19/06/2014 15:45 GMT+7 | Bảng A
(giaidauscholar.com) - “Một ông già hay cười và đã làm được nhiều điều tốt cho bóng đá Brazil”, một người công nhân tôi gặp ở bến tàu điện ngầm Maracana trả lời. “Một nhà thơ thầm lặng. Ông ấy là bóng đá Brazil”
Daniel, một sinh viên tôi gặp ở khu Lapa nói. “Một tay chơi có hạng, một kẻ hám gái, một kẻ lừa dối”. Có rất nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến Pele, người hùng huyền thoại của bóng đá Brazil, người được coi một cách chính thức là cầu thủ vĩ đại nhất mà đất nước này đã sản sinh trong lịch sử.
Pele được tôn trọng, nhưng không hẳn là được yêu mến
Hầu hết mọi người tôn trọng ông, yêu quý ông, nhưng không phải ai cũng thích ông. Một số người yêu bóng đá mà tôi gặp cho rằng, Pele đã đưa Brazil lên bản đồ bóng đá thế giới, nhưng ông không phải là một người có thể khuếch trương hơn nữa hình ảnh của Brazil trước mắt của thế giới, vì ông không có khả năng của một chính trị gia. Dăm ba người khác lại bảo rằng, bây giờ ông chỉ giỏi kiếm tiền, khi tận dụng tối đa uy tín của mình để thực hiện những quảng cáo.
Họ không nói sai. Người đã cùng Brazil ba lần vô địch World Cup 1958, 1962 và 1970 luôn tươi cười trên những quảng cáo của bánh mì ăn nhanh Subway hay chuỗi siêu thị Carrefour. Những rắc rối trong cuộc sống tình cảm của ông, việc ông bị tố trốn thuế (con trai ông cũng thế) đã trở thành những câu chuyện cười đối với không ít người Brazil.
Dĩ nhiên, ông cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội, nhưng người ta không chờ đợi, hoặc đúng hơn, không muốn ông phát biểu. Maradona có phần đúng khi nói rằng, tất cả trí thông minh của Pele đã nằm ở đôi chân. Người ta sợ ông đưa ra những dự đoán đội nào vô địch World Cup. Các hãng truyền hình thì ngại mời ông lên sóng bình luận trực tiếp, một phần cũng vì ông đòi thù lao cao ngất trời theo cỡ của một ngôi sao nhạc pop hàng đầu thế giới.
Ở sân Maracana, nơi ông đã để lại biết bao nhiêu dấu ấn trong một sự nghiệp vinh quang, vẫn có một góc để kỉ niệm bàn thắng thứ 1 nghìn mà ông đã ghi ở đây. Hơn 40 năm đã qua kể từ ngày ấy, dấu ấn vẫn không thể phai mờ và in đậm trong tâm trí của những người đã sống qua thời đó. Bọn trẻ thì không. Chúng chỉ nghe lại những câu chuyện về ông qua lời kể của thế hệ đi trước.
“Ước gì, Pele và Ronaldo trở lại”
Bây giờ, thế hệ những người tầm 30 tuổi nói rằng họ còn nhớ như in những bàn thắng của Romario hay Bebeto cho World Cup 94. Những người 20 tuổi nhắc lại về Ronaldo, Rivaldo và Ronaldinho cho chiến dịch World Cup 2002. Những đứa trẻ trong các khu nghèo khó ở Rio hay Sao Paolo chỉ nhắc đến Neymar.
Bóng đá Brazil hiện tại không còn sản sinh ra nhiều thần tượng như trong quá khứ, và lũ trẻ thích nổi tiếng theo cách của những ngôi sao hiện đại theo kiểu “mì ăn liền”, vốn được truyền thông tung hô và quảng bá vì mục đích thương mại. Neymar xuất hiện ở mọi nơi tại Rio, trên cả những bức tường các khu ổ chuột và bốt điện thoại. Pele thì không. Nhưng ông vẫn kiếm tiền trong những quảng cáo chủ yếu nhắm vào các đối tượng trung niên.
Pele, hay những Didi, Vava, Garrincha, thậm chí Socrates, Falcao và Zico nằm trong những khoảng tối không tồn tại của cuộc đời những đứa trẻ. Không tồn tại cả cái tên Friedenreich, người hùng đầu tiên của bóng đá Brazil, trước cả Pele.
Là con trai của một người di cư gốc Đức, trong những năm trước Thế chiến I, Friedenreich là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, 1.329 bàn, trong khi Pele ghi 1.279 bàn (bây giờ, người ta vẫn tranh cãi xem, ông đã ghi 1.279 bàn hay “chỉ” 1.278 bàn). Friedenreich cũng như Pele và các ngôi sao huyền thoại của bóng đá Brazil bây giờ đã đi vào bảo tàng, và những bàn thắng của họ ta chỉ còn xem được trong những băng hình lưu trữ. Họ ra đi để nhường chỗ cho những ngôi sao mới, ít hơn, kém tài hơn, mà bóng đá Brazil sản sinh.
Hôm Brazil hòa Mexico 0-0, trong nỗi ngao ngán vì kết quả đầy thất vọng, một thanh niên đã nói với tôi, là anh ước gì Pele hoặc Ronaldo trở lại, một sự gợi nhớ bẽ bàng đến quá khứ vàng son của đội tuyển. Sự thật là ở World Cup nào mà Brazil giơ cao Cúp vàng, họ cũng có những thiên tài thật sự. Cậu thanh niên bảo: “Tôi thích Neymar. Cậu ta giỏi, nhưng cậu ta không phải Pele”. Phải, Brazil bây giờ lại thèm Pele rời khỏi quảng cáo của Subway và Carrefour để xỏ giày xuống sân đá, hoặc một ai đó hóa thân thành Pele…
Anh Ngọc (từ Rio de Janeiro)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất