phá, 9 khách sạn bị tổn thất nặng nề và 10 tàu thuyền không thể hoạt động.

Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG) cho hay vụ sóng thần này xảy ra vào khoảng 21h30 tối 22/12, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực xung quanh Eo biển Sunda, gồm các bãi biển tại Pandeglang, Serang và South Lampung. Theo BMKG, việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào 30 phút trước đó đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này.

Người phát ngôn của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho (Xu-tô Pư-u Nu-grô-hô) cho biết việc núi lửa phun trào dẫn tới sóng thần là hiếm thấy, đồng thời khẳng định thảm họa sóng thần tại Eo biển Sunda không phải do động đất. Núi lửa Anak Krakatoa phun trào cũng tạo ra cột khói cao 500 m. Anak Krakatoa là một đảo núi lửa nhỏ vốn hình thành từ đại dương khoảng nửa thế kỷ trước sau khi xảy ra vụ núi lửa Krakatoa phun trào hồi năm 1883 của thế kỷ trước.

Vụ phun trào này đã  đã gây ra đợt sóng thần thảm khốc, cướp đi sinh mạng của 36.000  người. Anal Krakatoa là một trong số 127 núi lửa đang hoạt động tại Indonesia. Hồi năm 2004, một vụ động đất sóng thần xảy ra ngoài khơi vùng biển Sumatra, miền Tây Indonesia khiến 220.000 người thiệt mạng, trong số này có 168.000 người Indonesia.

Mới đây nhất, hồi cuối tháng 9 vừa qua, một vụ động đất, sóng thần xảy ra tại thành phố Palu (Pa-lu), trên đảo Sulawesi đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, 5.000 người mất tích và hơn 9.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Số người thiệt mạng đã lên tới 43 người và khoảng 584 người bị thương

Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia cho hay số người thiệt mạng trong vụ sóng thần xảy ra tối 22/12 xung quanh Eo biển Sunda, nằm giữa đảo Sumatra và Java của Indonesia, đã lên tới 43 người và khoảng 584 người bị thương.

Trả lời phóng viên, người phát ngôn cơ quan trên, ông Sutopo Purwo Nugroho, cho hay giới chức nước này đã thu thập thông tin về sự ảnh hưởng của đợt sóng thần đối với các khu vực như Pandeglang, Serang, và South Lampung.

Chú thích ảnh
Sóng thần bất ngờ đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản tại Indonesia

Ông cho biết thêm hàng trăm ngôi nhà đã bị phá hủy, trong khi số người mất tích ghi nhận được hiện là 2 người. Ông Nugroho cũng nêu rõ sự kết hợp của một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển xuất phát từ hoạt động của núi lửa Anak Krakatoa và một đợt thủy triều có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ sóng thần này. 

Theo Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), vụ sóng thần này xảy ra vào 21h30 tối 22/12, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực như Eo biển Sunda, gồm các bãi biển tại Pandeglang, Serang và South Lampung. Người đứng đầu Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia tại Pandeglang, ông Endan Permana cho biết cảnh sát đang hỗ trợ các nạn nhân tại Tanjung Lesung ở tỉnh Banten, vốn được biết là địa điểm du lịch nổi tiếng cách không xa thủ đô Jakarta trong bối cảnh lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận đến khu vực này.

Sóng thần ập vào bất ngờ, hàng trăm người thương vong

Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tại Indonesia ngày 23/12 thông báo có ít nhất 20 người đã thiệt mạng khi sóng thần ập vào các bờ biển xung quanh Eo biển Sunda trong tối 22/12.

Cũng theo thông báo, có 165 người khác bị thương.

Chú thích ảnh
Hiện trường sau sóng thần ở Indonesia. (Nguồn: DW)

Trong khi đó, Cơ quan phụ trách thiên văn của Indonesia cho biết nguyên nhân của trận sóng thần không phải do động đất nhưng có thể là do hoạt động núi lửa ở núi Krakatoa.

Gần đây nhất, ngày 16/12, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) thông báo một trận động đất với cường độ 6,2 độ đã xảy ra tại khu vực cách thị trấn Jayapura của Indonesia khoảng 168km về phía Nam-Tây Nam.

Indonesia là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm