Pep Guardiola: Cực đoan như Van Gaal?

26/08/2014 14:17 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Pep Guardiola luôn theo đuổi triết lý của mình tới tận cùng, thậm chí có phần cực đoan. Liệu vị huấn luyện viên (HLV) này có thành công hay đi theo vết xe đổ của ông thầy Louis van Gaal?

Trong các buổi họp báo, Guardiola luôn rất khôn khéo với những bài phát biểu như một nhà ngoại giao. Nhưng trong công việc thì ông tỏ ra cực kỳ cực đoan.

Tiki-taka là lẽ sống

Ngay từ khi mới tới sân Allianz, Guardiola đã kiên quyết theo đuổi lối chơi dựa trên sự kiểm soát bóng. “Hoàng đế” Franz Beckenbauer hay Giám đốc thể thao Matthias Sammer có chê bai lối chơi này nhàm chán cũng không khiến Guardiola thay đổi. Ngay cả khi thất bại “lấm lưng trắng bụng” trước Real Madrid, vị HLV người Tây Ban Nha vẫn vững vàng: “Bayern thua trong các tình huống cố định. Bóng đá không dựa trên sự kiểm soát bóng thì dựa trên cái gì?”. Guardiola còn khẳng định thêm: “Bayern đưa tôi đến đây vì triết lý này và tôi sẽ vẫn theo đuổi nó”.

Để áp dụng tiki-taka tại Bayern, Guardiola sẵn sàng bắt các ngôi sao phải thay đổi. Manuel Neuer phải rời xa khung thành nhiều hơn, Philipp Lahm được đẩy lên tuyến giữa, Thomas Mueller hay Mario Goetze từng đá cả tiền vệ trung tâm lẫn tiền đạo. Những công thần dưới thời Jupp Heynckes như Javi Martinez hay Mario Mandzukic cũng bị cho lên ghế dự bị vì không phù hợp.

Với Guardiola, triết lý của vị HLV này mới là quan trọng nhất và các ngôi sao phải phục tùng, chứ không có chuyện Pep xây dựng đội bóng quanh một cá nhân.

Ở mùa giải năm nay, Guardiola tiếp tục thể hiện sự cực đoan của mình với sơ đồ 3-4-3 mới mẻ. Thời gian qua, dù thiếu nhân sự, Pep vẫn làm đủ mọi cách để vận hành sơ đồ chiến thuật này. Không có trung vệ, Pep kéo Lahm xuống, thiếu tiền vệ trung tâm, hậu vệ trái David Alaba được đẩy lên. Còn Arjen Robben được xếp bên cánh phải, kiêm cả nhiệm vụ tấn công lẫn phòng ngự. Sơ đồ này đang hoạt động khá ì ạch (thua Dortmund ở trận Siêu cúp Đức, thắng chật vật Wolfsburg ở vòng 1 Bundesliga) nhưng chắc chắn, Pep sẽ không thay đổi.

Theo vết xe của Van Gaal?

Ở điểm này, Guardiola khá giống ông thầy Louis van Gaal. Khi dẫn dắt Bayern (hay mọi đội bóng khác), ông Van Gaal luôn theo đuổi đến cùng quan điểm của mình. Vị HLV này cho Mario Gomez, hợp đồng kỷ lục của Bundesliga khi đó, ngồi dự bị vì không phù hợp với chiến thuật. Ông thầy người Hà Lan cũng từ chối mua Neuer bởi muốn sử dụng Thomas Kraft, một phần trong kế hoạch trẻ hóa Bayern của ông. Van Gaal luôn muốn đá tấn công dù biết thừa hàng thủ của Bayern rất mong manh. Mặc cho Uli Hoeness, Chủ tịch khi đó, có can thiệp, Van Gaal vẫn không thay đổi, dù có bị sa thải.

Sự cực đoan này thực tế đã mang lại không ít thành quả cho Bayern lẫn bóng đá Đức. Nếu không có sự giới thiệu và cả bảo vệ của Van Gaal, những tài năng trẻ như Holger Badstuber, Alaba hay Mueller chưa chắc đã có ngày hôm nay. Không quá nếu nói ông thầy người Hà Lan chính là người đẩy nhanh quá trình trẻ hóa bóng đá Đức. Tương tự, nếu HLV Guardiola không kiên quyết áp dụng tiki-taka cho Bayern, tuyển Đức, với nòng cốt là các cầu thủ “Hùm xám”, khó có thể chơi pressing ấn tượng như vậy tại World Cup 2014.

Tuy nhiên, sự cực đoan này đôi lúc không có lợi cho tinh thần tập thể. Lahm từng chỉ trích Van Gaal quá kiêu ngạo, không đoái hoài tới góp ý của người khác. Hậu quả của việc này là Van Gaal chỉ trụ lại được Bayern chưa đầy 2 mùa giải.

Hiện nay, nhiều cầu thủ của Bayern tiết lộ chưa hiểu nổi các ý tưởng của Guardiola. Đây là điều nguy hiểm bởi bóng đá là môn thể thao tập thể chứ không phải nơi các HLV áp đặt triết lý để đánh bóng cái tôi. Mỗi HLV cần có phong cách riêng nhưng nó phải phù hợp với đội ngũ nhân sự mình có.

Bayern từng rất đoàn kết và chơi ấn tượng nhất là dưới thời Jupp Heynckes, vị HLV biết lắng nghe, tận dụng tối đa những quân bài đang có. 


Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm