Từ thương vụ Oscar, Tevez: Tới Viễn Đông không phải là dấu chấm hết

03/01/2017 20:19 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Thị trường chuyển nhượng mùa Đông mùa 2015-16 là lần đầu tiên thế giới thật sự để mắt tới bóng đá Trung Quốc. Các CLB Trung Quốc đã bỏ ra số tiền khổng lồ chỉ trong một thời gian ngắn để đưa về những ngôi sao đắt giá, nổi bật là Quảng Châu Evergrande với Jackson Martinez và Giang Tô Tô Ninh với Ramires.

Nhưng phải tới mùa Đông năm nay, cơn đua tiền ở Trung Quốc mới lên tới đỉnh điểm khi Thượng Hải SIPG mua Oscar với giá 60 triệu bảng, còn Thân Hoa Thượng Hải chiêu mộ Carlos Tevez. Nhiều người, trong đó có HLV Antonio Conte của Chelsea, khẳng định rằng cơn mưa tiền từ Trung Quốc là mối đe dọa với bóng đá thế giới.

Tại sao có những hợp đồng bom tấn?

Thế nhưng, nguyên nhân chủ yếu giải thích cho việc này là bởi các đội bóng Trung Quốc chỉ có thể sử dụng hạn chế cầu thủ ngoại, cộng với sự khan hiếm các cầu thủ bản địa xuất sắc. Một ví dụ, thủ thành Zhang Lu, 29 tuổi, mới có 2 lần khoác áo tuyển quốc gia nhưng đã được chuyển nhượng với giá gần 10 triệu USD hồi năm ngoái.

Mức giá cao phi lý của cầu thủ bản địa là lý do tại sao các CLB Trung Quốc phải chi ra các hợp đồng khổng lồ cho ngôi sao ngoại hàng đầu, như Oscar hay Tevez. Nếu so với giá cả của cầu thủ Trung Quốc, phí chuyển nhượng trị giá 60 triệu bảng của Oscar cũng chẳng phải quá phi lý. Tham vọng trở thành cường quốc bóng đá hàng đầu của chính phủ Trung Quốc cũng là một nguyên nhân giải thích cho cơn bão tiền từ các CLB của họ.

Tuy nhiên, nhiều người bên ngoài châu Á, đặc biệt là báo chí Anh, vẫn không thể hiểu tại sao các cầu thủ hàng đầu lại sẵn sàng tới Trung Quốc ở đỉnh cao sự nghiệp. Họ vẫn quen với cách nghĩ rằng, các giải đấu bên ngoài châu Âu thường chỉ dành cho các cầu thủ sắp giải nghệ và đã bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Những cầu thủ sẵn sàng rời bỏ sự nghiệp đỉnh cao ở châu Âu để đến một giải đấu kém hơn với mục đích kiếm tiền vẫn hay bị chỉ trích là tham lam và thiếu tham vọng.

Tất nhiên, mọi cầu thủ đều mơ ước được chơi ở những giải đấu hàng đầu, được nâng cao chức vô địch Champions League và được đối đầu với Messi hoặc Ronaldo, nhưng về cơ bản, bóng đá là bóng đá. Oscar sẽ vẫn chơi bóng như bình thường, dù là ở một thế giới khác, và chắc hẳn, sẽ không nhiều người từ chối mức lương cao gấp 4 lần anh ta đang nhận, nhất là khi sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp ngày nay ngày càng ngắn và mong manh.

Còn tham vọng? Trước khi tới Trung Quốc, Oscar đang phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị ở Chelsea. Nếu tiếp tục ở lại và phải sống kiếp dự bị, đó mới gọi là thiếu tham vọng. Chất lượng của bóng đá Trung Quốc còn lâu mới theo kịp các giải đấu hàng đầu châu Âu, nhưng tới đây chơi bóng không có nghĩa là sự nghiệp của cầu thủ bị hủy hoại hoàn toàn như nhiều người nghĩ.

Tới châu Á không có nghĩa là chấm hết

Đầu tiên, nhiều cầu thủ đã chơi ở các giải đấu được coi là dành cho những người giải nghệ nhưng sau đó vẫn thành công khi trở lại châu Âu. Jermain Defoe là một ví dụ điển hình. Tiền đạo người Anh tưởng như đã hết thời khi chuyển tới Toronto FC của MLS năm 2014.

Tuy nhiên, khi trở lại Premier League trong màu áo Sunderland, Defoe vẫn chơi tốt, thậm chí còn nằm trong Top những chân sút hàng đầu giải đấu. Mùa trước, Defoe ghi tới 15 bàn ở Premier League để giúp Sunderland trụ hạng, còn mùa này, anh cũng đã có 9 bàn.

Ngay cả Nicolas Anelka và Didier Drogba, những người từng khoác áo Thân Hoa Thượng Hải, cũng đều tỏa sáng ở Premier League sau một thời gian chơi bóng ở Trung Quốc. Với Drogba là Chelsea, còn Anelka là West Brom. Với đội ngũ trinh sát luôn phủ sóng toàn cầu và truyền thông phủ rộng khắp nơi, chuyển tới chơi bóng ở Trung Quốc không có nghĩa là cầu thủ đó biến mất khỏi bóng đá đỉnh cao.

Thậm chí, với nhiều cầu thủ và HLV tên tuổi đang làm việc ở Trung Quốc, giải Chinese Super League ngày càng trở nên hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm hơn bao giờ hết. Và cần biết rằng, một số cầu thủ đã làm nên sự nghiệp khi chơi bóng ở vùng Viễn Đông. Tức là họ hoàn toàn không được biết đến trước khi tới chơi bóng ở châu Á nhưng sau đó đã tạo lập được tên tuổi và tới châu Âu thi đấu.

Hulk là một cầu thủ như vậy. Chẳng ai biết đến Hulk khi anh chơi bóng cho Kawazaki Frontale, Tokyo Verdy rồi Consadole Sapporo của Nhật Bản, nhưng tài năng của tiền đạo người Brazil vẫn lọt vào mắt xanh của Porto. Hulk sau đó trở thành chân sút đẳng cấp của Porto trước khi chuyển sang Zenit với giá 40 triệu euro. Và mùa Hè năm ngoái, Hulk đã cập bến Thượng Hải SIPG với giá 56 triệu euro.

Một ví dụ khác là Eduardo Goncalves de Oliviera (vẫn được gọi là Edu). Edu từng có thời gian khoác áo Vfl Bochum khi bắt đầu sự nghiệp và khi anh chuyển từ Mainz 05 tới Suwon Bluewings của Hàn Quốc năm 2007, nhiều người đã nghĩ rằng sự nghiệp đỉnh cao của cầu thủ này đã kết thúc. Tuy nhiên, sau quãng thời gian thành công ở Suwon, Edu đã trở lại Đức để khoác áo Schalke và thể hiện được khả năng của mình. Anh ghi một cú đúp vào lưới Inter ở Tứ kết Champions League để được đối đầu với Man United ở Bán kết.

Chơi bóng bên ngoài châu Âu có thể ảnh hưởng tới cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia của một cầu thủ, đặc biệt là châu Âu (đội tuyển Anh là một ví dụ). Thế nhưng Brazil thì khác. Selecao sẵn sàng gọi lại một cầu thủ đang chơi bóng ở Trung Quốc. Paulinho (Quảng Châu Evergrande), cựu tiền vệ của Tottenham, và Renato Augusto (Bắc Kinh Quốc An), cựu cầu thủ Leverkusen, đều đã ra sân trong chiến thắng 2-0 của Brazil trước Peru hồi tháng 11 năm ngoái ở vòng loại World Cup 2018.


Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm