Cầu thủ Anh đổ xô đến Serie A để hồi sinh sự nghiệp

24/02/2025 20:44 GMT+7 | Italy

Những năm gần đây, nhiều cầu thủ Premier League tìm đến Serie A như một môi trường lý tưởng để hồi sinh sự nghiệp - và tất nhiên, những ưu đãi về thuế không phải là lý do duy nhất lôi cuốn họ.

Cầu thủ Anh tràn ngập sân cỏ Serie A

Keinan Davis cảm thấy một điều gì đó thật quen thuộc. Trong trận đấu của Udinese trên sân Empoli hồi tháng 11 năm 2024, anh nhận ra có 1 cầu thủ Scotland trên sân. Đó là Liam Henderson, người từng chơi cho Celtic. Davis, từng khoác áo Aston Villa, đã tìm gặp Henderson sau trận đấu. "Tôi nói với anh ấy: Vậy là cậu cũng ở Ý à? Thật điên rồ, đúng không? Làm thế nào mà cậu cũng đến đây?".

Gần đây nhất, Dele Alli và Kyle Walker là những cái tên tiếp theo rời Premier League đến Serie A. Cả hai được Como và AC Milan liên hệ vào tháng 1/2025, thời điểm số lượng cầu thủ Anh tại Serie A đang ở mức cao nhất trong lịch sử: 14 người, so với 10 người mùa giải trước và 5 người vào năm 2020. Một thập kỷ trước, con số này chỉ là 2. Thực tế, sau khi Paul Gascoigne rời Lazio và David Platt rời Sampdoria vào năm 1995, Serie A không bao giờ có nhiều hơn 2 cầu thủ Anh trong suốt 23 năm tiếp theo. Trong một thập kỷ, David Beckham thậm chí là cái tên duy nhất.

Nhưng mùa giải này, các cầu thủ Anh tràn ngập sân cỏ Serie A, từ bộ ba cựu cầu thủ Chelsea là Fikayo Tomori, Ruben Loftus-Cheek và Tammy Abraham ở AC Milan, đến Scott McTominay và Billy Gilmour tại Napoli, dưới sự dẫn dắt của Antonio Conte với tham vọng giành Scudetto. Cựu tiền đạo Southampton, Ché Adams, là chân sút hàng đầu của Torino, còn Davis là người ghi bàn giúp Udinese trụ hạng mùa giải trước. Samuel Iling-Junior và Lewis Ferguson thi đấu cho Bologna, trong khi Henderson và Tino Anjorin, một cầu thủ trẻ trưởng thành từ Chelsea, khoác áo Empoli. Tất nhiên, không thể quên Dele Alli và Kyle Walker - những tân binh mới nhất của giải đấu.

Hồi sinh nhờ Serie A

Chris Smalling (Roma), Ashley Young (Inter Milan), Djed Spence (Genoa) và Harry Winks (Sampdoria) đều đã tận hưởng sự hồi sinh tại Ý. Young từng nghĩ Inter sẽ là chương cuối cùng trong sự nghiệp, nhưng anh vẫn tiếp tục cống hiến ở Aston Villa và Everton. Sau thời gian ở Genoa, Spence đã chuyển từ cầu thủ không được đá chính sang vị trí không thể thay thế tại Tottenham Hotspur. Tất cả họ đều tìm thấy sự tái sinh sự nghiệp ở Serie A.

Cầu thủ Anh đổ xô đến Ý để hồi sinh sự nghiệp - Ảnh 1.

Lukaku (trái) và McTominay đã ngoạn mục hồi sinh sự nghiệp sau khi rời MU, tìm đến Serie A

Một người đại diện có cầu thủ người Anh hiện thi đấu tại Serie A chia sẻ: "Đó là một cách nhìn khái quát, nhưng gần như Đức là nơi để phát triển, Tây Ban Nha để đạt đỉnh cao và Ý để hồi sinh".

Câu hỏi đặt ra là tại sao nước Ý lại trở nên hấp dẫn đối với các cầu thủ người Anh, và tại sao các câu lạc bộ Ý lại tập trung chiêu mộ họ nhiều hơn bao giờ hết?

Nếu sự cạnh tranh khốc liệt đã đẩy các cầu thủ Premier League ra đi khắp nơi, thì Ý là nơi có số lượng cao nhất và tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Những cầu thủ từng có thể chuyển đến chơi ở hạng Nhất Anh Championship giờ đây ngày càng xem Serie A như nơi để khởi động lại sự nghiệp.

Mức độ cạnh tranh cao hơn và giải đấu đủ mở để nhiều đội bóng có thể mang lại cơ hội thi đấu tại các giải đấu châu Âu. "So với Championship, chất lượng cá nhân ở đây hoàn toàn khác biệt", Davis, người từng chơi ở giải hạng Nhất Anh trong thời gian cho mượn tại Nottingham Forest và Watford, chia sẻ. "Nếu bạn đang ở Premier League nhưng không thể hiện được mình, lựa chọn tốt thứ 2 bây giờ chính là Serie A. Đó là ý kiến của tôi và có lẽ nhiều người khác cũng đồng ý, đó là lý do họ chuyển đến đây".

Tất nhiên, cuộc sống tại Ý cũng là một sức hút lớn, đặc biệt đối với những cầu thủ muốn thoát khỏi áp lực đặc thù mà các cầu thủ bản địa tại Premier League phải chịu đựng khi thi đấu cho một câu lạc bộ mà họ đã gắn bó từ nhỏ. Loftus-Cheek, sinh ra tại Lewisham và gia nhập Chelsea từ năm 8 tuổi, từng chia sẻ với tờ The Times vào năm 2023 rằng anh thích rời Milan để tới hồ Como, nơi anh "tìm được chút yên bình" và "giải tỏa đầu óc". Trong khi đó, Harry Winks, lớn lên tại Hemel Hempstead và gia nhập Tottenham từ năm 5 tuổi, đã phải lòng món pasta trofie khi chơi bóng tại Sampdoria và dành những buổi sáng sớm trên bờ biển Riviera dắt chó đi dạo.

Tuy nhiên, những cầu thủ này đến Ý không phải để nghỉ ngơi, mà để tái khởi động sự nghiệp. Họ tin rằng về mặt phong cách, Serie A là sự lựa chọn phù hợp, đặc biệt về khía cạnh thể chất. Các nhà tuyển dụng đánh giá giải đấu hàng đầu của Ý là một môi trường chiến thuật và kỹ thuật cao, nhưng lại là nơi mà những cầu thủ có tố chất về thể lực có thể dễ dàng nổi bật.

Davis, một tiền đạo có lối chơi quyết liệt, đã cảm thấy được khích lệ để gia nhập Udinese sau khi thấy những cầu thủ như Romelu Lukaku và Gianluca Scamacca thành công. Các câu lạc bộ Ý tin tưởng rằng các cầu thủ từ Premier League sẽ mang đến một cường độ thi đấu mà những người khác khó có thể sánh kịp. "Giải đấu ở Ý khá thiên về thể lực, nhưng về mặt cường độ thì không thể so sánh với Premier League", Giám đốc thể thao của Genoa là Marco Ottolini phân tích. "Khi nói về thể lực, tôi ám chỉ khối lượng cơ bắp và cấu trúc cơ thể, nhưng cường độ là những pha chạy nước rút, tăng tốc - và họ ở một đẳng cấp cao hơn. Điều đó tạo nên sự khác biệt lớn".

Nhờ công nghệ và các đội ngũ hỗ trợ lớn, các cầu thủ Anh ngày nay dễ dàng học ngoại ngữ hơn, điều từng là vấn đề lớn ở Ý, nơi các huấn luyện viên thường chỉ nói tiếng Ý và ngôn ngữ trên sân tập thường ít linh hoạt hơn so với các quốc gia khác. Đã lâu lắm rồi kể từ khi Paul Gascoigne đặt một chồng sách "Cách học tiếng Anh" cho các đồng đội của mình vào ngày đầu tiên ở Lazio. Khi Nathaniel Chalobah rời Chelsea để gia nhập Napoli năm 2015, HLV Maurizio Sarri từng nói anh sẽ không được thi đấu nếu không học tiếng Ý.

Cầu thủ Anh đổ xô đến Ý để hồi sinh sự nghiệp - Ảnh 2.

Dele Alli kỳ vọng cứu vớt được sự nghiệp sau khi gia nhập Como

Vấn đề thuế

Một rào cản lớn khác là mức lương cao của các cầu thủ Anh. Điều kiện tài chính của họ thường là trở ngại đối với các câu lạc bộ nước ngoài với ngân sách hạn chế. Nhưng Serie A giờ đây đã có thể cạnh tranh, phần lớn nhờ vào một chính sách giảm thuế mang tên "Decreto Crescita", được ban hành năm 2019 nhằm thu hút các tài năng về lại Ý. Tương tự như "Luật Beckham" được Tây Ban Nha áp dụng năm 2005, quy định này cho phép các cầu thủ chuyển đến Ý chỉ phải trả thuế trên 50% thu nhập của mình. Điều này có nghĩa là một câu lạc bộ trước đây phải trả 17,5 triệu euro (khoảng 14,8 triệu bảng) để mang về mức lương ròng 10 triệu euro, giờ đây chỉ cần trả 12,7 triệu euro theo quy định mới. Điều bất lợi cho các đội bóng Ý là chính sách giảm thuế này đã kết thúc vào năm ngoái, khiến khoảng cách tài chính giữa Serie A và Premier League lại rộng ra. Hiện có những cuộc thảo luận để xem liệu chính sách này có được áp dụng trở lại hay không.

Một hạn chế khác là số lượng cầu thủ Anh được phép trong đội hình. Các đội Serie A chỉ được ký hợp đồng với 2 cầu thủ ngoài EU mỗi mùa giải, điều này bao gồm cả các cầu thủ Anh sau Brexit. Tuy nhiên, năm 2023, một suất bổ sung đã được thêm vào cho 1 cầu thủ người Anh hoặc Albania.

Các mối quan hệ quan trọng không kém các quy định. Các công ty đại diện như CAA Base, hiện có 7 đại diện toàn thời gian tại Ý, đã xây dựng danh tiếng vững chắc với các câu lạc bộ Serie A như Milan, nơi có các ông chủ người Mỹ được cho là có mối quan hệ tích cực với hệ thống lãnh đạo của Todd Boehly tại Chelsea, nơi rất nhiều thương vụ chuyển nhượng đã được đàm phán. Trên băng ghế huấn luyện, thời gian làm việc tại Premier League của Antonio Conte và José Mourinho đã dẫn đến việc Conte đưa Young đến Inter và Mourinho lôi kéo Abraham về Roma. "Điều đầu tiên José nói là: Cậu muốn tận hưởng ánh nắng hay ở lại trong mưa?", Abraham kể với The Times vào năm 2021.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm