20/10/2015 06:32 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Tôi biết tới cái tên Trương Ngọc Minh Đăng (SN 1981) sau khi hay tin cô giành giải thưởng Trí Huệ Việt ở một cuộc bình chọn của các nữ doanh nhân vừa diễn ra ở TP HCM. Nhưng điều mà tôi muốn kể về Minh Đăng không phải là chuyện làm đẹp, kinh doanh hay thi thố, mà giản dị thôi, câu chuyện về một người mẹ muốn được “cùng con đi khắp thế gian”...
Số báo ra hôm qua (19/10), Thể thao & Văn hóa đăng bài viết “Cha mẹ rưng rưng... học cách yêu con” nhân sự kiện ra mắt cuốn sách Thuần hóa cha mẹ hổ của nhà báo Tanith Carey nhằm phản bác quan niệm của “bà mẹ hổ” Amy Chua nổi tiếng. Không thể nói Carey hay Amy Chua đúng hoàn toàn, và với Minh Đăng – câu chuyện của bà mẹ này hoàn toàn khác.
Từ “nắm tay con”...
Minh Đăng kể: “Tôi lặng người đi ở phút giây khi tôi biết con mình mắc phải chứng khó tiếp xúc. Đó liệu có phải là hậu quả của việc trượt chân té ngã ở tuần thứ 33 của thai kỳ, khi ấy bác sỹ yêu cầu mổ lấy thai, tôi đã không đồng ý dù cho bác sỹ đã đe: “Nếu cô không nhập viện sinh con lúc này, chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về sự an toàn của đứa bé nữa!”.
Và rồi con tôi sinh ra, trông có vẻ bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến khi bé 8 tháng, tôi mới biết con mình dị ứng hoàn toàn với sữa, chỉ có thể tiếp nhận sữa mẹ. Con tôi bú sữa mẹ cho đến khi 33 tháng và bé chỉ nói được vài từ.
Trong suốt thời gian ấy, tôi đã buồn khổ, khóc lóc... Trong suốt thời gian ấy, tôi nhận được lời khuyên từ một người bạn rằng hãy cho con đi du lịch và tiếp xúc đa văn hóa, bé sẽ phát triển hơn. Tôi là một người yêu thích những chuyến đi, vậy là hành trình bắt đầu. Tôi đã dẫn con đi 8 nước khác nhau và du lịch trong nước từ Bắc đến Nam trong vòng 2 năm”.
Cũng theo lời bà mẹ này, vợ chồng chị đã đưa con đến với Malaysia ngay sau khi con được 1 tuổi. Đó là thời điểm Malaysia mừng Giáng sinh. Sau 3 ngày đến nơi đây, thành tích đầu tiên mà họ đạt được là con trai chị gọi được tên cha và bé đã chịu chơi chung với những đứa trẻ nơi đây thông qua việc nhìn ngắm các con thú và nghe nhạc.
May mắn lại tiếp tục mỉm cười khi mẹ con chị vô tình gặp Miss Teen Malaysia. “Có lẽ sự thân thiện và nét đẹp trong sáng của cô bé đã hấp dẫn bé con của tôi rời vòng tay mẹ và đến làm quen với cô gái nhỏ. Tôi vừa cười vừa rơi nước mắt khi thấy con mình mạnh dạn hơn từng ngày. Đây là cột mốc đầu tiên trong quá trình hòa nhập thế giới của con tôi” – Minh Đăng nhớ lại.
Để dạy con tự lập, khi bé được 17 tháng, Minh Đăng còn dẫn con đi Philippines. Kỷ niệm của chuyến đi này là con trai chị học việc tự ăn một mình và khả năng giao tiếp với thế giới thông qua việc tìm hiểu về tự nhiên.
Bé được đi dạo công viên một mình trong sự quản lý từ xa của mẹ. Bé đã bắt đầu tìm hiểu về cây cỏ, về những chú chim và những người bạn mới thông qua việc tham gia khóa học của các bé nhỏ tại khu vực khách sạn mà họ ở. Vào mỗi bữa ăn chính, bé sẽ được có chỗ ngồi riêng, khay thức ăn riêng để bé tự phục vụ cho mình.
Chuyến đi ấy đánh dấu về sự hiểu biết của bé về thế giới sinh vật, khi về nhà, bé đã có thể chỉ đúng vào hình của các con vật khi gọi tên chúng và bé đã có thể dùng muỗng một cách khéo léo. Bài học về cách dùng muỗng, bé đã được học từ những người bạn mới tại đất nước Phillippines.
“Ngay tại Việt Nam, con tôi cũng đã được ngắm nhìn các bờ biển, những con sóng cho đến việc ăn cơm lam, chơi đùa cùng những đứa trẻ ở vùng Tây Bắc và không thể thiếu những ngày bé rong chơi cùng con em các vùng dân tộc Tây Nguyên. Qua suốt chặng đường du lịch trong nước, điều bé học được nhiều nhất chính là khả năng thích ứng với thời tiết, khả năng chịu đựng những cuộc hành trình dài ngày và thích ứng với ẩm thực của nhiều vùng miền khác nhau” – Minh Đăng kể thêm.
Đến ý tưởng quảng bá hình ảnh Việt Nam
Từ những trải nghiệm của chính mình, Minh Đăng nhận thấy có rất nhiều bà mẹ ở Việt Nam cũng có hoàn cảnh tương tự, cũng với những ước mơ, trăn trở như chị trong quá trình nuôi dạy và hình thành nhân cách cho con.
“Thế nhưng, rào cản ngôn ngữ, rào cản về xã hội dường như đã khiến người phụ nữ đành để cho mong muốn của mình đi lướt qua. Chính vì thế, tôi đã có ý tưởng về dự án “Cùng con đi khắp thế gian” nhằm giúp người phụ nữ Việt không những nhận những kiến thức khoa học trong việc nuôi dạy con trẻ mà còn là cơ hội cho những giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc Việt Nam được lan tỏa đến các nước bạn thông qua việc cùng nhau chia sẻ kiến thức và trao đổi về văn hóa”.
Hiện nay dự án đã nhận được sự quan tâm từ khá nhiều tổ chức. Theo đó, “Cùng con đi khắp thế gian” sẽ có nhiều phiên bản: phiên bản dành cho trẻ mẫu giáo, học sinh cấp 1, cấp 2 và cấp 3.
Mỗi chuyến đi sẽ có 12 cặp mẹ con, đi 12 quốc gia, tại mỗi quốc gia sẽ được học 3 bài học về sự thành công trong nền giáo dục, kèm theo đó là lịch trình khám phá những nền văn hóa và du lịch của quốc gia đó để giới thiệu đến khán giả tại Việt Nam trên kênh Youtube và truyền hình.
Đặc biệt, trong lịch trình, Minh Đăng cũng mong muốn mang chiếc áo dài - biểu tượng của Việt Nam trong suốt hành trình giao thoa văn hóa với các quốc gia.
Dự án đã nhận được sự đồng ý hỗ trợ về trang phục áo dài từ nhà thiết kế Tiến Doãn - Giám đốc sáng tạo Thương hiệu thời trang Elasen Paris Saigon, hứa hẹn sẽ mang đến cho những cặp mẹ con những bộ trang phục vừa thể hiện tinh thần văn hóa Việt Nam, vừa giao thoa với nền văn hóa của từng quốc gia mà chương trình đặt chân đến.
Nhật Nguyên
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất