Tuyển Đức: Bộ mặt nào cho thế hệ Y?

18/11/2014 19:08 GMT+7 | Đức

(giaidauscholar.com) - Sau 4 năm, kể từ bán kết World Cup 2010, họ lại gặp nhau. 4 năm về trước, Tây Ban Nha đã giành chiến thắng 1-0 để lọt vào chung kết và giành chức vô địch. 4 năm sau, tuyển Đức đã là nhà ĐKVĐ World Cup.

Bóng đá Tây Ban Nha đã vươn đến đỉnh cao với 3 chức vô địch ở 3 giải đấu lớn liên tiếp (EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012), vào đúng giai đoạn người Đức mò mẫn thực hiện cuộc cách mạng toàn diện của mình. Vì thế, có thể hiểu tại sao, Đức đã dành sự coi trọng đặc biệt và có lúc là thái quá cho đội tuyển ở bán đảo Iberia.

Đức đã từng “sợ” Tây Ban Nha

Vặn ngược thời gian trở lại mùa hè Nam Phi 4 năm trước. Khi ấy đội tuyển Đức tiến vào bán kết với một khí thế hừng hực, sau những màn trình diễn vô cùng ấn tượng. Ở vòng 1/8 đội họ vùi dập tuyển Anh với tỉ số 4-1. Ở tứ kết, một lần nữa người Đức trút vào lưới đối thủ 4 bàn thắng. Nhưng lần này họ thậm chí còn chẳng để Argentina của Maradona và Messi có được bàn danh dự. Với phong độ tuyệt vời đó, Đức được chờ đợi là sẽ hóa giải được thứ vũ khí tiki-taka đang cùng người Tây Ban Nha làm mưa làm gió ở cả cấp độ đội tuyển lẫn CLB (Barcelona). Nhưng rốt cuộc điều ấy đã không thể xảy ra.

Người ta đã không thể nhận ra hình ảnh vũ bão vốn có của người Đức khi đối đầu với người Tây Ban Nha. Một phần vì Tây Ban Nha chơi quá tốt. Với lối đá tiki-taka sở trường, họ đã chiếm ưu thế về kiểm soát bóng, khiến cho các học trò của Loew không có cơ hội thể hiện mình. Nhưng bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ chính cách tiếp cận trận đấu của tuyển Đức. Họ tỏ ra quá thận trọng và chủ động chơi phòng ngự co cụm trước đối thủ, thay vì đá tấn công và pressing ở tốc độ cực cao ở các trận đấu trước. Để rồi khi không còn là chính mình, việc Đức thúc thủ cũng là điều tất yếu.

Có thể thấy tâm lý sợ Tây Ban Nha là rất rõ ràng. Trước thềm World Cup 2014, đội trưởng Philipp Lahm vẫn phát biểu rằng Đức chưa "cùng mâm" với Tây Ban Nha. Hay việc Bayern Munich trải thảm đỏ mời Pep Guardiola về nắm quyền cũng thể hiện sự tôn sùng tiki-taka của người Đức.

Cuộc chơi giờ đã khác

Như đã phân tích ở trên, có thể hiểu tại sao người Đức có tâm thế như vậy trong cuộc chạm trán Tây Ban Nha 4 năm trước. Trong giai đoạn ấy, không chỉ Die Mannschaft thất thế trong những cuộc chạm trán Tây Ban Nha trên bình diện ĐTQG, mà ở cấp CLB hay các đội U, các đội bóng Đức cũng liên tục chịu thất bại trước các đại diện Tây Ban Nha. Nhưng thời thế giờ đã khác. Sau 4 năm, cả Đức và Tây Ban Nha đều đã có rất nhiều sự thay đổi.

Tiki-taka của Tây Ban Nha không còn bất khả chiến bại. Trong khi đó, chính người Đức lại đã tiến bộ đáng kể về lối chơi dựa trên nền tảng kiểm soát bóng. Về lý thuyết, tuyển Đức bây giờ hoàn toàn có thể chơi sòng phẳng với Tây Ban Nha bằng chính lối đá đã đưa đội tuyển xứ đấu bò lên đỉnh cao. Thế nhưng, đội tuyển Đức tại Vigo đêm nay hoàn toàn không phải là đội bóng đã đi đến tận cùng khám phá tại Brazil vài tháng trước.

Báo chí Đức đang gọi thành phần Die Mannschaft tham dự trận đấu đêm nay là thế hệ Y, vốn dùng để ám chỉ những người thuộc thế hệ 9x, lớn lên cùng những thiết bị kỹ thuật số thay vì đọc sách và không có nhiều tham vọng, ý chí. Thực tế, có tới 11/19 cầu thủ của tuyển Đức tham dự trận đấu này sinh từ năm 1990 đổ lại. Nhưng tại Vigo họ sẽ phải chứng minh rằng họ chẳng liên quan gì đến cái gọi là thế hệ Y, ngoại trừ điểm chung là tuổi tác.

Họ là những tinh hoa kế cận của nền bóng đá hàng đầu thế giới, đủ sức gánh vác những trọng trách lớn lao. Rõ ràng, sẽ là khắt khe nếu yêu cầu một tập thể trẻ măng như vậy đánh bại Tây Ban Nha ngay trên hang ổ của đối phương. Nhưng chỉ cần họ có thể chơi sòng phẳng, thay vì mặc định đối thủ nhỉnh hơn mình như chính những người đàn anh từng e ngại, thì cũng đã có thể coi đó là nền móng niềm tin đầu tiên mà thế hệ Y tạo ra trong lòng người hâm mộ.

Đức Phan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm